Chị Lê Quỳnh Mai, nhà ở đường Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội kể nghe tiếng xèo xèo bụp bụp, ngó vào nhà vệ sinh thì thấy chiếc bình nóng lạnh bốc lửa. May mắn lúc đó chồng chị ở nhà, nhanh tay dập cầu dao rồi dập lửa. "Nhà vừa mới sửa, bảo dưỡng các kiểu xong mà như thế này đây. Cảnh báo cho các gia đình đừng chủ quan nha, giờ em vẫn chưa hoàn hồn đây", chị Mai viết trên facebook cá nhân.
Bình nóng lạnh nhà chị Quỳnh Mai bốc cháy, sau khi chồng chị ngắt cầu dao điện
Chia sẻ với VnExpress.net, chị Mai cho biết, gia đình chị sử dụng bình nóng lạnh này được khoảng 6 năm, vẫn đang trong thời gian bảo hành. Cách đây khoảng một tháng, bình bị hỏng, thường phát ra tiếng kêu "tít, tít" và không thể làm nóng nước. Sau khi thợ đến sửa, gia đình chị tiếp tục sử dụng thì xảy ra sự cố.
"Sự cố xảy ra, tôi không đổ lỗi cho nhà sản xuất hay nhân viên lắp đặt, mà có thể do gia đình đã liên tục bật 24/24h", chị Mai cho biết. Chị cũng kể, chiếc bình nóng lạnh ít tên tuổi này chị mua hơn 3 triệu đồng ở chỗ người quen.
Chiếc bình nhà chị Mai đã cháy thành than - Ảnh: Lê Quỳnh Mai. |
Dù chỉ bật khoảng 4-5h mỗi ngày nhưng chiếc bình nóng lạnh do một thương hiệu nổi tiếng sản xuất của gia đình anh Tuấn Ngọc, Hà Nội cũng bỗng dưng cháy đen hồi tháng 8/2016.
Anh Ngọc cho biết khi mua nhà mới, nhìn cái bình nóng lạnh bị co vỏ ngoài từ 3 năm nay, anh đã nghĩ nên thay. Bảy ngày trước khi bình cháy, anh thấy nước bị nhỏ ra trần thạch cao, mọi lần anh kiểm tra ngay, còn lần này thì không. Đến khi anh phát hiện ra thì chiếc bình đã cháy rồi. Nhận xét về nguyên nhân gây cháy, anh Ngọc cho rằng có thể do rơ le ngắt nhiệt của bình bị hỏng, bị nóng quá, dẫn đến chảy nhựa rồi chập điện.
Bình nóng lạnh nhà anh Ngọc cháy sau 1 tuần rỉ nước - Ảnh: Nguyễn Ngọc. |
Theo kỹ sư Lê Thanh Tùng, giám đốc một công ty sửa chữa thiết bị gia dụng điện lạnh tại TP HCM, bình nóng lạnh sử dụng điện có cấu tạo giống chiếc ấm đun nước bằng điện, gồm thanh đun, rơ le, bình chứa nước, chỉ khác ở điểm bình nóng lạnh có kích thước lớn hơn và trang bị thêm nhiều thiết bị để có thể tự động vận hành. Khi mới sử dụng, bình hiếm khi xảy ra sự cố bởi các thiết bị còn mới và đầy đủ các hệ thống an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình lắp đặt và sử dụng, bình nóng lạnh đều đứng trước nguy cơ rò rỉ điện, chập cháy nổ.
Sau thời gian dài sử dụng, thanh điện trở bị một lớp cặn bám vào, làm giãn nở, gây nứt vỡ vỏ thanh điện trở và rò điện ra nước. Hoặc vỏ thanh điện trở bị ăn mòn làm thủng ống, điện sẽ rò theo nước chảy, khiến người sử dụng bị giật.
Ông Tùng nhận xét, hiện tượng bình nóng lạnh phát nổ thường xảy ra ở bộ cảm biến và điều khiển nhiệt độ, rơ le nhiệt. Thông thường, mức nhiệt cao nhất bình chịu được là 80 độ C. Đến nhiệt độ này, rơ le nhiệt sẽ tự động ngắt điện, không cấp điện cho thanh gia nhiệt nữa. Tuy nhiên, nếu bộ cảm biến và điều khiển nhiệt độ hỏng, nước tiếp tục được đun trên 80 độ C, sinh ra nhiều hơi. Cứ thế lượng hơi tăng không ngừng thì sau 20 phút là bình phát nổ.
Để khắc phục hiện tượng cháy, nổ khi dùng bình nóng lạnh, ông Tùng khuyên người tiêu dùng cần kiểm tra định kỳ sản phẩm xem có bị rò rỉ điện, nước ở các khớp nối hay bị lỏng các bộ phận hay không. Nên vệ sinh đầu vòi sen, nguồn cấp nước mỗi tháng một lần.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn, bạn cần chú ý giám sát thợ lắp đặt. Thực tế, nguyên nhân xảy ra các sự cố hỏng hóc thường gặp phải là do có vấn đề ở khâu lắp đặt. Nên lắp đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chọn loại dây tốt và phù hợp với công suất để tránh bị quá tải, dẫn đến sự cố cháy chập điện. Dây dẫn cần thích hợp với nhu cầu của thanh đun, aptomat để chịu được công suất yêu cầu.
Đặc biệt, nên lắp đặt thêm hệ thống chống giật và chống cháy nổ. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại máy được lắp đặt hệ thống ELCB chống giật, chống nổ được đặt trong máy hoặc phía ngoài, nối với nguồn điện. Nếu xảy ra hiện tượng rò điện hoặc xung điện, hệ thống này sẽ tự ngắt nguồn, bảo vệ cho cả người, cả thiết bị. Thông thường, các sản phẩm có trang bị hệ thống an toàn này có mức giá cao hơn.
Hoàng Anh
Post a Comment