Đó là những điều rất đặc biệt trong chuyện tình yêu của Bùi Ngọc Đức, sinh năm 1992 và chị Phan Thị Ngọc, sinh năm 1979. Chính hai người cũng không thể lý giải duyên nợ nào đã kết nối họ với nhau, cùng vượt qua bao khó khăn đến vậy.

Một ngày đầu hè năm 2014, khi đang học năm cuối khoa công nghệ ôtô (Đại học Bách Khoa), Đức đi thực tập ở một gara tại Định Công (Hà Nội) và thuê nhà trọ ở đó. Sau vài ngày, anh thấy xóm trọ bên cạnh có một người phụ nữ lớn tuổi chỉ có một mình. Đến một ngày Đức hỏi: "Chị ơi, chồng chị đâu mà chị ngồi một mình thế này". Chị Ngọc ngước lên thì thấy một chàng trai với vóc dáng nho nhỏ, khuôn mặt hiền và rất trẻ. "Chị chưa có chồng".

Lúc đó, trong đầu chàng sinh viên tò mò sao một phụ nữ cao ráo (chị Ngọc cao đến 1m70), khuôn mặt sáng và tươi tắn như thế lại chưa có chồng. Năm đó, chị Ngọc 36 tuổi, còn Đức 23.

Sống chân thật và trọng chữ Hiếu đã nối duyên người phụ nữ với cậu sinh viên kém hơn một giáp. Ảnh: NVCC.

Sống chân thật và trọng chữ Hiếu đã nối duyên người phụ nữ với cậu sinh viên kém hơn một giáp. Ảnh: NVCC.

Một ngày trời rất nóng, Đức đi qua thì thấy người phụ nữ này đang chật vật nâng các tấm xốp để che chắn cho căn phòng giảm nhiệt. Anh vào làm giúp. Sau đó thấy căn phòng có vài đồ thờ Phật, Đức liền hỏi thì được chị Ngọc chia sẻ về Phật pháp, đúng là điều mà anh quan tâm gần đây. "Chị ấy kể, ánh mắt nhìn mình sáng trong. Mình cảm thấy một cái gì lạ lạ, khó tả", Đức bộc bạch.

Những ngày sau hai chị em hay nói chuyện hơn. Thi thoảng, chị Ngọc sang nhờ cậu em coppy cho mấy bài pháp. Có những ngày trời mưa, họ đội nón sang phòng nhau tiếp tục những câu chuyện dở dang. Vài lần chị Ngọc đi chùa cũng dẫn Đức cùng đi. Họ thân mật hơn, chơi với nhau một cách vô tư, trong trẻo.

Tiếp xúc nhiều, Đức biết lý do tại sao người có nhan sắc như chị Ngọc lại ở vậy. Chị từng trải qua một mối tình 10 năm, một lòng chăm lo, chờ người đó đi nước ngoài tu nghiệp. Nhưng đến khi có trong tay công danh, sự nghiệp thì người đó bỏ chị đến với cô gái trẻ đẹp, có tiền hơn."Tôi tự nhủ nếu không tìm được một người tính cách tốt hơn người đó, tôi sẽ không lấy chồng", chị Ngọc giãi bày.

Vậy là sau khoảng 7 năm chia tay, chị vẫn lẻ loi. Bố mất sớm, mẹ yếu, chị Ngọc từng phải nghỉ học đi làm nuôi mẹ, nuôi em. Giá trị gia đình, sự hiếu thuận với mẹ là điều quan trọng nhất với chị. Lúc gặp Đức, chị nhận ra sự đồng điệu của chàng trai này. Chính điều đó kết nối họ với nhau, rồi tình cảm dần tiến triển lúc nào không hay.

Một bận Đức về quê vài ngày chưa ra. Chị Ngọc có cảm giác thiếu vắng. Chị xin số điện thoại rồi gọi về: "Em về chẳng báo gì, làm chị thấy thiếu kiểu gì ấy". Đức cũng có tình cảm như vậy với chị. Chỉ hai tháng sau khi quen biết, trong anh thôi thúc phải cầu hôn người con gái này. Một buổi tối anh sang căn phòng cấp 4 của chị mở lời: "Hôm nay chị ngồi xuống đây. Em có chuyện muốn nói".

Chị Ngọc chưa hiểu đầu đuôi gì thì Đức quỳ xuống trước bàn thờ Phật, sau đó quay sang nói: "Chị làm vợ em nhé!". Chị Ngọc im lặng đến cả phút, sau đó nhìn người con trai hỏi: "Em đã suy nghĩ kỹ chưa". Đức thoáng ngẩn người nhưng rồi đáp chắc nịch: "Em quyết định rồi".

Ảnh cưới của đôi vợ chồng năm 2014 và năm 2017. Dù sau 3 năm chị Ngọc đã có dấu hiệu tuổi tác, tăng lên tới 10 kg nhưng tình yêu của Đức dành cho vợ không thay đổi. Ảnh: NVCC.

Ảnh cưới của đôi vợ chồng năm 2014 và năm 2017. Dù sau 3 năm chị Ngọc đã có dấu hiệu tuổi tác, tăng lên tới 10 kg nhưng tình yêu của Đức dành cho vợ không thay đổi. Ảnh: NVCC.

Ngay sau đó, Đức thông báo với gia đình: "Con yêu một người cao tuổi". Hiểu con, bố Đức chỉ hỏi rõ chênh lệch tuổi tác, xuất thân, công việc của chị Ngọc, sau đó ngầm cho phép: "Yêu ai là do con. Hạnh phúc là của con, tự con chịu trách nhiệm".

Tháng tiếp theo, họ đăng ký kết hôn. Đôi vợ chồng ở với nhau vài tháng trước khi Đức trở về quê phụ giúp bố mẹ cấy hái. Trong khoảng thời gian này, người đàn ông 24 tuổi nghĩ gia cảnh nhà mình chật vật, vẫn còn nợ một khoản sau đám cưới chị gái, mà với đồng lương 4-5 triệu của anh ở đất Hà Nội thì không biết tới khi nào mới có tiền cưới vợ. Đức quyết định vào Nam lập nghiệp.

"Còn hai ngày nữa chồng đi Nam rồi. Vợ ở nhà chờ. Chồng đi ba năm rồi về cưới", Đức gọi điện cho chị Ngọc nói. Chị Ngọc tuy bàng hoàng, nhưng chồng đã quyết định, chị chỉ còn biết tin tưởng.

Chàng kỹ sư trẻ vào Sài Gòn từ tháng 5/2015 và chấp nhận làm công nhân, sống cùng chị gái. Sự xa cách, hoài nghi khiến mỗi ngày họ nói chuyện với nhau trong căng thẳng không thể giải quyết. Sau một tháng vào đây, Đức nói với vợ: "Chồng hứa với vợ nhiều rồi. Nói đi, nói lại cũng chỉ thế thôi. Nay chồng muốn chuyên tâm niệm Phật. Vợ đừng gọi cho chồng nữa". Anh mong vợ tin mình, chờ mình, sau đó vứt bỏ điện thoại, cắt toàn bộ liên lạc với chị Ngọc, cũng như bố mẹ.

Mỗi ngày Đức đi làm và chuyên tâm luyện một bộ môn của Phật pháp. Anh chuyển sang ăn chay hoàn toàn. Mỗi tháng nhận tiền lương, anh đưa hết cho chị gái giữ, sống vô ưu, vô lo. 

Tình cảnh của chị Ngọc lúc đó ngược lại có nhiều lời ong, tiếng ve: "Chồng em bỏ em rồi, đừng chờ nữa", "Bọn em mới đăng ký kết hôn, chứ đã làm đám cưới đâu", "Cậu ta sẽ không quay về đâu", "Chồng em trẻ đẹp, gái theo đầy, em thì đứng tuổi rồi"... Nhiều người cũng mai mối cho chị những người có bằng cấp, địa vị, có nhà Hà Nội. Song chị một mực nói: "Em tin chồng em lắm, chắc chắn anh ấy sẽ về".


Ngày ấy chị đặt ra giới hạn cho mình, nếu sau 3 năm Đức không liên lạc, chị sẽ không chờ anh nữa. Một ngày tháng 11/2017, Đức cảm thấy nôn nóng trong người. Anh gọi về cho bố. Nghe tiếng con sau bao ngày mong ngóng, ông Xoan mừng mừng tủi tủi: "Bố không cần tiền. Bố cần con thôi. Nay bố thấy mệt rồi. Con về đi".

Đức cũng gọi về cho vợ. Nước mắt chị trào ra vì hạnh phúc. Những tủi hờn không thể nói bao năm qua bay biến hết. Chị hỏi chồng về những điều anh đã ngộ được.

Vài ngày sau, Đức không nói gì với vợ mà bay ra Hà Nội. Đứng trước công ty may của chị, anh gọi: "Vợ ơi, ra ngoài có người gặp". Chị Ngọc không thể ngờ người ấy là chồng mình. "Cảm giác lúc đó không phải mừng vui, mà là bàng hoàng, sững sờ, không thể tin anh đã xuất hiện", chị diễn tả. Hai người nhìn nhau, vẫn nét mặt ấy, nụ cười ấy, sau ngần ấy thời gian xa cách, trên hai khuôn mặt dường như có thêm sự bình thản. Họ chỉ nhìn nhau và cười.

Chị khoác tay chồng đi ra chợ mua bánh kẹo, rồi sau đó dẫn anh về công ty giới thiệu: "Em dẫn chồng em về rồi này", chị cười nói, còn vui hơn cả Tết.

Khoảnh khắc ấy Đức cảm thấy ba năm mà như mới qua một ngày. Giữa anh và vợ không có ngăn cách nào. 

Cảm động trước tình yêu của hai con, bố mẹ Đức nhanh chóng bắt tay vào chuẩn bị đám cưới. Hơn một tháng sau, chú rể 26 tuổi đi chặng đường hơn 200 km đến Ba Vì (quê cô dâu) đón dâu. Bữa đó trời đẹp, mát mẻ.

Đôi vợ chồng hạnh phúc trong ngày về Tết quê ngoại. Ảnh: NVCC.

Đôi vợ chồng hạnh phúc trong ngày về Tết quê ngoại. Ảnh: NVCC.

Sau đám cưới, chị Ngọc muốn trả nghĩa nốt cho công ty mình gắn bó bao năm qua nên vẫn ra Hà Nội làm hết Tết này. Đức ở quê phụ giúp bố làm xưởng mộc. 27 Tết, anh ra Thủ đô đón vợ đi Tết nhà ngoại, rồi mới chính thức về chung một nhà.

Tổ ấm của họ là một ngôi nhà nhỏ sâu trong xóm và hướng ra một cánh đồng bát ngát. Nơi đó, đôi vợ chồng dự định mở rộng xưởng nội thất của cha, phụng dưỡng bố mẹ già. Chuyện con cái, với họ còn chờ duyên tới...

Phan Dương

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top