Đám cưới của Kha ở Hà Nội, nhìn bên ngoài khá hoàn hảo nhưng cô gái trẻ thực ra đang che giấu một bí mật: Cô đang mang thai 3 tháng và chú rể bên cạnh cô thực chất là người lạ. Kha đã bỏ ra 1.500 đôla để tổ chức đám cưới giả này.
"Bố mẹ tôi sẽ vô cùng xấu hổ nếu như tôi không có chồng mà chửa", Kha nói một ngày sau cuộc hôn nhân giả mạo. Cô tâm sự "tác giả" của cái thai trong bụng cô đã kết hôn với một người phụ nữ khác.
AFP đưa tin dịch vụ đám cưới giả đang phát triển ở Việt Nam, nơi có khoảng 70% số người trên 15 tuổi đã kết hôn. Để tránh những điều tiếng không hay, nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn đô để thuê cả "đại gia đình giả" từ bố mẹ tới họ hàng, bạn bè, để tổ chức một đám cưới như thật. Họ làm vậy để đối phó với sự thúc giục lập gia đình từ bố mẹ, hay tránh những xung đột khi hai nhà không đồng ý cho hết hôn.
Kha và người chồng giả mạo của cô sẽ không trở thành vợ chồng hợp pháp, vì họ chỉ tổ chức đám cưới chứ không đăng ký kết hôn. Nhưng Kha biết ơn người đàn ông này vì đã giúp cô che mắt mọi người.
"Tôi thấy mình như người sắp chết đuối vớ được phao cứu sinh", Kha nói về đám cưới.
Kha cho hay sau này cô sẽ nói với gia đình rằng cô bị chồng bỏ rơi. Việc ly dị chồng sẽ tốt hơn nhiều so với chuyện có con ngoài giá thú.
Cô dâu Hương và chú rể Quân trong đám cưới giả ở Nghệ An. Ảnh: AFP. |
Quan niệm về quan hệ nam nữ đang thay đổi nhanh chóng trong giới trẻ Việt Nam. Ngày càng có nhiều đôi bạn trẻ lựa chọn sống thử trước hôn nhân hoặc thuê một căn hộ để sống riêng sau khi kết hôn. Tỷ lệ phá thai đang tăng chóng mặt với hơn 300.000 ca trong năm 2017. Con số này có thể còn hơn thế bởi nhiều vụ phá thai được thực hiện tại các cơ sở y tế tư nhân và không được ghi chép.
Tuy nhiên kết hôn lại là chuyện hoàn toàn khác. Khi nói đến đám cưới, nhiều người vẫn gặp phải những áp lực lớn từ gia đình, xã hội, đặc biệt là những người cao tuổi với cách suy nghĩ mang đậm văn hóa truyền thống.
"Nhiều người không dám sống thật với tình cảm của mình. Họ phải đối mặt với những phong tục tập quán, văn hóa và đánh giá theo lối cũ", nhà nghiên cứu tâm lý Nguyen Duy Cuong nhận xét. Theo ông Cuong, nhiều bạn trẻ buộc phải tổ chức đám cưới giả để tránh rạn nứt quan hệ gia đình.
Trường hợp của Quân và Hương là một ví dụ điển hình. Gia đình của Quân không đồng ý cho anh kết hôn với Hương vì cô đến từ một tỉnh nghèo. Trong khi bố mẹ Hương lại muốn con gái kết hôn ngay trong năm 2017, vì các thầy nói năm đó mới tốt và được tuổi.
Vì vậy, đôi bạn trẻ quyết định tổ chức đám cưới giả ở Nghệ An. Ngày hôm ấy, nhà gái là thật, còn toàn bộ gia đình nhà trai là giả. Mọi thứ diễn ra khá thuận lợi, trừ việc một người "chú hờ" của nhà trai đã nhầm lẫn về tuổi thơ của Quân trong bài phát biểu trước nhà gái.
Mọi việc xong xuôi, Quân cho hay anh cảm thấy nhẹ nhõm dù vẫn phải giữ bí mật với cha mẹ mình. Chú rể nói dù có sự lừa gạt trong đám cưới nhưng tình cảm của anh và cô dâu là thật. Hai người cùng tâm nguyện sẽ sống hạnh phúc bên nhau.
"Thật là vui khi chỉ mất một chút tiền và làm mọi người vui vẻ. Chúng tôi đã giải quyết những vấn đề đau đầu trong hòa bình", Quân nói.
Quân và Hương là 2 trong số hàng trăm khách hàng đã sử dụng dịch vụ đám cưới giả của công ty ông Nguyễn Xuân Thiện, một công ty dịch vụ có nhiều kinh nghiệm tổ chức đám cưới giả ở Hà Nội. Những người sử dụng dịch vụ của công ty này phải trả mức phí trọn gói tới 4.400 đôla.
Ông Thiện cho biết họ đã tổ chức hàng ngàn đám cưới trong những năm qua. Mỗi ngày, có tới vài trăm người được công ty thuê để tới dự các đám cưới, tăng gấp hàng chục lần so với 10 năm trước.
"Chúng tôi lo lắng về thực trạng hiện nay. Công ty giống như bệnh viện, giúp đỡ cô dâu, chú rể điều trị 'bệnh' của họ. Nhưng chúng tôi thực sự không muốn thực trạng này tăng lên", ông Thiện nói với AFP. Ông cho biết công việc này là một dịch vụ cộng đồng và không kiếm được nhiều lợi nhuận.
Mộc Miên
Post a Comment