Đó là trường hợp của bé N.B.K.T (7 tháng tuổi), con anh Nguyễn Văn Tình và chị Bùi Thị Loan, trú tại xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế). Bé được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Nhi khoa, bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng bị khó thở, theo Dân trí.
Qua chẩn đoán, phát hiện hạt dưa bị mắc nằm ở góc phải phế quản.
Hạt dưa được đội ngũ y bác sĩ phẫu thuật lấy ra khỏi phế quản bé 7 tháng tuổi. Ảnh: Dân trí.
Ê-kip bác sĩ Lê Xuân Hiền, Phó trưởng khoa Tai mũi họng, cùng kíp gây mê đã tiến hành phẫu thuật nội soi lấy dị vật ra khỏi phế quản bệnh nhân, tờ Zing đưa tin. Ca phẫu thuật được đội ngũ y bác sĩ thực hiện thành công. Được biết, sức khỏe cháu T. hiện đã dần ổn định và được xuất viện.
Trước đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia, các bậc cha mẹ cần để mắt nhiều hơn đến trẻ trong những ngày tết. Bởi những loại hạt phổ biến thường được bày trong mỗi gia đình dịp này như hạt dẻ cười, hạt dưa, hạt bí, đậu phộng... đều là những nguy cơ có thể khiến trẻ bị hóc dị vật.
Không may mắn như trường hợp hóc dị vật ở trên, một bé trai 19 tháng tuổi, ngụ ở Bình Dương, đã tử vong chỉ vì bị hóc trái nhãn. Trong quá trình đặt nội khí quản để cấp cứu đường thở cho bé, các bác sĩ phát hiện trái nhãn nằm ở thanh môn, bít kín hoàn toàn đường thở, là nguyên nhân làm bé bị ngạt, sau này dẫn tới tử vong, theo Tuổi trẻ.
Hướng dẫn cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật
Vỗ lưng: Người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực.
Ép ngực: Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải). Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.
Nếu đã làm mọi thao tác như trên mà chưa thấy dị vật bị bắn ra thì cần khẩn trương đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để tránh các biến chứng nguy hiểm. Đối với trường hợp trẻ không khó thở cũng phải đưa ngay đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và có thể tiến hành soi gắp dị vật.
N.H
Post a Comment