Quê ở tỉnh Thiểm Tây và vừa bước sang tuổi 40 tháng trước, anh Wang Junqiang đã làm việc ở Thượng Hải 10 năm. Từng là bồi bàn tại một chuỗi nhà hàng Đài Loan, năm ngoái, anh gia nhập vào đội ngũ những nam giới giao hàng ăn qua một ứng dụng trên điện thoại. Wang làm việc xuyên Tết và rất vui về điều đó.
Công ty anh trả công cao gấp 3 ngày thường cho nhân viên làm trong tuần nghỉ lễ. Ngoài ra, những người về quê muộn hơn hay đi làm sớm hơn cũng được thêm một khoản. "Khoản thưởng 1.000 nhân dân tệ (hơn 3,5 triệu đồng) dành cho ai làm việc tới tận Tết. Còn ai đi làm trước ngày mùng 5 sẽ được 700 nhân dân tệ (2,5 triệu)", anh Wang kể.
Wang là một trong số hàng triệu người chọn đi làm thay vì trở về đoàn tụ với gia đình xuân này.
Anh Wang Junqiang đang kiểm tra điện thoại, đợi nhận đơn đặt hàng tiếp theo ở góc một trung tâm thương mại náo nhiệt tại quận Xujiahui, Thượng Hải. Ảnh: Scmp. |
Được coi là cuộc đại di cư mùa xuân, người dân Trung Quốc thường sử dụng phương tiện giao thông công cộng để về quê từ ngày 1/2 tới 12/3. Những người làm ăn xa vẫn đi làm trong những dịp này thường là nhân công làm việc lương thấp và chính họ giúp duy trì nhịp sống như thường nhật ở thành phố này.
Với Wang, khoản tiền kiếm thêm được vào dịp Tết là một động lực lớn. Anh kiếm được 10.000 nhân dân tệ một tháng với công việc nặng nhọc suốt Tết 2017, dù theo anh năm nay sẽ khó khăn hơn. "Quá nhiều người làm công việc giao đồ ăn, trong khi không có nhiều đơn đặt hàng lắm", anh nói và kể thêm rằng số hàng phải giao cũng giảm vì lượng khách hàng chính - nhân viên văn phòng và sinh viên - đều về quê.
Dù vậy, Wang nói anh rất mừng khi không phải chen chúc di chuyển mỗi năm. Để về quê, anh phải băng qua Lan Châu hay Tây An vì không có tàu hay máy bay đi thẳng từ Thượng Hải về quê anh. Việc mua vé tàu về cả hai thành phố đó dịp Tết rất khó khăn.
"Tôi thực sự không buồn gì khi ăn Tết ở đây. Vợ tôi đang làm việc và các con cũng đi học ở chốn này. Tốt hơn là nên về quê vào thời điểm khác", anh nói.
Với nhân viên dọn dẹp Lu Xiaomei, tiền không phải là yếu tố quyết định khiến chị ở lại Tết. Trong 15 năm ở Thượng Hải, chị chưa bao giờ trở về quê ngày Tết. "Tôi thấy thoải mái với việc này. Cũng phải có người làm việc trong kỳ nghỉ chứ", người phụ nữ 53 tuổi quê Trùng Khánh cho biết.
Chị Lu Xiaomei vẫn thực hiện công việc như thường lệ khi đa số đồng nghiệp về quê ăn Tết. Ảnh: Scmp. |
Chị Lu dọn vệ sinh khu công cộng ở 3 tòa nhà chung cư tại quận Tĩnh An, Thượng Hải. Dù không được trả lương cao hơn nhưng chị và chồng - cũng là nhân viên vệ sinh, vẫn thích về quê vào dịp khác. "Đầu tiên là do khó mua vé. Thứ hai là khó xin nghỉ khi những nhân viên khác quê ở gần Thượng Hải hơn đều đã xin về rồi. Vì vậy, nhiều người nhà xa như chúng tôi cần ở lại làm việc", chị nói.
Cô thợ cắt tóc Maggie Lu cũng không về nhà xuân này. Cô gái 28 tuổi bận rộn với công việc khi các khách hàng ai cũng muốn có mái tóc mới đẹp nhất để đi chúc Tết họ hàng.
"Trong ngành của tôi, thời điểm đông khách nhất là tháng cận Tết. Vì thế tôi chọn ở lại và sẽ vui xuân sau", Lu nói. "Vài đồng nghiệp của tôi cũng không về nên chúng tôi tận dụng cơ hội này để đi du lịch cùng nhau", cô cho biết.
Cô mới chuyển đến Thượng Hải 6 tháng trước và định trở về quê giữa mùa xuân. "Ở quê, tôi chỉ kiếm được 3.000-4.000 nhân dân tệ một tháng. Còn ở đây, tôi kiếm được gấp đôi. Tôi luôn tin rằng mình càng cần cù thì phần nhận được càng lớn", cô nói.
Tháng cận Tết là thời điểm cô thợ cắt tóc Maggie Lu đông khách nhất vì ai cũng muốn có mái tóc đẹp, mới khi đi thăm họ hàng đầu năm. Ảnh: Scmp. |
Giáo sư Zheng Fengtian, người nghiên cứu về phát triển nông thôn và công nhân nhập cư tại Đại học Renmin, Bắc Kinh, nói rằng việc nhiều người nhập cư vẫn làm việc trong kỳ nghỉ lễ là hợp lý. "Nếu tất cả đều về quê thì sẽ là thảm họa cho đời sống thành thị. Tất cả nhà hàng sẽ phải đóng cửa, chẳng ai chăm sóc các em bé", ông nói.
Theo ông, việc nghỉ dài ngày sẽ gây ảnh hưởng nhất định dù với ngành nào. "Ngay cả khi điều hành một cửa hàng ăn nhanh, bạn cũng có thể bị mất khách nếu nghỉ quá lâu", ông nói.
Vương Linh
Post a Comment