Vì thế nhằm giúp độc giả tìm hiểu về bệnh loãng xương, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Chuyên gia Lê Thị Mỹ Ngân, hiện là giảng viên trường cao đẳng Y Dược Pasteur để biết được nguyên nhân, triệu chứng và chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bị bệnh loãng xương.
Hỏi: Thưa chuyên gia, có những nguyên nhân nào có thể gây ra bệnh lý loãng xương?
Trả lời: Theo dự đoán của các chuyên gia y tế thế giới thì đến năm 2050, toàn thế giới sẽ có đến 6,3 triệu trường hợp gãy cổ xương đùi do loãng xương, châu Á là nước sẽ chiếm tận 51% do khẩu phần ăn nghèo nàn Calci đồng thời việc chẩn đoán sớm và điều trị tích cực còn rất hạn chế.
Loãng xương là một bệnh lý đặc trưng bởi sự giảm mật độ và cấu trúc của xương dẫn đến giảm sức mạnh của xương đồng thời gia tăng nguy cơ gãy xương. Loãng xương được chia thành 2 thể:
1.Loãng xương nguyên phát:
Là mức độ nặng của tình trạng thiểu sản xương bệnh lý, do sự lão hóa của các tạo cốt bào, tuổi càng cao thì tình trạng thiểu sản xương càng tăng, cho đến khi trọng lượng xương (trong một đơn vị thể tích) giảm trên 30% thì có biểu hiện lâm sàng. Loãng xương nguyên phát được chia thành 2 type:
• Loãng xương type I: Loãng xương ở tuổi mãn kinh.
• Loãng xương type II: Loãng xương tuổi già.
Loãng xương là bệnh sẽ để lại hậu quả nặng nề.
2. Loãng xương thứ phát
• Bệnh lý khớp (Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp)
• Bệnh mô liên kết (hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos, tạo xương bất toàn).
• Bệnh nội tiết (cường cận giáp nguyên phát, cường giáp, hội chứng Cushing, thiểu năng sinh dục, biếng ăn tâm thần, tăng prolactin máu với vô kinh hay suy sinh dục, đái tháo đường type I).
• Bệnh lý huyết học (rối loạn hấp thu, hội chứng ruột ngắn - Short bowel syndrome, bệnh Crohn,viêm gan mạn, xơ gan đường mật nguyên phát, hội chứng sau cắt dạ dày).
• Bệnh lý khác (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sau ghép tạng, suy dinh dưỡng).
• Thuốc (Corticoid, chống động kinh, dùng thyroxin quá liều, kháng đông (heparin), các đồng vận của GnRH)
Hỏi: Chuyên gia có thể cho biết làm thế nào để nhận biết các triệu chứng thường gặp của bệnh loãng xương?
Trả lời: Loãng xương thường chỉ xuất hiện khi giảm > 30% khối lượng xương, có thể xảy ra từ từ hoặc đột ngột sau chấn thương nhẹ. Các triệu chứng lâm sàng điển hình thường gặp là:
Đau cơ thể: Đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế, giảm khi nghỉ ngơi. Ở toàn thân hay các vị trí chịu sức nặng cơ thể (cột sống thắt lưng, chậu hông). Đau mỏi mơ hồ ở cột sống đau dọc các xương dài (đặc biệt xương cẳng chân). Đau thực sự cột sống, đau lan theo khoanh liên sườn, có thể đau mãn tính hoặc cấp tính sau chấn thương (gãy xương cổ tay, gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi…).
Hội chứng kích thích rễ thần kinh: Do gãy xẹp đốt sống gây chèn ép rễ thần kinh, đau thần kinh tọa.
Ngoài ra còn có các triệu chứng không điển hình khác như: Đầy bụng, chậm tiêu, nặng ngực, khó thở đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút (vọp bẻ các cơ)...
Hỏi: Các biến chứng nguy hiểm thường gặp phải khi bệnh nhân bị loãng xương, thưa chuyên gia?
Trả lời: Khi mắc bệnh loãng xương bệnh nhân sẽ gặp phải nhiều biến chứng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, chẳng hạn như:
• Đau kéo dài do chèn ép thần kinh.
• Gù vẹo cột sống do các đốt sống lún xẹp (thường gặp ở đốt sống lưng).
• Giảm chiều cao, biến dạng lồng ngực…
• Gãy xương cổ tay, gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi…
• Giảm khả năng vận động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống (đặc biệt là ở người cao tuổi).
Hỏi: Thưa chuyên gia Lê Thị Mỹ Ngân, để phòng tránh bệnh loãng xương chúng ta cần phải làm gì?
Trả lời:
Để phòng tránh bệnh loãng xương chúng ta cần chú ý những điều sau:
• Tránh các yếu tố nguy cơ gây ra loãng xương (hút thuốc lá, uống rượu bia).
• Điều trị tốt các bệnh lý thứ phát có thể gây loãng xương
• Bổ sung Ca hằng ngày chủ yếu thông qua chế độ ăn uống (ăn các thực phẩm giàu canxi như sữa và các sản phẩm của sữa như: Sữa chua, phomat…cá, nhất là cá mòi, cá thu. Các loại rau củ hạt: Xúp lơ xanh, cải xoăn, củ cải đường, rau xanh đậm, hạt đậu nành). Đồng thời bổ sung kèm theo vitamin D trong khẩu phần ăn hằng ngày.
• Tập thể dục đều đặn, lựa chọn hình thức vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe: Vận động thể chất thường xuyên giúp bảo vệ hệ xương, kích thích sự hình thành xương và tăng cường cơ bắp nên tránh được nguy cơ gãy xương, rạn nứt xương. Mỗi người nên dành khoảng 30 phút để đi bộ mỗi ngày.
• Khám định kỳ: Nên đến bệnh viện kiểm tra mật độ xương định kỳ. Đây là cách tốt nhất giúp phát hiện sớm bệnh loãng xương.
Bệnh loãng xương gây nhiều hậu quả nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Khi mắc phải bệnh loãng xương bệnh nhân phải bỏ ra một chi phí điều trị quá cao. Thời gian điều trị kéo dài ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống hằng ngày. Vì vậy, chúng ta nên kiểm tra mật độ xương định kỳ để sớm phát hiện bệnh loãng xương nhất là phụ nữ sau mãn kinh.
Post a Comment