Giáp Tết, tiết trời Nam Định rét căm căm. Trong khi các gia đình khác đang háo hức chờ các con xa quê về sum họp, thì vợ chồng ông Tiễu (64 tuổi, ở xã Phương Định, huyện Trực Linh) ngược lại, đóng hành lý lên đường vào miền Nam ăn Tết với các con. 

11 giờ khuya đêm 24 âm lịch, chuyến xe khách chở ông bà vào Sài Gòn khởi hành. Hành lý họ mang theo rất nhiều, nhưng chủ yếu là rau củ quả tự trồng, vật liệu gói bánh chưng và thực phẩm chuẩn bị cho cỗ Tết. “Đi xe vất vả một chút, nhưng đi máy bay làm sao mang nhiều đồ được”, ông nói.

Hơn 32 tiếng lắc lư trên xe, người mệt mỏi, chân tay ê ẩm, lưng đau nhức, nhưng với ông bà, nỗi vui mừng hồi hộp đã lấn át vất vả. “10 năm rồi, gia đình tôi chưa sum họp. Năm nào cũng vắng đứa này, thiếu đứa kia, vì thế, chẳng có dịp nào cả. Nhất định cái Tết năm nay cả nhà đoàn tụ”, ông Tiễu hào hứng kể.

Ông Tiễu có ba người con, hai trai một gái đều có gia đình riêng và lập nghiệp tại TP HCM và Bình Dương. Hơn 10 năm qua, gia đình ông chưa một lần đón Tết có đông đủ con cháu. Vì cuộc sống khó khăn, con nhỏ, đường xá xa xôi, chi phí đi lại tốn kém, các con ông phải chia nhau về. Có năm, ông bà phải đón tết trong lặng lẽ. Nhìn hàng xóm quây quần, bà chỉ biết giấu nỗi buồn vào trong.

Hơn 10 năm qua, gia đình ông Tiễu chưa một lần sum họp đủ cả nhà, vì không có dịp. Ảnh: Phan Thân

Hơn 10 năm qua, gia đình ông Tiễu chưa một lần sum họp đủ cả nhà, vì không có dịp. Ảnh: Phan Thân

“Chúng nó về, con nhỏ, tay xách nách mang mà chỉ ở với bố mẹ vài hôm lại lích kích đi, thương và xót lắm. Tôi tự nhủ, chi phí đi lại ngày Tết từ quê vào thành phố rẻ hơn, tại sao mình không kết hợp vừa đi thăm con, vừa cùng chúng nó đón tết lại được du lịch đây đó”, ông nói về quyết định của mình.

Vậy là, từ hồi tháng 5, ông Tiễu cùng vợ bắt đầu lên kế hoạch cho hành trình Nam tiến. Biết tin, các con ông mừng lắm, ngày nào cũng mong ngóng. “Những năm trước, Tết không có bố mẹ bên cạnh, buồn lắm. Ngày 30, anh em chúng tôi cũng tổ chức tiệc với nhau, nhưng nước mắt đứa nào cũng rưng rưng vì nhớ quê, thương bố mẹ tuổi cao phải lầm lũi một mình”, anh Tới, con út của ông bà, đang ở Bình Dương, tâm sự.

Nhà ông bà Tiễu mưu sinh bằng nghề chăn nuôi và nấu rượu bỏ cho các quán. Còn khoảng một tháng nữa mới đến ngày đi, ông bán hết số lợn, gà, vịt đang nuôi. Rượu thì nấu ngày đêm, làm sao đủ số lượng bỏ cho các mối quen bán trong những ngày mình đi vắng. 

Trong vườn, bà trồng thêm các loại rau, chăm sóc kỹ để chúng không sâu bệnh, héo úa. Số trứng gà, vịt đẻ được, bà giữ lại, phủ trấu để không bị ung. Ông mua mấy gốc sâm, mang về gỡ từng thớ đất rồi gói ghém cẩn thận. Tất cả ông bà đều mang vào làm quà cho các con. “Mọi việc đều hoàn tất trước ngày đi một tuần, tôi chỉ giao nhà cho cậu em trông là yên tâm lên đường”, ông cho biết.  

Số trứng gà, vịt đẻ trong một tháng, ông bà Tiễu giữ lại, phủ nhiều lớp trấu để đưa vào Sài Gòn làm quà. Ảnh: Phan Thân.

Số trứng gà, vịt đẻ trong một tháng, ông bà Tiễu giữ lại, phủ nhiều lớp trấu để đưa vào Sài Gòn làm quà. Ảnh: Phan Thân.

Vừa đặt chân đến nhà con trai út, ông đã lên kế hoạch sẽ cùng con cháu đón Tết đúng như phong tục miền Bắc. Đó là, ngày 28, cả gia đình về nhà con trai cả gói bánh chưng, làm thịt một con lợn chia cho các con mỗi đứa một phần. Chiều 30, ông thắp hương cho tổ tiên, tổ chức tiệc tất niên. Thời khắc giao thừa, cả nhà ông sẽ quây quần bên nhau, đặt ra những dự định trong năm mới. Những ngày sau đó, họ sẽ cùng nhau đi chùa, đi du lịch, thăm anh em họ hàng.

“Đi xe vất vả một chút, nhưng được ăn tết đầy đủ con cháu, tôi vui lắm. Nếu năm sau có điều kiện và sức khỏe, vợ chồng tôi lại tiếp tục đón tết miền Nam”, ông Tiễu cho biết. 

Cùng tình cảnh phải vào Nam đón tết với các con là bà Thương (60 tuổi, quê Hà Nam). Suốt 7 năm qua, con trai con gái bà không thể về ăn Tết cùng mẹ, vì kinh tế khó khăn. Chồng mất đã lâu, vì thế bà Thương chỉ sống một mình trong căn nhà rộng thênh thang. Thời khắc đón năm mới, hàng xóm nhà nào cũng đông đủ, khiến bà càng thấy cô đơn hơn, nhưng vì phải hương khói cho chồng, bà không thể đi đâu xa.

Năm nay, sau khi đã thu vén tất cả công việc, bà quyết định vào Sài Gòn cùng các con đón Tết. Đón mẹ ở bến xe với mớ hành lý chủ yếu là rau củ quả, thực phẩm nhà tự sản xuất, chị Trinh (30 tuổi) mừng quýnh, dang hai tay ôm bà vào lòng mà nước mắt ngấn lệ. Chị cho biết, rất buồn vì hai chị em để mẹ thui thủi ở quê nhưng không thể làm khác. 

Chị lấy phải người chồng mê cờ bạc, bao nhiêu tiền làm ra không đủ trả nợ. Kinh tế gia đình cậu em trai cũng không khá hơn là bao, khi hai đứa con lần lượt chào đời. Vì thế, việc về quê đón tết cùng mẹ, chị em họ chỉ dám mơ ước. Cuối cùng, họ quyết định, hùn tiền lại để đón mẹ vào đoàn tụ ngày đầu năm.

“Chi phí đi lại ngày tết đắt đỏ, nếu chúng về phải đi máy bay vì con còn nhỏ, ít nhất cũng tốn mấy chục triệu. Tôi chỉ có một mình, sức khỏe vẫn còn tốt, tiền đi tàu xe cũng rẻ hơn, hy sinh một chút cho con cháu cũng chẳng sao. Tết năm nay, mẹ con tôi được ở bên nhau rồi. Chẳng có hạnh phúc nào bằng điều đó đâu”, bà Thương nói. 

Phan Thân

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top