Bài viết dưới đây là chia sẻ trên Scary Mommy của anh Clint Edwards, ông bố 3 con đang sống tại Oregon, Mỹ về việc tạo sân chơi giúp trẻ phát triển trí tuệ và tự do khám phá. Anh là tác giả một cuốn sách hài hước về nuôi dạy trẻ và thường xuyên viết báo, viết blog về các đúc kết trong quá trình làm cha của mình.
Hai tuần trước, cậu con trai 10 tuổi Tristan và tôi chế tạo một chiếc xe mô hình. Con muốn sơn chiếc xe nên vợ tôi đưa cho bé hai lọ xịt sơn. Con ra sau vườn và 30 phút sau trở lại thì lọ sơn hết sạch trong khi từ bàn chân tới đầu gối con phủ màu xanh lá. Con háo hức hỏi xin thêm sơn.
Sau đó kiểm tra, tôi mới phát hiện con đã sơn sân cỏ sau vườn như sân bóng. Con cũng sơn vài cái gậy, mấy tấm bảng và cả cây đào, cùng chiếc xe mô hình. Đó dường như là trò vui nhất con từng chơi mà không cần chiếc iPad.
Việc này nhắc tôi nhớ tới tuổi thơ của chính mình ở trung tâm bang Utah. Tôi lớn lên bên trang trại bò của ông nội và phần lớn tuổi thơ được chơi tự do. Tôi tha thẩn quanh các chuồng bò và đi dọc các cánh đồng mà không có người lớn nào theo sát. Tôi cũng có đồ chơi nhưng chẳng gì thích thú bằng những bờ rào cũ và các nông cụ hỏng nằm chỏng chơ trên nông trại của ông.
Anh Clint Edwards cùng vợ và các con. Ảnh: Byclintedwards. |
Nhưng đó là hồi những năm 1980. Ngày nay, để cậu con trai 10 tuổi của mình tự do rong chơi như tôi trước kia, ít hay nhiều, đều bị coi là thiếu quan tâm tới con cái.
Tuy nhiên, tôi đã học được rất nhiều điều khi khám phá những thứ bỏ đi trong nông trại của ông. Tôi đã sử dụng trí tưởng tượng của mình và chẳng bị phụ thuộc vào màn hình hay bố mẹ để tìm vui.
Nhưng con tôi không có được cơ hội khám phá như thế. Chúng tôi sống ở vùng ngoại ô của một thị trấn nông thôn. Vườn nhà tôi rất nhỏ và cũng chẳng có dụng cụ gì nằm quanh đó. Con tôi cũng có hàng triệu thứ khác thu hút hơn.
Tôi nghĩ lý do mình quá đỗi ngạc nhiên về việc con trai cực kỳ thích thú với lọ sơn là vì, trước đó, tôi cứ mặc định rằng con thích chơi game hay xem người ta sơn đồ trong các chương trình trên Youtube hơn là thực sự tự làm việc đó. Nhiều bố mẹ hiện đại cũng gặp vấn đề này - và điều ấy đã ngăn cản con cái khám phá thế giới xung quanh.
Sân chơi toàn đồ bỏ đi
CBS News mới đây vừa chiếu chương trình về một sân chơi trên đảo Governors ở New York. Ở đó, trẻ có không gian tự do để chơi mà không ai quản lý. Những nhân viên khu vui chơi phi lợi nhuận này đóng vai là những người cứu hộ, chỉ trông chừng các nguy hiểm chứ không can thiệp gì vào hoạt động của trẻ.
Bố mẹ được dành cho một chỗ ở xa để ngồi và nhìn con, phía trước là biển báo "Người lớn hãy ngồi lui lại và thư giãn".
Sân chơi như một bãi phế liệu được trẻ em vô cùng thích thú ở đảo Governors ở New York. Ảnh: CBS News. |
Trong sân chơi đó có đầy những chiếc lốp xe cũ, hàng rào gỗ, ống cuộn cáp, búa và các dụng cụ khác, rồi cả tỉ thứ đồ trang trí lặt vặt. Nhìn cảnh này, người ta dễ nhầm rằng đây là bãi phế liệu do trẻ em bày bừa ra. Tuy nhiên, kiểu chơi tự do này lại thực sự có lợi cho sự phát triển của trẻ. Và quan trọng hơn, lũ nhóc rất yêu thích nó.
Roger Hart, giáo sư về tâm lý môi trường tại Đại học thành phố New York cho biết: "Sân chơi như vậy có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển trí tuệ, giao tiếp xã hội, phát triển cảm xúc, thể chất của trẻ. Chơi là chỉ số tuyệt vời về sức khỏe. Đó là nơi trẻ tạo ra thế giới riêng và học cách hiểu chính mình.
Chơi xây và phá là một phần quan trọng trong sự phát triển các kỹ năng trí tuệ cũng như vận động thiết yếu. Tuy nhiên, sân chơi thông thường chứa những "đồ cố định" khiến trẻ ít có cơ hội được xây, tạo hay phá.
Vậy bố mẹ nên làm gì?
Tôi từng mua cho con trai nhiều đồ chơi đắt tiền, kêu inh ỏi khi bé tuổi chập chững và phát hiện ra rằng nhiều khi con thích chơi với cái hộp hơn là món đồ bên trong. Điều này có thể lý giải vì sao trẻ thích chơi với những đồ bỏ đi. Hãy để cho trẻ khoảng tự do để khám phá. Cho con ra vườn với vài lọ sơn xịt, để con một mình và xem điều gì xảy ra. Cách chơi này giúp trẻ có cơ hội xây và phá, sử dụng trí tưởng tượng theo cách vốn rất bình thường nhưng nay đang bị tước đi bằng các cách gọi hoa mỹ là sự an toàn và hiệu quả.
Điều đó có nghĩa là là bố mẹ hãy lùi lại một chút, kể cả khi con có vẻ đang làm điều điên rồ và cho phép trẻ ra ngoài kia, có thể xây xước đầu gối, bị vướng vài mảnh dằm, lấm bẩn. Rõ ràng là có rất nhiều lợi ích từ các kiểu chơi đó hay những sân chơi đầy phế liệu, vì thế hãy đặt các thiết bị điện tử xuống và cho con ra ngoài chơi.
Vương Linh
Post a Comment