Từng bị kết luận ung thư mật di căn gan khi đi thăm khám tại một bệnh viện tuyến Trung ương, tuy nhiên, sau khi thăm khám tại viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, bà N.T.T.H. (sinh năm 1962, tại Đồng Hới, Quảng Bình) như trút được gánh nặng. Bởi lẽ, các bác sĩ ở đây đã tìm ra nguyên nhân gây nên những tổn thương gan của bà là do sán lá gan lớn chứ không phải do tế bào ung thư di căn như những kết luận trước đó.

Khi chúng tôi có mặt tại khoa Điều trị, viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, lúc này tâm trạng bà H. khá thoải mái. Bà bảo rằng, khi được các bác sĩ thông báo bị ung thư mật di căn gan giai đoạn cuối, bà đã suy sụp.

“Suốt thời gian dài tôi không thiết ăn uống gì, người gầy rộc. Tôi đã gọi con cháu về đông đủ và tính tới chuyện hậu sự cho mình. Chính sự tuyệt vọng đó, tôi đã từng từ bỏ điều trị về nhà uống thuốc lá, thuốc nam. Sau thời gian này, tôi có quay lại bệnh viện Bạch Mai khám. Tuy nhiên, chỉ số bạch cầu của tôi không hề giảm. Các bác sĩ nghi ngờ tôi không phải ung thư mà mắc căn bệnh khác nên chỉ định tôi tới viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương điều trị”, bà H. kể.

Qua xét nghiệm, các bác sĩ kết luận, bà H. bị sán lá gan lớn.

Các bệnh - Bị kết luận ung thư giai đoạn cuối chờ lo hậu sự, không ngờ chỉ là... sán lá gan lớn

Ths.BS Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Điều trị, viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương trò chuyện cùng bệnh nhân N.T.T.H..

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Ths.BS Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Điều trị, viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho hay, bệnh nhân N.T.T.H. vào viện với chẩn đoán trước đó bị ung thư nên tinh thần khá suy sụp.

Tuy nhiên, qua kiểm tra cho kết quả, bệnh nhân H. dương tính với sán lá gan, bạch cầu tăng do có kháng thể lại sán, siêu âm có tổn thương gan. Sau khi bệnh nhân H. được điều trị theo phác đồ của bệnh sán lá gan, sức khỏe có khởi sắc rất nhiều so với lúc nhập viện.

Điều tra tiền sử ăn uống của bệnh nhân H. được biết, bệnh nhân rất thích ăn các loại rau sống mua tại chợ. Chính vì thế, theo BS. Thọ, đây có thể là nguồn gây bệnh sán lá gan cho bệnh nhân.

“Nang sán theo đường ăn uống đi vào dạ dày sẽ phá vỡ và giải phóng ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành tá tràng vào ổ bụng rồi di chuyển đến gan. Ấu trùng sẽ sinh trưởng và phát triển trong gan tiết ra các chất độc phá hủy nhu mô gan gây áp-xe gan. Vì vậy, người bệnh khi đi khám có tổn thương gan rất dễ bị chẩn đoán nhầm thành ung thư gan”, Ths.BS Trần Huy Thọ cho hay.

Cũng theo Ths.BS Trần Huy Thọ, người bị nhiễm sán lá gan thường có các triệu chứng như mệt mỏi, đau nhẹ ở hạ sườn, đau bụng âm ỉ không rõ vị trí, gan sưng to và đau. Một số trường hợp có rối loạn tiêu hóa, dị ứng da nốt sẩn trên ở đùi, mông, lưng, cảm giác ngứa, khó chịu…

“Cách phòng bệnh sán lá gan tốt nhất là thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn những thức ăn tái, rau sống. Vệ sinh tay sau khi đi vệ sinh, trước chế biến thức ăn, trước khi ăn. Tuyệt đối không uống nước lã, nước sông suối, hồ…”, BS. Trần Huy Thọ khuyến cáo.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top