Dưới đây là chia sẻ của anh Minh Chí 34 tuổi (quận 9, TP HCM) về bài toán đã tính sai khi khởi công xây nhà, để giờ phải sống trong lo lắng.
Cuối năm 2014, vợ chồng tôi cưới nhau, khi cả hai có công việc ổn định, nhưng chưa có tài khoản tích lũy nhiều. Vợ tôi làm bên ngành truyền thông, tôi làm kỹ sư xây dựng, thu nhập của cả hai cộng lại cũng được hơn 30 triệu. Chúng tôi lo chuyện tích lũy mua nhà ngay. Năm 2016, vợ mang thai, nhưng thu nhập của hai vợ chồng giảm xuống chỉ còn hơn 20 triệu một tháng. Chúng tôi phải chi nhiều khoản hơn nên không tiết kiệm được mấy.
Tháng 4 vừa qua, con gái đã biết bò, công việc của vợ cũng ổn định trở lại, tiền tích lũy chúng tôi cũng đã có hơn 600 triệu. Thấy giá đất đang lên nhanh, vợ chồng tôi xúc tiến việc mua nhà cho con có chỗ chơi.
Sau hơn 2 hai tháng đi tìm, chúng tôi mua được mảnh đất hơn 50m2 ở quận 9, giá gần 1,3 tỉ, gần chỗ vợ làm. Chúng tôi vay ngân hàng và người thân được 800 triệu, dồn lại để trả tiền đất, còn một ít để lại xây nhà, cho đỡ phải đi thuê trọ.
Ban đầu, tôi tính sẽ ép cọc, xây móng và xây trước một lầu, còn lại, khi trả hết nợ sẽ tính tiếp. Thế nhưng, nợ còn nhiều, hàng tháng thu nhập của tôi để trả nợ ngân hàng và người thân, vợ thì lo chi tiêu trong gia đình, con cái nên không dám liều vay thêm. Nếu ép cọc và xây móng chắc chắn ít nhất cũng phải hết gần 100 triệu, trong khi đó, tổng số tiền xây nhà chỉ có 150 triệu, chỉ đủ làm nhà cấp bốn.
Sau khi khảo sát thấy khu đất khá cứng, xung quanh mới chỉ có ít nhà xây, tôi chọn giải pháp không ép cọc mà chỉ xây móng tạm từ bản thiết kế do mình vẽ và trực tiếp đi chọn mua vật liệu, khi trả xong nợ sẽ tính tiếp. Sau hơn một tháng thi công, căn nhà của chúng tôi cũng hoàn thành, diện tích chỉ 36m2 nhưng trông rất rộng, thoáng vì được đón ánh sáng trực tiếp vào. Cuối tháng 10 rồi, chúng tôi dọn về nhà mới ở, con có chỗ tập đi, vợ chồng tôi rất vui.
Chưa được mấy ngày, nỗi lo bắt đầu ập tới. Mấy nhà xung quanh nhà tôi bắt đầu rục rịch xây, họ ép cọc, đào móng. Khỏi phải nói, căn nhà của tôi cũng rung lắc, nứt tường, dù lúc xây đã dự liệu những khả năng xấu có thể xảy ra, bằng cách xây tường thấp, lợp mái tôn lựa chọn những vật liệu tốt…. Bây giờ, tôi đang sợ, vài tháng nữa, hai nhà sát bên cạnh xây thì tương lai nhà tôi sẽ như thế nào. Liệu những vết nứt có lan rộng thêm nữa không. Tôi đang rất sợ hãi và chưa biết khắc phục thế nào. Ngẫm lại tôi thấy quyết định của mình xây nhà chưa đủ tiền là hết sức sai lầm.
Theo kiến trúc sư Châu Chí Toàn, Giám đốc tại một công ty Thiết kế Xây dựng tại TP HCM, ép cọc là gia cố và tăng cường cho hệ móng để có thể chịu được tải trọng của căn nhà xuống nền đất, giúp cho nhà không bị lún, nghiêng. Việc này đòi hỏi phải có sự tính toán và phối hợp giữa kiến trúc và kết cấu ngay từ lúc dự án còn nằm trên bản vẽ. Vì mỗi căn nhà, mỗi nền đất sẽ có tính chất khác nhau cũng như việc bố trí mặt bằng chức năng bên trong cũng khác, do đó tải trọng tác động đến nền đất qua móng sẽ không như nhau. Vì vậy, khi xây nhà, đội thiết kế sẽ căn cứ vào tính chất của mỗi nơi mà có giải pháp móng khác nhau, như cừ, tràm, ép cọc bê tông hoặc không ép cọc. Theo ông Toàn, TP HCM, nhất là ở quận 9 chủ yếu là đất bùn nhão, tính chịu lực kém, vì thế khi xây nhà, các gia chủ cần phải ép cọc để đảm bảo sự an toàn cũng như tránh tình trạng mới xây, chưa ở được bao lâu đã nứt, rung lắc. |
Phan Thân (ghi)
Post a Comment