Nhà cách xa thị trấn Vôi (Lạng Giang, Bắc Giang) tới 4 km, nhưng dân thị trấn này hầu như ai cũng biết danh tiếng ông Toàn, bà Nguyệt (xã Tân Hưng, Lạng Giang) người "sinh con ở tuổi 60".
Sáng sớm, ngôi nhà chìm trong lùm cây đã văng vẳng tiếng trẻ con nô đùa. Một bé trai 7 tuổi đang tranh đồ chơi của cậu bé tuổi tập đi. Nếu không biết, người ta có thể nghĩ người phụ nữ có tuổi bên cạnh là bà của hai đứa trẻ.
"Con để cuốn vở ở đây cho cậu chơi với", bà Nguyệt, 61 tuổi nói. Trong trường hợp này, "con" là đứa cháu ngoại 7 tuổi, còn "cậu" là "quý tử" 18 tháng mà bà Nguyệt vừa mạo hiểm cả tính mạng để sinh.
Video: Hạnh phúc của vợ chồng già chăm con mọn
Bà Nguyệt sinh con trai Nguyễn Trọng Khánh vào những ngày đầu xuân năm 2016, lúc bà và chồng đều 60 tuổi. Cậu bé sinh ra chỉ 2,6 kg, nhờ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn mà lên cân đều, mọi mốc phát triển đều rất sớm so với các bạn cùng trang lứa. "Trộm vía 18 tháng mà thằng bé chưa một lần ốm, sốt. Nuôi con mà dễ, chứ không khó như nuôi thằng cháu này", bà Nguyệt cho hay.
Vừa trò chuyện, ông Toàn vừa cố gắng giữ cậu con trai 18 tháng tuổi trong lòng, nhưng chỉ được chốc lát, cậu bé đã vùng ra chạy đi chơi. "Nó bé mà chắc lắm. Chiều nào hai mẹ con cũng đi bộ một vòng quanh xóm, nó thích nhà ai là chạy vào nhà đó chơi thôi", nét mặt rạng ngời, ông Toàn khoe.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi - Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn - cho hay, vợ chồng bà Nguyệt có lẽ là trường hợp cao tuổi nhất tại Việt Nam sinh con đến nay. Kỷ lục trước đó là ca sinh con khi 58 tuổi.
Vợ chồng ông Toàn, bà Nguyệt đã đi viện suốt 4 năm để sinh thêm con. |
Không như những người khác tuổi cao vẫn đi tìm con vì hiếm muộn, vợ chồng bà Nguyệt đã có con, cháu. Ông bà từng sinh hai con gái nhưng chưa bao giờ có ý định sinh thêm con. Để lo cho hai con gái tốt nhất, vào những năm 1980 ông Toàn xin nghỉ mất sức để làm kinh tế, bà Nguyệt thì công tác trong bậc tiểu học. Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi qua. Con gái lớn lấy chồng quê Thanh Hóa, con gái thứ làm trong ngành du lịch với tương lai tươi sáng. Nhưng rồi tai họa ập đến.
"Năm 2011, con gái thứ hai của chúng tôi bị ung thư máu. Con bệnh nặng và ra đi quá nhanh khiến vợ chồng tôi suy sụp hoàn toàn. Tôi từ gần 50 kg xuống chỉ còn 37 kg, chồng cũng không khá hơn", bà Nguyệt rơm rớm kể.
Nghĩ đến cảnh tuổi già không có con cái bên cạnh, vợ chồng ông bà về quê xin con nuôi nhưng không được. Họ cũng đến các bệnh viện nhờ cậy có ai bỏ rơi đứa trẻ nào để xin.
Đi lại bao lần vẫn không thể xin được một em bé, hai vợ chồng mới nảy ra ý tưởng sẽ tự sinh con. Dù thế suốt từ 2012 đến 2014, không có bệnh viện nào đồng ý nhận. Các bác sĩ còn khuyên nên từ bỏ ý định vì nếu mang thai sẽ dễ mắc tim mạch, huyết áp.
"Năm nào chúng tôi cũng đến viện nhờ cậy. Tôi còn từng đi thông vòi trứng đau suýt chết. Chúng tôi cũng đến tận Hòa Bình bốc thuốc uống, thậm chí còn làm lễ xin bề trên mất mấy chục triệu", bà kể thêm.
May thay lúc đến một bệnh viện ở Hà Nội, các chỉ số sức khỏe của hai vợ chồng bà vẫn tốt nên các bác sĩ nhận làm thụ tinh ống nghiệm. Bà Nguyệt vẫn còn nhớ mãi lần đến viện lấy trứng. "Tôi nằm mơ thấy có một người đẩy chiếc xe cút kít có rất nhiều mầm cây. Ý định trong đầu tôi sẽ mua hai mầm, nhưng đến lúc ra mua tôi lại nói bán cho một mầm to, mập nhất", bà kể.
Niềm vui vỡ òa khi hơn hơn một tháng sau bà Nguyệt đậu thai.
Mang thai lúc 60 tuổi, bà Nguyệt đã đối mặt với rất nhiều lần nguy hiểm tính mạng. |
Tuy vậy, có bầu tuổi già khiến nhà giáo về hưu này đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Thai nhi được ba tuần, bà bị đau bụng, ra máu. Xuống viện chỉ 2 tiếng sau khi có triệu chứng nhưng suýt nữa đã không giữ nổi thai. Từ đó bà Nguyệt phải nằm bất động và tiêm thuốc suốt ba tháng liền.
Ông Toàn - lúc đó là hội trưởng sinh vật cảnh của huyện đã ủy quyền toàn bộ công việc cho người khác và dừng luôn việc chăn nuôi - để ở nhà cơm bưng, nước rót tận giường cho vợ. Ở những nơi bậc thềm, bậc cầu thang ông cũng làm trượt lên xuống đảm bảo cho vợ đi thật nhẹ nhàng.
Niềm vui chưa được bao lâu thì bà cảm thấy trong người khó chịu. Lúc nhập viện bà bị huyết áp cao, nhiễm độc thai nghén và nguy cơ bị sản giật. Nhờ phát hiện kịp thời và hỗ trợ nhiệt tình từ các đội ngũ y, bác sĩ, mọi nguy cơ đều được hóa giải vào giây phút cậu bé Trọng Khánh chào đời, lúc 37 tuần. Bà Nguyệt hoàn toàn khỏe mạnh và có sữa ngay sau ca mổ.
"Vì tôi cao tuổi nên được các bác sĩ chú ý lắm. Đến ông giám đốc Bệnh viện Phụ sản Bắc Giang còn ngạc nhiên và đùa 'Chắc bà là người giỏi nhất Việt Nam'", bà cười, khuôn mặt càng thêm phúc hậu vì khi mang bầu đã tăng thêm được vài kg.
Cậu bé 18 tháng tuổi được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn nên dù không bụ bẫm nhưng rất cứng cáp. |
Chị Huyền, con gái của bà cho hay, chị không hề biết ý định sinh con của bố mẹ, cho tới lúc mẹ mang bầu được 3 tháng. "Nghe tin qua người khác nhưng tôi không hề giận mà vô cùng hạnh phúc. Việc đầu tiên tôi làm là đi mua sữa bầu và quần áo cho mẹ", chị nói.
Ông Toàn cho biết thêm, nhiều người biết tin ông bà có con đều gọi điện chúc mừng, nhưng cũng có một số người lo ngại việc ông bà tuổi đã cao, không biết còn sống được bao lâu để lo cho con. "May thay trời phú cho vợ chồng tôi sức khỏe, chúng tôi vẫn lao động được để có một khoản tiết kiệm cho con sau này", ông nói.
Ngôi nhà họ đang ở sắp tới sẽ bị đường quốc lộ chạy qua, chỉ còn hơn 2.000 m2 đất làm trang trại phía sau. Ông Toàn đang xây một ngôi nhà khác ngoài thị trấn để sau này cho vợ con sống. Bản thân ông vẫn dành phần lớn thời gian trong ngày làm trang trại và chăm sóc cây cảnh để lo kinh tế cho gia đình.
Phan Dương
Post a Comment