Để hiểu rõ hơn về căn bệnh máu nhiếm mỡ, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Phan Thị Thanh - giảng viên tại trường cao đẳng Y Dược Pasteur để giúp bạn tự xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp cho những ngày Tết. Đồng thời, hạn chế tối đa nguy cơ bị rối loạn mỡ máu.
Hỏi: Bác sĩ có suy nghĩ như thế nào về chế độ ăn uống đối với những người máu nhiễm mỡ vào dịp Tết?
Trả lời: “Tết mà!”. Đây là câu nói mà giới bác sĩ dinh dưỡng hay tim mạch thường muốn khuyên bệnh nhân... tránh xa trong những ngày Xuân. Với tâm lý “ăn Tết”, “vui Xuân”, nhiều người “bỗng” dễ dãi hơn trong chuyện ăn và uống trong những ngày Tết đến. Để rồi sau Tết, lại “canh cánh” nỗi lo cân nặng, bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường và nhất là rối loạn mỡ máu.
Có một thực tế rằng sau Tết những bệnh nhân nhập viện do các bệnh về mỡ máu tăng đáng kể. Sở dĩ gặp phải tình trạng đó là do trong dịp Tết, cuộc sống của người bệnh bị đảo lộn rất nhiều so với ngày thường: Ăn, ngủ không đúng giờ, ăn vặt do phải tiếp khách liên tục, quên uống thuốc, đặc biệt khẩu phần ăn có thể sẽ bị dư thừa quá nhiều chất đường bột, chất đạm, chất béo hay sử dụng nhiều rượu bia rượu, cà phê, thuốc lá… Đối với người có nguy cơ hoặc đang gặp tình trạng rối loạn mỡ máu, việc ăn uống “thả ga”, vui chơi “tới bến” trong dịp năm mới sẽ là mối nguy hại khó lường cho sức khỏe.
Các món ăn vào ngày tết thường chưa nhiều chất béo.
Hỏi: Thưa bác sĩ, máu nhiễm mỡ là bệnh lý như thế nào?
Trả lời: Máu nhiễm mỡ, (mỡ máu cao) thực chất là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu. Đó là tình trạng tăng nồng độ các chất mỡ trong máu bao gồm cholesterol (LDL), trigliceride.
Người có nguy cơ cao mắc bệnh máu nhiễm mỡ là người thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo sẽ làm tăng lượng triglycerid trong máu là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh máu nhiễm mỡ.
Bên cạnh đó máu nhiễm mỡ còn do biến chứng của các bệnh như: Bệnh đái tháo đường, hội chứng thận hư, tăng urê máu, suy tuyến giáp, bệnh gan, nghiện rượu, uống thuốc tránh thai, một số thuốc tim mạch như thuốc ức chế bêta giao cảm, nhóm thuốc lợi tiểu thiazid. (chiếm khoảng 10% nguyên nhân gây bệnh máu nhiễm mỡ).
Hỏi: Xin bác sĩ cho biết, bệnh nhân có nguy cơ hoặc đang gặp tình trạng rối loạn mỡ máu thì nên kiêng những thực phẩm gì trong dịp Tết?
Trả lời: Để người có rối loạn mỡ máu ăn Tết an toàn, việc lựa chọn thực phẩm phù hợp và vừa đủ để các món ăn thức uống cần đảm bảo có lợi cho sức khỏe, không chỉ “ngon”mà còn phải “lành”. Sau đây là một số lời khuyên sử dụng thức ăn, đồ uống giúp chúng ta hạn chế nguy cơ rối loạn mỡ máu cũng như kiểm soát các thành phần mỡ máu ở mức an toàn trong dịp Tết:
• Thịt nguội, giò chả, thịt kho tàu: Chế biến sẵn chứa nhiều đạm, chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, nhóm thưc phẩm này còn chứa chất bảo quản, phụ gia tạo độ dai, giòn rất có hại cho cơ thể. Không nên dùng vượt quá 100gr/ ngày. Việc kho đi kho lại nhiều lần làm cho thịt kho đã béo, lại thêm mặn. Bệnh nhân rối loạn mỡ máu không nên ăn thức ăn để qua ngày, tăng cường rau xanh, trái cây nhiều chất xơ.
• Các món ăn chiên, xào: Thịt heo áp chảo, gà chiên, cá chiên, lạp xưởng chiên… chứa nhiều dầu mỡ làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Nên thay thế bằng các món luộc, hấp, nướng. Ăn cá 2- 4 lần/tuần, hạn chế thịt đỏ.
• Bánh, kẹo, mứt: Những loại chứa nhiều đường bột, không tốt cho người tiểu đường, nên hạn chế.
• Hạt dưa, hạt bí, hạt điều, hạt hướng dương, hạt dẻ cười: Đây là thức ăn vặt tuy khối lượng tịnh nhỏ nhưng lại chứa nhiều chất béo, chất đạm nên dễ tạo cảm giác “ngang bụng”. Người ta thường ngâm tẩm trong muối và đường hóa học để tăng vị thơm ngon, cần hạn chế tối đa các món ăn này.
• Bia rượu, nước ngọt: Đây là thức uống không thể thiếu trong các bữa tiệc ngày Tết. Uống rượu làm cho tim đập nhanh, mạch máu co lại, huyết áp tăng và làm cho muối canxi đọng lại ở thành mạch, gây xơ cứng động mạch. Chỉ nên uống một lượng ít rượu vang đỏ 100 -200ml/ngày hoặc 1- 2 lon bia/ngày, nước ngọt không dùng trên 1 lon/ngày. Nên thay thế rượu bia bằng một chén trà xanh, trà atiso mời khách vừa làm mát cơ thể vừa hỗ trợ tiêu hóa.
Hỏi: Vậy bác sĩ khuyên người bị máu nhiễm mỡ nên ăn gì trong dịp Tết để kiểm soát tốt lượng mỡ máu?
Trả lời:
• Những người mắc bệnh mỡ máu luôn cần cung cấp đủ rau xanh và hoa quả tươi, đối với những ngày sau Tết thì việc này cần nên làm để cung cấp cho cơ thể lượng dinh dưỡng cần thiết. Rau xanh giúp cung cấp chất xơ và các loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể một đồng thời giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống lão hóa tế bào nên giúp con người giữ được nét trẻ trung
• Cần tăng cường rau xanh bông cải xanh, bí ngô, đậu, măng tây, cà rốt, hành tây. Hạn chế ăn các loại củ quả, ngũ cốc: Ngô, khoai tây, khoai lang. Hoa quả thì nên lựa chọn bưởi, dâu tây, đào, táo, cam, đu đủ…
• Ngoài ra bạn có thể sử dụng các loại nước ép, sinh tố rau củ quả cũng sẽ là một cách tốt để giúp cơ thể hấp thu tốt nhất. Một ly nước ép táo mỗi ngày sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời cho sức khỏe.
Mong rằng những lời khuyên bổ ích của bác sĩ Phan Thị Thanh sẽ phần nào giúp mọi người xây dựng được chế độ ăn phù hợp trong dịp Tết đến xuân về. Ngày Tết ai cũng muốn vui vẻ chúc nhau nhiều lời hay ý đẹp, chiêu đãi những món ngon vật lạ để làm vừa lòng nhau với mong ước một năm mới đựợc no đủ, sung túc. Thế nên, để Tết thật trọn vẹn, mỗi người cần xây dựng một kế hoạch để cân bằng từ chế độ ăn uống, tập luyện nghỉ ngơi đến kết hợp sử dụng các hoạt chất sinh học từ thiên nhiên đã được khoa học kiểm chứng, ngày Xuân của người rối loạn mỡ máu sẽ thêm ấm áp, hạnh phúc và bình an!
Post a Comment