Bao nhiêu năm nay cứ nửa đêm là bà Ngô Thị Thanh, 65 tuổi (Tam Hiệp, Thanh Trì) bừng tỉnh. Tiếng còi tàu rền vang trong đêm tịch mịch hệt như khoảnh khắc tàu tới ga năm đó - bà đã lạc mất con gái của mình.

Một ngày cuối năm 1981 (âm lịch), bà Thanh bế theo con trai 11 tháng tuổi và con gái Đoàn Thị Thu Hiền, 3 tuổi rưỡi ra ga Chợ Sy (Vinh, Nghệ An) chờ tàu ra Hà Nội. Ba mẹ con ngồi chờ tàu từ đầu buổi chiều. Con trai đang ốm nên quấy khóc, còn con gái thì đói, vòi mua quả bưởi. Giữa lúc đó, một phụ nữ chừng 25 tuổi lại gần chơi và nhận bế giúp bé Hiền lên tàu. 

Bà Thanh và con gái Đoàn Thị Thu Hiền. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Bà Thanh và con gái Đoàn Thị Thu Hiền. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Hơn 9h đêm tàu tới ga. Ánh sáng từ chiếc đèn măng xông duy nhất chẳng thể soi rõ ai với ai. Bà Thanh một tay bồng con trai, tay kia xách túi bám sát người phụ nữ bế con gái đằng trước. Chẳng ngờ, đoàn người phía sau dồn đẩy khiến chiếc túi trong tay người mẹ trẻ đứt dây, xổ tung đồ đạc. Vơ vội cái chăn, cái áo nhét vào túi, lúc ngẩng lên bà đã không thấy người phụ nữ bế con đâu nữa.

"Tôi hoảng sợ, nghĩ cô ấy đã lên được tàu nên tôi nhào về phía trước, cũng cố leo lên cho bằng được. Một chú thấy tôi khóc quá thì nhận bế giúp thằng bé để tôi đi tìm con, nhưng tìm hết cả khoang tàu cũng không thấy", bà kể.

Nhân viên nhà ga cũng hỗ trợ tìm hết đoàn tàu, thậm chí soi cả khu nhà chờ, gầm ghế mà không thấy bóng dáng bé Hiền và người phụ nữ kia đâu. Xót lòng cậu bé than khóc vòi mẹ, mọi người động viên bà Thanh nên về Hà Nội rồi tìm tiếp.

"Mỗi lần nhớ lại lòng tôi đau như cắt. Hôm đó con gái đòi quả bưởi mà trong người không có tiền, tôi chỉ có thể mua cho con được quả cam", bà rơi nước mắt, hối hận.

Đêm định mệnh ấy, ông Đoàn Xuân Út đang ngồi trên thùng sau chiếc xe tải ra Hà Nội. Sau hai tháng về thăm mẹ ốm, vợ chồng ông chẳng còn đủ tiền để cả nhà đi tàu, lúc đó ông thấy may mắn khi xin đi nhờ được chiếc xe này. Chiếc xe tải không mui nên không phù hợp cho trẻ nhỏ đi đêm lạnh, vì thế ông để vợ và hai con đi tàu. Cả đêm trằn trọc không thể ngủ vì nhớ con, lo cho vợ. Ngày hôm sau về đến đầu ngõ, chưa kịp dỡ đồ đạc, ông đã thấy tiếng khóc phát ra từ nhà mình. Tin con gái bị thất lạc như sét đánh ngang tai người đàn ông xứ Nghệ.

Ông Út vội lên cơ quan xin nghỉ phép để quay lại Nghệ An tìm con. Tại vùng dân cư cạnh ga Sy, những đứa trẻ chừng 12 tuổi kể nhìn thấy một bé gái có đặc điểm giống bé Hiền, bị một người đàn ông bế lên chiếc xe bò chở gạch. Xin nghỉ việc một tuần nhưng ông Út lang thang cả tháng từ huyện này sang huyện khác mà tuyệt nhiên mọi manh mối đều đi vào ngõ cụt.

Thời điểm bé Hiền mất tích, cô bé mặc một chiếc quần màu nâu được cắt từ vải quần của bố. 3,5 tuổi, bé rất bụ, da trắng, thuộc nhiều bài hát. "Ban đầu tôi vẫn hy vọng con bị thất lạc. Nếu vậy thì chắc chắn tìm xung quanh ga sẽ có tung tích. Nhưng bao năm qua không có một tin tức nào, chúng tôi tin cháu bị bắt cóc", ông Út giãi bày.

Ông Út nghĩ rằng, con gái khi thất lạc 3,5 tuổi, đã hát rất nhiều và biết tên tất cả người thân. Việc đột ngột rời xa vòng tay bố mẹ, chắc chắn là ký ức con không thể quên. Thế nhưng, những trường hợp tìm đến ông bà nhận cha mẹ đều không nhớ gì chuyện ngày nhỏ. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Ông Út nghĩ rằng, con gái khi thất lạc 3,5 tuổi, đã biết nói rất nhiều. Việc đột ngột rời xa vòng tay bố mẹ, chắc chắn là ký ức con không thể quên. Thế nhưng, những trường hợp tìm đến ông bà nhận cha mẹ đều không nhớ gì chuyện ngày nhỏ. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Hai năm sau đó, vợ chồng ông Út hễ nghe tin ở đâu có bé gái lạc cha mẹ là lặn lội đến tìm. Công an cũng giúp khoanh vùng tất cả những phụ nữ tuổi dưới 30 hoạt động ở bến tàu, song đều không tìm ra người phụ nữ nọ. Người dân ở Nghệ An ngày đó thường thấy một người đàn ông đi xe đạp, râu ria rậm rạp, đeo bức ảnh con gái trước ngực, cứ tìm con trong vô định.

Vợ chồng họ thậm chí còn tìm đến cả thầy bói, nhưng nhiều nơi phán "sinh vào giờ đó, ngày đó, không thể gặp lại".

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Năm 2000, ông Út tình cờ đọc được trên báo Công an TP HCM về chặng đường của một cô gái 18 năm tìm bố mẹ ruột. Vợ chồng ông phấn khởi vô cùng khi lắp ghép những thông tin tuổi tác, tình cảnh lạc khá giống trường hợp nhà mình. Hy vọng vụt tắt sau khi liên hệ được tác giả bài báo và biết cô gái đó đã tìm được cha mẹ.

Đến năm 2007, chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" phát sóng, vợ chồng ông Út cũng gửi hồ sơ đến. Tin tìm con của ông bà lên sóng vài lần mà cũng không có một tia hy vọng nào...

Tháng 9/2017, sau một thời gian tham giaFacebook, ông Út nảy ra ý định đăng thông tin tìm con. Từ đó tới nay có rất nhiều người gọi đến cung cấp những trường hợp thất lạc cho ông bà. Đôi vợ chồng già đối chiếu, chọn ra các trường hợp có khả năng giống con mình nhất đi xác minh. Trong đó có ba trường hợp ở Nghệ An, Thái Nguyên và Trung Quốc, họ đã làm xét nghiệm ADN nhưng đều không đúng.

Vì một phút bất cẩn, bà Thanh đã lạc mất con. 36 năm qua, bà thắt lòng vì giây phút trước khi lạc con không thể mua cho bé quả bưởi. Ảnh: Phan Dương.

Vì một phút bất cẩn, bà Thanh đã lạc mất con. 36 năm qua, bà thắt lòng khi nhớ lại giây phút trước khi lạc, không thể mua cho con quả bưởi. Ảnh: Phan Dương.

Hy vọng cuối cùng giờ dồn vào một người phụ nữ ở Mỹ, hẹn cuối tháng 2 này sẽ về nước xác minh huyết thống. Ông Út cho biết: "Cô ấy kể thời gian trước mẹ mất mới được cho biết không phải là con đẻ mà bị bắt cóc mang sang. Do người mẹ này muốn đoàn tụ với chồng ở Mỹ, nhưng không có con nên đã làm việc này. Các thông tin chưa từng hé lộ như con gái tôi có một nốt đen trong lòng mắt thì cô gái này nói ngày nhỏ cũng có".

Bao năm qua ông Út sống trong dằn vặt. Nếu hôm đó ông không mang nhiều đồ, nếu ông đi cùng với vợ con thì con gái đã không rời xa vòng tay bố mẹ. "Giờ con lưu lạc phương nào, sướng khổ ra sao, vẫn là nỗi day dứt với vợ chồng tôi mỗi đêm nằm xuống", ông xót xa nói. 

Từ cái Tết năm Nhâm Tuấn 1982 đến Tết Mậu Tuất năm nay, tròn 36 năm, gia đình ông Út chưa bao giờ có được ngày xuân trọn vẹn. Trong tâm ông bà và ba người con đều còn đó nỗi đau lạc mất người thân, chưa biết tới bao giờ đoàn tụ...

Phan Dương

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top