Nguyên nhân gây méo mặt
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Cảnh (Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho biết: "Chứng bệnh liệt nửa mặt hay méo mặt do bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên vì thời tiết giá lạnh".
“Cơ chế gây nên bệnh là bởi dây thần kinh số 7 nằm trong ống xương đá, vốn dĩ đã rất lạnh, khi cơ thể nhiễm lạnh, các mạch máu sẽ phản ứng chậm, máu không kịp lưu thông lên não nên khiến dây thần kinh số 7 ngày một sưng to hơn. Sau đó, dây thần kinh số 7 sẽ chèn ép vào ống xương đá, làm tê cứng các bộ phận trên khuôn mặt người bệnh.
Khi đó, người bệnh rơi vào tình trạng mắt nhắm mở trừng trừng, nhắm không kín, miệng kéo lệch về phía bên lành, rãnh mũi má bên liệt mờ hoặc mất”, bác sĩ Cảnh nói.
Bác sĩ Cảnh cho biết thêm, bệnh hay gặp ở mùa đông hơn mùa hè, đặc biệt khi thời tiết rét đậm. 80% nguyên nhân gây bệnh là ra lạnh đột ngột, mặc ít quần áo, 2% còn lại người có tiền sử mắc các bệnh khác như đái tháo đường, zona thần kinh.
Dấu hiệu chứng méo mặt: Mắt không khép kín, méo miệng |
Dấu hiệu nhận biết chứng méo mặt
Bác sĩ Cảnh bật mí một số dấu hiệu nhận biết của chứng méo mặt: "Nếu khi ngủ dậy thấy một bên mặt bỗng hơi cứng khác thường, miệng méo một bên, mắt một bên không thể nhắm kín, nước mắt chảy ra thì cần nghĩ tới chứng liệt mặt, méo miệng.
Nếu là ban ngày, người bệnh bỗng dưng thấy bị tê liệt đột ngột, yếu hẳn một bên mặt, khó cười nói, khó nhắm mắt, khó cử động một bên mặt, đau trong tai bên bị bệnh, nhức đầu; mất vị giác, nước mắt và nước miếng tiết ra nhiều hơn…".
Người bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên 80% sẽ tự khỏi nhưng cũng có thể để lại di chứng. Đáng sợ nhất là loét giác mạc, biến chứng mù mắt. Ngoài ra, bệnh còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ như gây méo mặt, méo miệng. Thực tế, nhiều bệnh nhân bị rối loạn tuyến nước mắt, loét giác mạc. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây mất tự tin.
Sau 48 tiếng bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, càng muộn tỷ lệ để lại di chứng càng cao. Vì vậy, người bệnh cần đến các cơ sở y tế sớm để điều trị kịp thời.
Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc giảm viêm, giãn mạch, châm cứu, bấm huyệt sau 3-5 ngày.
Nếu để lâu việc chữa trị sẽ trở lên khó khăn, quá trình châm cứu diễn ra lâu hơn và có thể để lại di chứng.
Bác sĩ Cảnh cũng lưu ý đây là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 3-6 tuần, ngay cả khi không điều trị. Do đó, người dân không dùng các biện pháp truyền miệng như dán cao, cho lươn bò, đắp lá để chữa bệnh…
Ngoài ra, bệnh nhân cần chú ý liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có tương đồng với liệt dây thần kinh số 7 trung ương. Tuy nhiên, dây số 7 thần kinh trung ương vừa gây méo mồm vừa liệt chân liệt tay, tai biến mạch máu não, gây nguy hiểm đến tính mạng. Người dân cần tìm đến các bác sĩ chuyên khoa, có kinh nghiệm lâu năm để kịp thời chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị.
Phòng bệnh:
Bác sĩ Cảnh đưa ra một số lời khuyên đề phòng bệnh bị liệt nửa mặt như: Trong ngày lạnh không nên uống rượu cho ấm người vì cồn trong máu lên não và các cơ quan khác khiến mạch máu ở đó co lại hoặc giãn ra tùy cơ địa mỗi người, làm cơ thể mất nhiều nhiệt. Đã uống bia, rượu tốt nhất không nên ra ngoài lạnh, hoặc đi tắm ngay vì rất dễ bị méo miệng, thậm chí là đột quỵ.
Luôn giữ gìn để tránh bị nhiễm lạnh, nhất là khi ngủ ban đêm. Nếu đang trong chăn ấm phải ra khỏi chăn, hoặc ở trong nhà ấm áp phải ra ngoài trời cần khoác thêm áo ấm.
Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên, ăn uống đủ dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc uống bổ sung vitamin C tổng hợp.
Trong những ngày trời lạnh nên tắm nước ấm trong phòng kín và tắm nhanh. Tránh tắm bằng nước lạnh và tuyệt đối không tắm khuya vì cơ thể rất dễ bị nhiễm lạnh làm nguy cơ mắc liệt mặt, méo miệng cao hơn.
Nếu không may có triệu chứng bị liệt nửa mặt, méo miệng cần sớm tới ngay các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời, không nên tự chữa theo các mẹo dân gian.
Post a Comment