Nhắc đến nghề bếp, chúng ta thường nghĩ ngay đến công việc phụ bếp, đầu bếp, bếp trưởng hay quản lý bếp. Ngoài những vị trí trên, food stylist cũng là một nghề “hái ra tiền” ở nước ta hiện nay.
Đã bao giờ bạn say sưa dành cả một buổi tối chỉ để ngắm những bức hình về các món ăn? Đã bao giờ bạn muốn chạy ngay ra cửa hàng để mua một ly nước nào đó chỉ vì trông thấy những hình ảnh quảng cáo của chúng quá đẹp? Để cho ra lò những sản phẩm vừa nhìn thôi đã thấy thèm như thế, chính nhờ vào bàn tay phù phép của những food stylist.
Food stylist – Hơn cả một nghệ thuật
Nếu ví ẩm thực như một bộ môn nghệ thuật thì food stylist chính là người tạo ra nghệ thuật của nghệ thuật. Một món ăn được xem là hoàn hảo khi nó chinh phục được vị giác và thị giác của người thưởng thức. Sẽ có một người đứng ra trang trí món ăn, tìm cách sắp xếp, trình bày bố cục sao cho khi lên hình, sản phẩm sẽ đạt được độ mãn nhãn cao nhất, kích thích được giác quan của người xem nhất. Và đó không ai khác ngoài food stylist.
Food stylist có thể hiểu là người trang trí, định hình phong cách cho món ăn. Trước hết, những người làm công việc này cần phải có óc tưởng tượng phong phú để nghĩ ra bối cảnh lên hình món ăn đẹp nhất. Tiếp theo đó, sau khi đã nhận món ăn, food stylist cần phải lựa chọn nguyên liệu, phối hợp màu sắc và bài trí theo chủ đề nhất định để làm nổi bật lên món ăn chính.
Không đơn giản là một món ăn được trang trí đẹp mắt,
đó còn là một tác phẩm nghệ thuật dưới bàn tay của food stylist
Tại Việt Nam, food stylist còn khá mới mẻ nhưng trên thế giới, đây là một công việc được rất nhiều người theo đuổi. Nó không chỉ là cách để người đầu bếp, người đam mê ẩm thực thể hiện màu sắc cá nhân, thể hiện khả năng sáng tạo, sắp xếp nguyên liệu mà còn giúp họ mang về nguồn thu nhập lớn. Chính vì vậy, dù là “một đứa em non nớt” nhưng food stylist cũng đã bắt đầu kích kích, hấp dẫn các đầu bếp trẻ Việt Nam, khiến họ có nhiều động lực để theo đuổi công việc này hơn.
Học nghề bếp có thể trở thành một food stylist?
Một họa sĩ nhất định phải biết vẽ, một ca sĩ nhất định phải biết hát. Tương tự như thế, một food stylist nhất định phải có kiến thức về ẩm thực. Thực tế đã chứng minh, những người đã từng học qua nghề bếp hoặc từng làm các công việc liên quan đến nghề bếp như phụ bếp, đầu bếp, quản lý bếp… khi lấn sân sang lĩnh vực food stylist đều có những lợi thế nhất định để dễ dàng thành công.
Để có được những hình ảnh ẩm thực hoàn hảo nhất, người “trang điểm” cho món ăn cần phải biết cách lựa chọn nguyên liệu và xử lý món ăn sao cho món ăn giữ được màu sắc tươi tắn, không bị biến dạng hoặc biến chất. Ngoài ra cũng cần phải có kiến thức chuyên môn về ẩm thực, am hiểu về văn hóa các món ăn từ nhiều vùng miền khác nhau để hiểu được chủ đề mà mình sẽ thực hiện, để có cách phối màu hợp lý. Chính vì những yêu cầu rất khắt khe liên quan đến ẩm thực này mà những người đã học và làm nghề bếp là những người phù hợp nhất để trở thành một food stylist chuyên nghiệp.
Food stylist cần có những am hiểu nhất định về nguyên liệu, cách chế biến, văn hóa ẩm thực vùng miền…
Hằng ngày được tiếp xúc với các món ăn và làm đẹp cho chúng là một công việc rất thú vị. Không những thế, nghề food stylist cũng được xem là nghề hái ra tiền. Với tay nghề cao, họ hoàn toàn có khả năng kiếm được 300 – 500 USD/ hình và lên tới 3.000 USD cho một ngày lao động bằng chính những sản phẩm mang đậm thương hiệu, chất xám của mình. Đây là con số đáng mơ ước, không phải ngành nghề nào cũng có thể làm ra được.
Ẩm thực là một thế giới muôn vẻ, muôn màu mà dường như không ai có thể khám phá hết. Nếu bạn yêu thích sự đa dạng của những món ăn, bạn luôn bị thu hút bởi sự đặc sắc của các loại nguyên liệu nấu nướng, và bạn là người có khả năng tạo ra những hình ảnh ngon từng milimet cho chúng, vậy thì food stylist chính là tương lai rộng mở dành cho bạn.
Hãy mạnh dạn khám phá, học hỏi và thể hiện khả năng của bản thân mình, bạn sẽ sớm gặt hái được thành công ngoài mức tưởng tượng từ công việc food stylist!
Post a Comment