Đó là khởi nguồn mâu thuẫn của chị Hương (quận 9, TP HCM) và mẹ chồng. Câu chuyện xảy ra khi bà Hường từ quê vào chăm cháu cho các con đi làm.
Từng sống trong gia đình nghèo nên bà Hường luôn sống tiết kiệm. Con trai chị Hương đã hơn 18 tháng, mỗi lần uống được 150ml sữa, nhưng cái bình hiện tại chỉ có dung lượng 120ml, đã cũ và phai màu. Chị muốn đổi cái bình mới có dung lượng 300ml để tiện pha sữa cho con.
Thấy vậy, bà Hường phản đối, cho rằng con dâu phung phí. Theo bà, bình cũ vẫn dùng được, pha không đủ uống thì pha lần hai. Chị Hương giải thích: “Con chỉ muốn tốt cho sức khỏe của cháu, cái bình kia đã cũ rồi, không hợp vệ sinh nữa”. Bà quát: “Cô dạy tôi à. Tôi là mẹ của 3 đứa con, bà của 4 đứa cháu mà không bằng cô sao”.
Mỗi người hãy khéo léo, bỏ qua cái tôi để mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu bớt căng thẳng - Ảnh: minh họa phim mẹ chồng nàng dâu |
Căng thẳng hơn khi con trai vừa đi làm về bà mách: “Mẹ từ quê vào đây trông cháu, ngày ăn ba bữa cơm mà cứ bị nó mắng chửi”. Bà còn gọi cho mọi người ở quê, kể việc con dâu hỗn láo và thông báo muốn bỏ cháu để về. Chị Hương chỉ biết ngao ngán. Chồng chị gọi cho hòa giải viên cầu cứu.
Tiếp nhận sự việc, chị Đoàn Thị Kim Ngoan (hòa giải viên phường Phước Bình, quận 9) đã gặp riêng từng người để lắng nghe họ chia sẻ, sau đó mời họ tham gia buổi sinh hoạt câu lạc bộ mẹ chồng nàng dâu của phường.
Buổi sinh hoạt có rất nhiều cặp mẹ chồng nàng dâu khác nữa. Lần lượt từng người đứng lên trình bày câu chuyện không vừa lòng. Đến lượt mình, bà Hường lập tức tuôn một tràng: “Già rồi mà phải lặn lội từ quê vào chăm cháu, nó là dâu con mà hỗn láo, chê tui ở bẩn, không biết giữ vệ sinh. Trong khi đó, nó không biết tiết kiệm, xài phung phí”. Chị Hương cũng nói mẹ chồng bảo thủ, chỉ biết làm theo ý mình. “Cái bình sữa của con cũ, tôi mua mới bà cứ phản đối. Tôi giải thích thì bị cho là chửi bà”.
Nghe xong câu chuyện, ai cũng khuyên hai mẹ con nên bỏ qua cho nhau, vì mâu thuẫn rất đơn giản, mỗi người nhường nhịn tí là được. Nhưng bà Hường nhất định không chịu. “Tôi không thể tha thứ cho nó. Tôi vào đây là thương thằng con trai và đứa cháu còn nhỏ mà thôi”. Chị Hương nghe vậy chỉ biết ngồi im lặng.
Thấy vậy, chị Ngoan phân tích: "Cô ơi! cái bình sữa có bao nhiêu tiền đâu, nếu dùng cái cũ phải mất công pha sữa hai lần, chưa kể, dùng lâu, vi khuẩn bám vào làm đứa trẻ bị bệnh, phải đi bệnh viện thì tốn hơn. Bây giờ cô chọn đi, bình sữa và sức khỏe của cháu mình, cái nào hơn". Bà Hường như hiểu điều gì đó đã không còn căng thẳng nữa. Chị Hương cũng thôi gay gắt nhưng nhất quyết không chịu ngồi cạnh mẹ khi ban tổ chức sắp xếp.
Để họ gắn kết hơn, chị Ngoan tổ chức các trò chơi với chủ đề gắn kết, sắp xếp cho mẹ con bà Hường một đội. Ban đầu họ còn ngại ngần, nhưng rồi dần chơi vui vẻ, đoàn kết, quyết tâm giành giải nhất và được nhận phần thưởng là một chiếc đồng hồ treo tường. Hai mẹ con đã vui vẻ chở nhau ra về, dù trước đó, bà Hường nhất định không chịu ngồi xe của con dâu.
Cũng trong buổi sinh hoạt này, ban tổ chức đã hóa giải được mâu thuẫn cho mẹ con bà Hoa, nguyên nhân chỉ vì bà quá tiết kiệm, con dâu thì luôn làm điều ngược lại. Một lần, thấy con dâu vừa mở tivi xem vừa mở quạt nên bà vô cùng khó chịu. Ngay lập tức bà lấy điều khiển tắt tivi, kèm câu nói: “Giá điện đang lên, đừng phung phí”. Lan vùng vằng bỏ lên phòng mách chồng, vậy là mâu thuẫn xảy ra.
Mỗi lần ngồi chung bàn ăn là họ lườm nguýt, lạnh nhạt, suốt mấy tháng trời chẳng hỏi nhau một tiếng. Nhiều lần đứng ra hòa giải không được, chồng Lan chỉ biết cầu cứu hòa giải viên.
"Bà Hoa đã sai khi đột ngột tắt điện, còn Lan thì lại vùng vằng bỏ lên phòng, mách chồng. Muốn mối quan hệ của họ tốt đẹp hơn, tôi đã mời đến tham dự buổi sinh hoạt để ở đó, các thành viên khác cùng cho lời khuyên", chị Ngoan nói.
Thấy họ căng thẳng, ban tổ chức kể câu chuyện về người mẹ chồng kia quá tiết kiệm, xét nét từng tí một làm nàng dâu quyết ly hôn, khi bà nhận ra thì các con đã đường ai nấy đi.
Thấy bà Hoa có vẻ trầm tư, chị Ngoan bồi thêm: "Cô biết không, ở thành phố thời tiết nóng nực, xem tivi mà không bật quạt thì ai chịu nổi. Cô thử đặt mình vào tình huống đó thì như thế nào". Bà Hoa nói: "Thì tôi biết mình sai, nhưng con Lan nó kỳ lắm. Là dâu con, giận cũng phải gọi mẹ chồng một tiếng mẹ. Đằng này, nó nói chuyện trống không hoặc gọi bằng từ khác".
Quay sang Lan, chị Ngoan nói: "Đó, mẹ đã tha lỗi rồi, ý em sao". Trầm tư một lúc Lan nói: "Con muốn gọi lắm, nhưng mỗi lần nhìn mẹ là không nói được. Hôm nay, con xin lỗi và chỉ mong gia đình chúng ta luôn hạnh phúc, mẹ và con hãy luôn vui vẻ với nhau". Vậy là hai mẹ con chấp nhận ngồi vào vị trí mà ban tổ chức đã sắp xếp.
Chị Ngoan cho biết, hai cặp mẹ chồng nàng dâu trên hiện không chỉ sống hòa thuận mà còn là sứ giả hòa giải cho những cặp khác. Theo chị, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu xưa nay đều có xung đột, nhiều khi rất căng thẳng, không bao giờ hóa giải được dẫn đến gia đình tan vỡ. Vì thế, trong bất cứ tình huống nào, mỗi người nên nhận lỗi sai, khéo léo trong ứng xử và bỏ qua cái tôi để giữ hạnh phúc gia đình, đừng để những mâu thuẫn nhỏ nhặt làm mọi chuyện trở nên xấu hơn. Và hơn ai hết, người chồng phải đứng ra làm trọng tài cho cả hai, đứng một phía sẽ làm mối quan hệ rạn nứt thêm.
Chị kể, trước đây chị cũng bị mẹ chồng xét nét vì bà quá tiết kiệm. Hồi đó, tuổi còn trẻ, mới về làm dâu nên chị tự ái, có lời nói nặng nề làm mâu thuẫn trở nên trầm trọng. Chồng chị cũng vì thế mà chiến tranh lạnh với vợ.
“Sau đó, tôi nhận thấy mình cư xử chưa khéo léo với mẹ nên đã xin lỗi. Mẹ tôi cũng nói bà không đúng khi đã quá khắt khe.Từ đó, hai mẹ con vui vẻ trở lại”. Từ chính câu chuyện của mình, chị đã nảy ra ý tưởng thành lập câu lạc bộ mẹ chồng - nàng dâu để có thể hóa giải những mâu thuẫn.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi
Phan Thân
Post a Comment