Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Đàm Thị Ngọc Anh, bà mẹ hai con ở Hà Nội, về khả năng nói tiếng Anh khác nhau của hai con khi các bé học tiếng Anh ở thời điểm và bằng phương pháp khác nhau, phản biện lại ý kiếnkhuyên cha mẹ tới lớp 10 mới cho con học tiếng Anh.

Tôi có 2 con, cháu lớn 17 tuổi, cháu nhỏ 5 tuổi. Tôi bắt đầu cho con lớn làm quen tiếng Anh lúc cháu 2 tuổi rưỡi. Có lần, khi cháu gần 4 tuổi, tôi dẫn con đi theo lúc gặp sếp người Đan Mạch. Thấy con tôi nói líu lo tiếng Anh, vị này - vốn là một giáo sư ngành nhân chủng học - khuyên tôi rằng nên cho con thạo tiếng Việt trước, sau đó mới dạy ngôn ngữ khác. Nghĩ rằng lời khuyên của một chuyên gia như vậy thì chắc chắn là đúng, tôi đã dừng cho con học tiếng Anh. 

Bẵng đi vài năm, tới khi học lớp 1, cháu mới làm quen lại với ngoại ngữ. Lúc này, đây đã là một môn học và cháu tỏ vẻ không thích. Vốn là dân phiên dịch, tôi tự tin với khả năng tiếng Anh của mình nhưng cũng không đủ kiên nhẫn để dạy con. Có định hướng cho con đi du học từ bé, tôi càng kỳ vọng con học tốt ngoại ngữ này, nhưng càng dạy, bé càng tỏ ra chống đối, học tiến bộ chẳng đáng kể. Cuối cùng, khi con lên lớp 6, tôi phải cho bé theo học giáo viên bên ngoài.

thanh-qua-khac-biet-cua-ba-me-khi-cho-2-con-hoc-tieng-anh-som-muon

Ảnh minh họa: Autodo.

Rút kinh nghiệm sâu sắc từ con trai đầu, khi sinh bé thứ 2 - cách cậu anh 12 tuổi - tôi đã đọc rất nhiều tài liệu về dạy con tiếng Anh từ nhỏ, tham khảo cách những người nổi tiếng giáo dục con. Điều tôi đúc rút ra là "không có chiếc áo nào vừa với tất cả mọi người" - chẳng có cách dạy nào đúng với mọi đứa trẻ. Tôi phải tự "cắt may chiếc áo" cho con mình để phù hợp với thời gian của bà mẹ đi làm và ngân sách hạn hẹp của gia đình. 

Từ lúc bé 5 tháng tuổi, tôi đã "nhúng" con vào môi trường ngoại ngữ: ngày nào cũng nghe nhạc, bài hát tiếng Anh cho trẻ em, mẹ nói chuyện, đọc sách cho con bằng tiếng Anh. Cứ như thế, lúc con một tuổi, một lần tôi hỏi con bằng tiếng Anh xem hôm nay bé thích nghe đĩa nào thì con bật nói "An apple" (một quả táo), "a bicycle" (một cái xe đạp)... Đó là thời điểm tôi biết mình đã đi đúng hướng. Tiếp tục như vậy, bé dần thể hiện sự say mê tiếng Anh. Con nghe, hiểu, nói tốt và dùng tiếng Anh để học những kiến thức khác, về toán, thiên nhiên, vũ trụ... 

Đặc biệt, tiếng Anh và tiếng Việt của con phát triển song song, cháu không hề bị lẫn hai thứ tiếng với nhau. Khi con đang nói chuyện với bố bằng tiếng Việt, mẹ hỏi bằng tiếng Anh thì lập tức con sẽ trả lời bằng ngoại ngữ này. Tôi chỉ thấy một lần duy nhất, con bí từ ở ngôn ngữ này thì có thể sử dụng từ vựng của ngôn ngữ khác thay thế, chẳng hạn: Mẹ hỏi "Con đang làm gì thế", bé nghĩ một hồi không ra từ tiếng Việt để chỉ việc mình làm, bèn nói "I am digging" (Con đang đào đất). Những khi ấy, mẹ sẽ chỉ ra từ tiếng Việt con chưa biết là "đào". 

Thực tế, tôi từng gặp một số bố mẹ vì ham dạy con tiếng Anh quá, quên cả nói tiếng Việt với trẻ khiến con không nói được ngôn ngữ mẹ đẻ. Đó là điều không nên. Ở nhà, tôi và bố cháu vẫn nói với con tiếng Việt, tôi hát ru con bằng tiếng Việt, ngoài những lúc trò chuyện bằng tiếng Anh. 

Sau quá trình dạy hai con trai, đến nay tôi đã thấy rõ sự khác biệt giữa các cháu: Cháu lớn tiếng Anh cũng tốt (cháu đã thi đỗ học bổng và đang học tại Singapore) nhưng điểm yếu là mỗi khi muốn nói một câu tiếng Anh thì phải dịch trong đầu (tuy không lâu). Còn cháu bé nếu muốn nói bằng tiếng Anh là cháu nói ra luôn kiểu ngôn ngữ mẹ đẻ. Còn về giọng (accent) và phát âm (pronunciation) thì cả 2 anh em đều phát âm đúng (vì tôi khá khắt khe với con trong việc này) nhưng accent của cháu bé hay hơn cháu lớn. Cháu lớn nói tiếng Anh trôi chảy nhưng vẫn nói kiểu Vietnamese-English còn cháu bé thì American-English.

Vậy nên, từ kinh nghiệm và thực tiễn của gia đình, tôi thấy rằng nếu bố mẹ có điều kiện thì nên cho con tiếp xúc tiếng Anh càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, với các cháu bé thì chỉ ở dạng nói theo phản xả thôi chứ không thể chuẩn về ngữ pháp, chờ cháu lớn thêm và có ý thức rồi mới dạy ngữ pháp được.

Hè vừa rồi, khi gia đình tôi đưa bé em sang Singapore thăm anh trai, cháu đi chơi, trò chuyện với bất cứ ai bằng tiếng Anh một cách rất tự nhiên. Bé đam mê ngôn ngữ này và nói thành thạo dù chưa thực sự phải "học" một ngày nào. Hiện tại, muốn biết kiến thức gì, con sẽ tự lên Youtube tìm bằng tiếng Anh và tìm hiểu bằng ngôn ngữ này. 

Đàm Thị Ngọc Anh

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top