"Chuyện gia đình, họ hàng hỏi han 'Cháu có bạn gái chưa? Cháu kiếm được bao nhiêu? Con để dành được ngần nào rồi?... rất phổ biến ở các gia đình phía bắc Trung Quốc", Zhao Yongheng, 24 tuổi kể khi bắt tàu lửa từ Bắc Kinh về ăn Tết ở quê nhà Cáp Nhĩ Tân.
Theo thống kê, có khoảng 390 triệu vé tàu hỏa và 65 triệu vé máy bay được bán trong dịp Tết và chắc chắn có nhiều người hơn số đó trở về nhà. Với những người trẻ, cuộc đoàn tụ hằng năm với đại gia đình có thể khiến họ phải đối mặt với những câu hỏi khó trả lời.
"Tôi được hỏi về lương, chuyện cưới xin, công việc. Mọi người thực sự quá 'quan tâm' tới tôi", Xu Weifan, 27 tuổi kể khi về quê ở tỉnh Sơn Đông ăn Tết với bố mẹ. "Tôi cảm thấy áp lực và các bạn bè của tôi cũng chung cảnh ngộ. Hầu hết các bạn trẻ đều vậy", Xu nói.
Anh chàng 27 tuổi Xu Weifan luôn bị hỏi về tình trạng công việc và hôn nhân mỗi lần về quê ăn Tết. Ảnh: ABC News. |
Một tràng câu hỏi từ bố mẹ, anh chị em, họ hàng lâu ngày không gặp trở thành vấn đề được bàn luận nhiều trên mạng xã hội Trung Quốc năm nay. Năm ngoái, một video với tựa đề "hướng dẫn sống sót qua mùa Tết" cũng lan truyền nhanh chóng trên mạng nước này. Trong video, một đội hợp xướng trẻ hát vang bài ca về mong muốn được sống cuộc đời tự do, không bị quấy rầy bởi các kỳ vọng của gia đình, cha mẹ.
Theo ABC News, năm nay, một trò chơi điện thoại tên gọi "Đại chiến mùa Tết" cũng được chia sẻ mạnh trên diễn đàn WeChat. Trong trò chơi này, người chơi phải tìm ra cách để tránh những câu hỏi khó nhằn của họ hàng về công việc cũng như tình trạng hôn nhân của mình.
"Tôi nghĩ đây là một loại phiền hà hạnh phúc", Zhao, chàng trai quê Harbin nói. "Cách cha mẹ quan tâm tới bạn thực sự rất sâu sắc nhưng cũng khá căng thẳng. Nó không giống như ở phương Tây - nơi mà một khi đã rời khỏi nhà là bạn được sống là chính mình, một cách độc lập", Zhang bày tỏ.
Trong khi áp lực phải trả lời câu hỏi với người trẻ suốt dịp Tết có thể là nỗi ám ảnh lớn, nhiều người sẽ cảm thấy thở phào khi họ tìm được người yêu và công việc trong thời gian tới.
"Khi còn độc thân, tôi hơi sợ về quê. Bố mẹ lúc nào cũng hỏi 'con có bạn gái chưa", Pan, 28 tuổi, làm việc ở Bắc Kinh, quê Harbin, kể. "Bây giờ thì ổn rồi. Tôi đã cưới vợ", anh nói.
Nhưng hôn nhân và công việc ổn định không có nghĩa là chẳng phải đối mặt với các câu hỏi nữa. "Bây giờ mọi người lại hỏi 'thế bao giờ có con", vợ anh, chị Liu Song, nói. "Có con rồi thì sẽ vẫn tiếp tục bị hỏi 'bao giờ có đứa nữa", chị kể.
Vương Linh
Post a Comment