Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh toàn quốc hiện đã giảm xuống chỉ còn 69,5%. Hệ quả là số lượng bệnh nhân mắc bướu tuyến giáp do thiếu i-ốt đang ngày càng gia tăng.
Theo các bác sĩ, biện pháp tốt nhất, đơn giản nhất và cũng là rẻ nhất để phòng bệnh tuyến giáp đó là sử dụng muối i-ốt. Theo đó, mỗi ngày tuyến giáp phải nhận đủ lượng i-ốt. Muốn không bị thiếu hụt, cơ thể cần nạp ít nhất 100µg i-ốt/ngày.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn - Nguyên trưởng khoa Nội Tiết - Chuyển Hóa Di Truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, việc cung cấp i-ốt trong khẩu phần ăn hàng ngày rất khác nhau giữa các vùng, miền trên thế giới. Ngay cả giữa những người sống trong một vùng, sự hấp thu i-ốt cũng không như nhau và trên một cá thể, nó cũng thay đổi theo ngày.
Bệnh nhân mắc bướu tuyến giáp do thiếu i-ốt đang ngày càng gia tăng (Ảnh minh họa). |
“Thiếu i-ốt thường xảy ra ở miền núi hoặc ở vùng băng tuyết quanh năm. Thống kê cho thấy, số người bị thiếu i-ốt lên đến con số 1 tỷ trên toàn thế giới. Những người ở vùng này dễ bị bướu giáp địa phương, tức tuyến giáp to do tăng sinh bù trừ cho sự thiếu hụt”, bác sĩ Hoàn nhận định.
Những rối loạn do cơ thể không nhận đủ i-ốt gồm bệnh bướu cổ địa phương và bệnh lùn. Để đánh giá mức độ thiếu hụt, cần đo nồng độ i-ốt trong nước tiểu. Tỷ lệ suy giáp và đần độn gặp nhiều ở người thiếu i-ốt trầm trọng.
Các bác sĩ cho hay, i-ốt vào cơ thể qua thức ăn, thuốc, chất cản quang dùng trong chẩn đoán bệnh (khi chụp CT có cản quang hoặc chụp mạch máu…) và trong các thực phẩm có bổ sung i-ốt.
Nếu thiếu hụt nặng trong thời kỳ mang thai, sản xuất hormone giáp ở bào thai giảm sút gây tổn hại hệ thần kinh trung ương, biểu hiện bằng chậm phát triển tinh thần với nhiều mức độ khác nhau.
Cơ thể cần nạp ít nhất 100µg i-ốt/ngày (Ảnh minh họa) |
Được biết, ở nước ta, có khoảng 9 triệu người sống ở miền núi và các cao nguyên có nguy cơ mắc rối loạn thiếu hụt i-ốt. Tỷ lệ bị bướu giáp địa phương ở các tỉnh này dao động từ 16-40%. Vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ mắc bướu giáp địa phương cũng đến 4%. Tuy nhiên, thiếu hụt i-ốt không phải là nguyên nhân duy nhất gây bướu giáp địa phương).
Theo các bác sĩ, tuyến giáp cũng cần bảo vệ để không nhận quá nhiều i-ốt. Những chất cản quang chụp mạch máu, thuốc amiodarone và povidone iodine, bổ sung i-ốt vào khẩu phần ăn… là nguồn cung cấp i-ốt thừa thường thấy.
Thừa i-ốt có thể dẫn đến cường giáp- tình trạng tăng tiết nhiều hormone giáp. Đã ghi nhận sự gia tăng cường giáp trên những người đột ngột thay đổi từ chế độ ăn ít i-ốt sang dùng nhiều chất này.
N.Giang
Post a Comment