Tháng một, theo các nhà khoa học nghiên cứu, là "tháng ly hôn" ở phương Tây. Một nửa số cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị sau mùa Giáng sinh. Tuy nhiên, cuộc chia tay của các cặp triệu phú lại khác. Không giống như những người bình thường bỗng nhiên thức dậy vào một sáng và nghĩ "Mình không thể sống thêm dù chỉ một ngày với người này nữa", những đôi siêu giàu phải chuẩn bị cho việc chia tay ít nhất 18 tháng trước đó, luật sư Jeremy Levison cho biết.

Trong một chương trình tài liệu mới của BBC Two, hai người vợ cũ của các triệu phú tiết lộ con đường dài họ đã phải đi qua để có thể nhận được một phần gia sản từ người chồng đại gia. 

Lisa Tchenguiz toát ra vẻ tự tin giàu có khi bà ăn vận lộng lẫy ngồi trên chiếc trường kỷ họa tiết ngựa vằn trong căn phòng khách của ngôi nhà 6 tầng ở Mayfair, khu đắt đỏ nhất London, Anh. Đó là một ngôi nhà sang trọng, trang nhã với sàn đá cẩm thạch, các bức họa đắt tiền và khung ảnh tinh xảo. Bà có hai người giúp việc chuyên dọn dẹp. Người lái xe đang trên đường đưa bà đi ăn trưa với hội bạn gái mà chắc chắn chủ đề xoay quanh cả bữa sẽ là chuyện ly dị. Nhưng chắc chắn trong hội đó, không ai có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này bằng Lisa. Bà đã giành được 15 triệu bảng năm 2013, sau cuộc chiến ly hôn kéo dài suốt 4 năm. 

London trở thành thủ đô ly dị của thế giới khi nói tới những siêu sao giàu có sở hữu vô số chiếc xe sang, du thuyền đắt tiền và các danh mục bất động sản khó tưởng tượng. Điều đó nghĩa là các luật sư tư vấn ly hôn ở thành phố này cũng kiếm bộn tiền, với phí 900 bảng một tiếng.

Lisa Tchenguiz trong chương trình tài liệu của BBC. Ảnh: BBC Two.

Lisa Tchenguiz trong chương trình tài liệu của BBC. Ảnh: BBC Two.

Jeremy Levison là một trong số những luật sư như vậy. Bà giải thích: Hai người cùng nhau tích lũy từ lúc kết hôn và khi kết thúc thì phải chia đôi tài sản. Rõ ràng nếu cả hai có cả tỷ đôla trong quá trình hôn nhân thì người vợ có cơ hội được hưởng một nửa lúc ly dị. Tuy nhiên, bản thân bà cũng khó xác định trong trường hợp nào thì vợ cũ của những người giàu có là kẻ đào mỏ - như họ vẫn hay bị nhiều người gọi vậy - hay họ đấu tranh vì những gì mình có quyền được hưởng.

Lisa Tchenguiz kết hôn với ông trùm đồ uống Vivian Imerman được 7 năm, có một con gái. Bà đưa đơn ly hôn năm 2008 và tố cáo chồng đã ngoại tình với người vợ đầu.

Imerman đã bán cổ phần của mình tại công ty nước trái cây với giá 380 triệu năm 1999. Ông cũng có 396 triệu bảng năm 2007 khi bán tập đoàn rượu. Lisa đòi 120 triệu bảng nhưng ông đề nghị chỉ trả bà 2 triệu. Là người thừa kế một gia đình Iran (ngôi nhà 6 tầng là quà từ cha bà), bà đã dùng chính sự giàu có của mình để đòi quyền lợi pháp lý. 

Câu hỏi là sao bà phải quyết đòi tiền khi đã giàu có sẵn rồi? "Anh ta đã rất thành công nhưng anh ta sẽ chẳng bao giờ đạt được những điều đó nếu thiếu tôi. Tôi đã luôn hỗ trợ chồng và nuôi dạy những đứa con xinh đẹp, tạo dựng nhà cửa và tôi cần lấy lại những gì bao năm qua mình đóng góp", Lisa nói. 

Theo luật sư Levison, chẳng ở đâu mà người vợ lại có nhiều lợi thế trong các phiên tòa ly hôn như ở London. Luật pháp Anh không công nhận những tài sản có trước hôn nhân là của riêng. Khi ly hôn, tất cả đều được cộng lại chia đôi cho hai người. Đây là khác biệt lớn so với nhiều quốc gia.

Nhưng đó không phải là trường hợp của Michelle Young. Cuộc sống phú quý của bà đã không còn từ lâu. Mặc dù tòa xử cho nhận được 20 triệu bảng sau cuộc chiến ly hôn kéo dài 7 năm, trên thực tế, bà chẳng có một xu. Người phụ nữ này đã nợ 17 triệu bảng từ khoản vay để trang trải các hóa đơn pháp lý và thuê căn hộ tầng trệt ở cùng cô con gái đang tuổi lớn. Đây cũng là trường hợp ly dị dài nhất trong lịch sử pháp lý Anh với 65 phiên tòa và sự tham gia của 13 cặp luật sư. Đáng kinh ngạc là tới nay, Michelle, 52 tuổi, vẫn tuyên bố rằng cuộc chiến chưa kết thúc. 

Chồng bà là Scot, một ông trùm bất động sản và đã qua đời tháng 12/2014 ở tuổi 52, sau khi ngã từ cửa sổ tầng bốn một căn penthouse trị giá 3 triệu bảng xa hoa tại London. Michelle gặp chồng khi cả hai mới chớm đôi mươi. Scot trở thành triệu phú từ những năm 1980. Họ kết hôn năm 1995 và bà từ bỏ sự nghiệp trong ngành thời trang để nuôi dạy hai con gái. Ngôi nhà họ ở giá 14 triệu bảng. Gia đình có đầu bếp riêng, quản gia, hai người làm vườn. 

Năm 2005, họ chuyển tới ngôi nhà 6 triệu bảng ở Florida để làm mới cuộc hôn nhân đang căng thẳng nhưng chẳng bao lâu sau đó Michelle nhận được một cuộc gọi từ báo chí làm thay đổi mọi thứ. "Họ nói rằng chồng tôi đang ngoại tình", bà kể. Bà đưa đơn ly hôn và khẳng định chồng đang có hàng trăm triệu bảng. Nhưng người chồng nói rằng ông đã mất tất cả trong một vụ làm ăn và cuộc sống xa hoa hiện có là nhờ cô bồ người Mỹ.

Năm 2012, ông bị giam 6 tháng vì tội khinh thị tòa án sau khi từ chối tiết lộ tài sản của mình và một năm sau đó tòa đã xử cho Michelle 20 triệu bảng nhưng thừa nhận bà có lẽ không bao giờ nhìn thấy một xu nào từ số tiền đó.

"Tôi đã chiến đấu suốt 7 năm để nhận được khoản xứng đáng nhưng cuối cùng lại chẳng còn gì. Công lý ở đâu?", bà nói.

Năm tuần trước khi chết, chồng bà gọi cho vợ  và thương lượng giao cho bà 20 triệu bảng để kết thúc vụ kiện tụng. Bà nói muốn 30 triệu và họ không bao giờ trò chuyện lại với nhau nữa.

Mặc dầu gần đây nhận được 300.000 bảng từ chính sách bảo hiểm nhân thọ mà chồng đăng ký trước khi kết thúc hôn nhân, bà vẫn cháy túi và đang tìm kiếm tiếp núi tiền mất tích của chồng cũ. 

Mặc dầu vậy, với Lisa Tchenguiz, 4 năm kiện tụng là quá đủ. Vào tháng 2 năm 2013, bà dừng lại với 15 triệu bảng trong khi con số yêu cầu ban đầu là 120 triệu. "Tôi chỉ không muốn phí thêm một giây nào trong đời mình vào thứ không đáng. Cả quá trình đó khiến tôi phát ốm", bà nói. 

Hiện có mối quan hệ mới với một ông trùm phi cơ riêng, Lisa cảm thấy chưa bao giờ hạnh phúc như vậy và bà dành lời khuyên cho những phụ nữ ly hôn khác: "Tôi trở thành chuyên gia tư vấn ly hôn cho tất cả các bạn nữ của mình. Điều đầu tiên tôi nói với họ là cố gắng và bình ổn vì lợi ích của con cái để chúng không phải chứng kiến quá nhiều đau khổ, cãi vã giữa bố mẹ. Kiện tụng thực sự là liều thuốc độc hủy hoại cuộc sống", bà nói. 

Vương Linh

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top