Chồng chị Minh (35 tuổi, huyện Nhà Bè, TP HCM) là người Hàn Quốc. Họ từng có một tình yêu vô cùng đẹp, nhưng cưới nhau năm đầu tiên chị Minh đã muốn bỏ ngay, vì không chịu được tính gia trưởng nặng nề của anh. Một lần cãi nhau với sếp, anh nghỉ việc rồi thất nghiệp cả năm trời, chị Minh phải gồng gánh kinh tế gia đình, không thúc chồng đi làm, dù rất nóng lòng. Như hiểu được những vất vả và sự chịu đựng của vợ, anh đã bỏ được việc căn ke, khó tính với vợ. Dưới đây là chia sẻ của chị Minh.
Tôi và chồng quen nhau khi anh sang TP HCM lập nghiệp sau nhiều biến cố xảy ra. Gặp anh ở thư viện trường đại học với cái đầu trọc, làn da trắng, dáng người cao ráo, ngày nào cũng đi học sớm, tôi bị ấn tượng ngay.
Gần ba năm yêu nhau, chuyện tình của chúng tôi đẹp như bộ phim tình cảm Hàn Quốc vậy. Lúc đó, ai cũng nói tôi may mắn khi lấy được một người chồng hiền lành, ga lăng, thành đạt. Tôi vô cùng hãnh diện vì điều đó. Sau đám cưới, tôi đi dạy tiếng Hàn cho người Việt, còn anh thì làm kỹ sư công trường. Năm đầu tiên của cuộc sống hôn nhân, tôi chỉ muốn bỏ ngay, vì không chịu nổi tính gia trưởng, khó tính của chồng.
Chồng thất nghiệp một năm, chị Minh rất nóng lòng nhưng luôn động viên anh nghỉ ngơi, giành thời gian gần gũi, chia sẻ với chồng nhiều hơn. Ảnh: bestcalgaryhomes |
Anh có quan niệm, chồng đi làm kiếm tiền thì vợ phải ở nhà chăm con. Người đàn ông là trụ cột của gia đình thì khi nói vợ phải nghe. Anh nói vấn đề này đúng, em phải nói là đúng. Anh thích vợ chăm con, con không được thiếu tình thương của mẹ, nhưng cũng thích vợ ra ngoài. Nhà cửa thì phải sạch sẽ, không được có một con kiến nào bò vào. Mỗi lần thấy kiến là anh quát mắng, tra khảo, rồi cứ thế vùng vằng, giận cá chém thớt.
Tôi nóng tính, thẳng thắn và không phụ thuộc ai cả. Anh quá đáng, tôi cũng làm được. Anh quát mắng tôi trước bạn bè mình, tôi cũng không nhân nhượng. Vậy là vợ chồng mâu thuẫn. Những lần như thế, anh vô cùng lạnh lùng, ném cho vợ những lời không thương tiếc. Đó là chưa kể những bất đồng văn hóa và ngôn ngữ là một rào cản vô cùng lớn.
Dù chúng tôi thông thạo tiếng của nhau, nhưng không thể hiểu hết những tiếng lóng, tiếng địa phương. Nhiều khi, tôi nói một đằng, anh hiểu một nẻo. Tôi nói chuyện đùa bình thường, anh lại bảo mỉa mai. Đã rất nhiều lần, tôi giải thích nhưng anh không hiểu. Bởi vì, ngôn ngữ của người Hàn Quốc, những từ đùa nghịch tưởng như bình thường thì họ cho rằng là xúc phạm mình. Những mâu thuẫn của chúng tôi cứ thế chất chồng, tưởng như không tìm được lối thoát. Cho đến khi có biến cố xảy ra làm kinh tế gia đình hoàn toàn thay đổi.
Đó là năm 2009, công việc đang thuận lợi, thu nhập cao, anh cãi nhau với sếp nên nghỉ. Suốt một năm đó, anh chỉ ở nhà, không đi xin việc mới. Nói thật, kinh tế gia đình đang phụ thuộc hoàn toàn vào chồng mà anh như vậy, lòng tôi như lửa đốt. Thế nhưng, lúc đó anh đang buồn và căng thẳng, nếu mình cứ kêu ca phàn nàn chẳng hay, tôi chỉ biết động viên anh đã đi làm suốt mấy năm rồi giờ hãy nghỉ ngơi cho khỏe, nhưng thật ra, thâm tâm tôi rất muốn chồng đi làm lại.
Chồng không có thu nhập, tôi phải rút tiền tiết kiệm trước đó, đăng ký dạy thêm nhiều ca khác nhau để lo chi phí gia đình, con đi học trường quốc tế. Song song đó, tôi gắng chu toàn việc nhà, chăm sóc con cái, dành thời gian gần gũi, trò chuyện để hiểu anh hơn. Và thật vui khi nghe anh nói: “Anh rất ngưỡng mộ và trân trọng vợ. Một năm ở nhà không đi làm đã giúp anh hiểu vợ hơn, hiểu người phụ nữ Việt Nam và văn hóa người Việt Hơn”. Tôi nghe mà lòng ấm áp và rất cảm ơn một năm đó đã giúp anh thay đổi, bỏ những suy nghĩ truyền thống. Thấy con kiến trong nhà, anh nhẹ nhàng hơn và nhận ra, đó chỉ là một điều bình thường.
Bây giờ, dù chúng tôi cũng vẫn còn những hiểu lầm về ngôn ngữ, ví dụ như lúc ba mẹ con tôi giao tiếp bằng tiếng Việt, anh chỉ biết ngồi ngẩn ngơ, vì nghe câu được câu mất và không hiểu những từ địa phương và nhiều nghĩa. Còn tôi, mỗi khi thấy chồng nói chuyện với anh trai, chị gái mặt rất rạng ngời chỉ biết đặt câu hỏi, sao với mình anh không như thế. Thế nhưng, chúng tôi khắc phục bằng cách, tự trau dồi ngôn ngữ của nhau để hiểu nhau nhiều hơn.
Những mâu thuẫn khác, chúng tôi sẽ giải quyết bằng bia, vì cả hai đều thích uống. Nghe rất buồn cười nhưng tôi lại thấy thú vị. Tối nào, con ngủ, hai vợ chồng cũng mang hai lon bia ra hiên nhà ngồi vừa nhâm nhi vừa tâm sự. Lúc đó, có chút hơi men trong người, bao nhiêu hiểu lầm, buồn bực hay không vừa lòng, chúng tôi đều nói ra hết để tìm hướng gỡ.
Nhiều người cứ đặt câu hỏi, sao tôi có thể cảm được anh chồng Hàn vô cùng khó tính và gia trưởng. Tôi nghe chỉ biết mỉm cười và nghĩ rằng, cuộc hôn nhân của chúng tôi để đến hôm nay đã chứa đựng rất nhiều nước mắt. Nước mắt của anh, nước mắt của tôi.
Gần 10 năm là vợ một người chồng ngoại quốc, tôi cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện. Tôi nhận ra, vợ chồng thì phải có tình yêu, sự thông cảm, nhường nhịn, hi sinh cho nhau.
Phan Thân (ghi)
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi
Post a Comment