Sau 16 năm chung sống với bao lần chịu đòn đau dưới tay chồng, biết anh ta mua căn hộ cho người tình, chị Ngọc Mai (Tây Hồ, Hà Nội) muốn ly hôn nhưng chồng nhất quyết không đồng ý. Anh ta khăng khăng "Chỉ có thằng này thích bỏ thì bỏ thôi chứ cô đừng hòng thoát ra". Hơn một năm trôi qua từ lúc nộp đơn, chị Mai đã phải lên tòa 20 lần nhưng vẫn không được giải thoát. Chồng chị tìm mọi cớ để không tiếp nhận giấy triệu tập của tòa, đồng thời rêu rao khắp từ cơ quan vợ tới gia đình hai bên rằng chị bỏ nhà theo trai. 

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết, đây là một trong những vụ án ly hôn khiến ông trăn trở nhất từ trước tới nay. Đồng hành cùng chị Mai từ những ngày đầu đưa đơn, đến giờ bản thân ông cũng vẫn đang trăn trở tìm cách giúp chị giải thoát khỏi người chồng "Chí Phèo".

Luật sư cho biết, là người giàu có, ở vị trí xã hội cao, người đàn ông này dùng mọi cách, từ lợi dụng các quy định của pháp luật tới mua chuộc cơ quan chức năng địa phương nhằm chống lại yêu cầu ly hôn của vợ. Ba lần đầu tiên được triệu tập, anh ta xuất hiện tại tòa án với thái độ muốn giải hòa, hàn gắn. Nhưng lần sau đó, khi thấy chị Mai kiên quyết không đồng ý thì anh ta trở mặt ngay tại tòa, chửi bới cả vợ mình lẫn những người thi hành công vụ. Thậm chí, vì sợ bị chồng dùng đòn đau, chị Mai trốn ra ngoài ở thì anh ta đề nghị tòa bắt chị về nhà với lý do "chưa ly dị thì cô ta vẫn là vợ tôi". 

Khi không đạt được mục đích, từ lần thứ 4 được triệu tập, anh ta đều viện cớ vắng mặt. Khi tòa gửi giấy yêu cầu tới nhà, người đàn ông này không nhận hoặc cho người nhà nhận nhưng khai tên sai và sau đó chối bay rằng nhà mình không có ai thấy các giấy tờ này. 

Phía tòa án hướng tới giải pháp gửi giấy triệu tập tới cơ quan người chồng nhưng chị Mai không muốn vì sợ những người ganh ghét chồng mình biết chuyện có thể lợi dụng điểm này để gây hại cho anh. "Dù gì thì anh ấy vẫn là bố các con tôi. Anh ấy ở vị trí cao, nếu bị tố cáo, gặp chuyện không hay thì các con cũng chịu vạ lây", chị chia sẻ. 

Ảnh minh họa: Wisegeek.

Ảnh minh họa: Wisegeek.

Luật sư Thơm cho biết, rất nhiều trường hợp đàn ông có bồ, thậm chí công khai chung sống, mua nhà sắm xe cho người tình song quyết tìm mọi thủ đoạn để không ly hôn vợ. 

Theo ông, lý do phổ biến là nam giới vốn tham lam, chỉ thích thêm, không muốn bớt. Những người thành đạt, giàu có càng đủ khôn ngoan để hiểu rằng phần lớn người tình trẻ đẹp theo mình vì tiền tài danh vọng nhưng có thể sẵn sàng rũ bỏ khi họ già yếu, cơ nhỡ. Nhiều nam giới thừa nhận, họ biết khi ngoại tình, mình sẽ bị con cái coi thường, khinh rẻ nên không trông mong được gì khi về già, vì thế càng phải giữ vợ như một chốn hậu phương an toàn.

Mục đích cố chây ỳ việc ly hôn của một số nam giới khác lại nhằm hành hạ, trói chân, không cho người vợ có cơ hội tìm hạnh phúc mới. 

Cũng từng tư vấn, hỗ trợ nhiều phụ nữ khó ly hôn vì chồng dùng nhiều mưu hèn kế bẩn để trì hoãn, luật sư Hồng Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, bà chứng kiến không ít nam giới mua xác nhận tình trạng đau ốm hay cố tình bỏ đi, viện lý do đi vắng... để thoái thác hay thậm chí mượn tay xã hội đen để dằn mặt vợ. Vì lý do này, nhiều chị em khổ sở vài năm vẫn không cắt đứt được mối ràng buộc với người chồng phụ bạc.

"Những chiêu như khống chế về tài chính, giữ con cái, nhờ người thân, bạn bè tác động... đã quá quen thuộc khi đàn ông muốn cản vợ ly hôn. Những người càng có tiền, có quyền thì càng biết lợi dụng nhiều thủ đoạn trái khoáy để ràng buộc vợ", luật sư cho hay. 

Trường hợp chị Bích Ngọc ở Hà Đông (Hà Nội) là một điển hình. Sau 5 năm kết hôn, chồng chị đi công tác nước ngoài nhiều hơn ở nhà. Nghi ngờ chồng có "phòng nhì" nên hờ hững với mình, chị Ngọc tìm hiểu thì phát hiện đó đúng là sự thật. Chị gửi đơn ly hôn tới tòa án nhưng hai lần triệu tập chồng đều vắng mặt. Anh ta thậm chí chuyển vào Sài Gòn chung sống với người tình vài tháng liền không về. 

Được cán bộ tòa án hướng dẫn tìm gặp chồng hoặc nơi anh ta cư trú xin xác nhận để được tiếp tục giải quyết nhưng hễ chị Ngọc tìm được chồng thì anh ta lại chuyển đi nơi khác và thách thức rằng "cô đã lấy tôi thì cứ ở vậy mà làm ma nhà tôi". 

Khổ thêm nữa là cả mẹ và chị chồng đều không ủng hộ việc ly hôn này nên không hề trợ giúp chị. 

Luật sư cho biết, khi người chồng không hợp tác khiến việc ly hôn phức tạp và rắc rối hơn thông thường rất nhiều. Tòa án vẫn xử lý các vụ việc người vợ đơn phương xin ly hôn, khi người chồng hoàn toàn không xuất hiện nhưng để làm được việc đó phải trải qua rất nhiều thủ tục phức tạp.

Một trở ngại khác xuất phát từ chính tâm lý người phụ nữ. Theo luật, người phụ nữ dễ được xử cho ly hôn và được bảo vệ quyền lợi về tài sản, nuôi con nếu chồng ngoại tình nhưng không ít người vợ không dám đưa ra bằng chứng chuyện ngoại tình của chồng. Họ sợ mọi việc vở lỡ thì ảnh hưởng tới cuộc sống, tương lai của con cái cũng như vẫn muốn giữ thanh danh cho gia đình mình. 

Bà Vũ Ánh Tuyết, chuyên viên tư vấn tâm lý, Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm (Hà Nội) cho biết, bà cũng từng gặp trường hợp một người vợ bị ông chồng giàu có khống chế, quyết không cho ly hôn. Người chồng làm ở một ngân hàng lớn, trắng trợn đưa bồ nhí về nhà, tỏ thái độ coi vợ không ra gì. Ông không chịu đưa tiền cho vợ nhưng sắm rất nhiều quà cho nhân tình.

Vợ ông, sau một thời gian níu kéo vì con cái không thành đã đưa đơn ly hôn nhưng chồng dùng quyền lực và các mối quan hệ với các đơn vị cấp cao để ngăn cản. Dù chấp nhận đánh đổi tất cả, từ tài sản tới quyền nuôi con để được tự do nhưng cũng không thành, người vợ mới tìm đến văn phòng tâm lý xin tư vấn. Chị được hướng dẫn làm việc với tòa án, kết nối với luật sư hỗ trợ nhưng phải chật vật suốt 3 năm mới được giải thoát hoàn toàn.

Bà cho biết, thực tế, mỗi trường hợp bị gây cản trở ly hôn đều sẽ có hướng giải quyết. Chị em rơi vào tình huống này nên tìm tới các văn phòng tham vấn tâm lý, luật sư để được trợ giúp và cần kiên trì theo đuổi nếu đã quyết tâm giải thoát. Đồng thời, họ cũng cần lưu ý đến việc đảm bảo an toàn cho bản thân để tránh khỏi bạo lực và các nguy hiểm có thể xảy đến trong thời gian đợi tự do. 

Vương Linh

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top