Ngày 2/12, bệnh viện đa Khoa Xuyên Á TP.HCM, cho biết vừa phẫu thuật khoan xương, tháo mủ chân trái cho bệnh nhi M.T. (9 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh).
Được biết, trước khi được đưa đến bệnh viện tình trạng sức khoẻ của bé T. khá nguy kịch. Chân trái em sưng to bất thường, đau nhức kèm theo sốt cao. Thay vì đến bệnh viện thăm khám, người nhà bệnh nhân lại điều trị bằng phương thuốc của thầy lang vườn.
Tuy nhiên, sau khi được thầy lang cắt lễ để nặn máu độc điều trị nhưng chân của T. ngày càng sưng to, sốt cao, đau đớn toàn thân.
Lúc này, gia đình T. hoảng hốt đưa em vào bệnh viện đa khoa Xuyên Á để điều trị. Lúc nhập viện, tình trạng T. rất đáng lo ngại, em sốt cao chân trái sưng to, căng cứng, tấy đỏ, đau nhức dữ dội, khiến T. không thể đi lại được.
Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật để tránh hoại tử chân, trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ đã sử dụng nhiều phương pháp như rạch da từ cổ chân đến đầu gối, nơi tụ mủ nhiều.
Chân bệnh nhi bị sưng tấy, suýt phải cắt bỏ vì đưa thầy cắt lễ nặn máu độc (Ảnh: Internet). |
Phần mủ trắng đục trào ra nhiều kèm nhiều mô hoại tử. Bác sĩ tiếp tục cắt lọc, nạo viêm, khoan xương, tháo mủ, dẫn lưu liên tục để thoát mủ và giảm áp lực trong tủy xương.
Cho tới thời điểm hiện tại, sức khỏe T. đã dần ổn định. Bé có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ CKII Phan Văn Tiếp, chuyên gia chấn thương chỉnh hình nhi - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, cắt lễ cho trẻ để điều trị đau nhức theo dân gian rất dễ dẫn đến nhiễm trùng máu. Khi điều trị sai cách có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí để lại những biến chứng nặng nề. Cách tốt nhất là gia đình nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để các bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị.
Đây không phải trường hợp đầu tiên suýt mất mạng vì tin và điều trị thuốc của thầy lang. Trước đó cũng có không ít trường hợp tương tự xảy ra.
Bàn về vấn đề trên, BS. Hoàng Mạnh Hải, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay có không ít bệnh nhân tự ý mua thuốc điều trị hoặc theo truyền khẩu tìm đến những thầy lang vườn chữa bệnh.
Cũng theo bác sĩ Hải, đây là một thói quen cần phải loại bỏ khỏi đời sống y tế, để tránh tình trạng nhẹ nhất là tiền mất tật mang. Nặng hơn, bệnh nhân phải trả giá bằng cả mạng sống.
T.Bình (t/h)
Post a Comment