Không ai ăn lòng cá
Chị Nguyễn Thị Thuỷ trú tại Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết nhà chị hay ăn cá nhưng bất cứ loại cá nào chị cũng bỏ ruột không lấy tý nào vì chị nghĩ ruột cá đắng và bẩn nên không ăn. Thậm chí, cá nhỏ xíu chị Thuỷ cũng phải làm mọi cách lấy hết được mỡ ra. Không chỉ thế, các loại cá nhà chị Thuỷ đều không ăn da vì chị thấy da cá có vẻ tanh.
Không chỉ riêng chị Thuỷ mà 100 % bà nội trợ đều bỏ ruột cá đi, cá càng to càng bỏ sạch ruột. Tâm lý sợ tanh, sợ đắng và sợ thức ăn của cá tồn dư trong ruột nên lúc nào mua cá chị cũng bỏ ngay cỗ lòng cá đi không thương tiếc.
Chị Mai Thị Vinh bán cá tại chợ Hà Đông, Hà Nội cho biết mỗi ngày chị bán khoảng hai tạ cá và người mua không ai lấy lòng cá cả. Những loại này thường gom lại bán cho người mua về cho lợn, cho gà ăn.
Ngay bản thân chị Vinh nhiều lần mổ những con cá rất to ngon nhưng chị cũng không lấy lòng của nó. Rất hiếm khách xin lại cỗ lòng cá mang về làm lại. Một phần việc tách lòng cá lâu, lích kích, một phần mọi người nghĩ lòng cá bẩn.
Ảnh minh họa. |
Theo các chuyên gia, lòng cá vừa ngon vừa bổ dưỡng nhưng nhiều người thường vứt ngay khi mổ cá.
Trong khi đó, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng lòng cá là món vô cùng bổ dưỡng của con cá, nơi chứa nhiều chất béo giúp phát triển trí não, trí thông minh của trẻ.
Trong lòng cá, gan và trứng là hai bộ phận rất tốt cho cơ thể mà không chứa đựng các yếu tố độc hại. Không những thế, gan cá còn chứa lượng cholesterol cao hơn so với động vật trên cạn.
Đặc biệt, với các loại cá hiếm như cá hồi, cá đuối, bạn càng không nên bỏ qua món ăn hấp dẫn từ gan cá. Gan cá thường được chưng cách thủy với hạt tiêu giúp bổ phổi sáng mắt. Trẻ con bị còi được bồi dưỡng món này sẽ nhanh cao lớn.
Bổ dưỡng mật mỡ
PGS Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết bà thấy tiếc khi người dân vứt bỏ cỗ lòng cá đi và không ăn da cá. Đó là thói quen lãng phí, chúng ta đang vứt bỏ đi những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời không gì bù đắp được.
PGS Mai cho biết các cụ ta thường nói đẹp vàng son, ngon mật mỡ nhưng chúng ta đang bỏ qua nó. Người dân đang sợ mỡ vì nghĩ nó ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nhà nào cũng ăn dầu thực vật nhưng hiếm có gia đình nào có bát mỡ ở nhà đây là quan điểm sai lầm.
Theo PGS Mai chất béo cấu tạo 60 % não và nó đến từ 3 loại chất béo khác nhau chất béo bão hoà có trong mỡ, chất béo bão hoà đơn (không no trong các dầu thực vật) chất béo trong dầu cá từ mỡ cá là chính. Và chất béo chính là chất để quyết định việc hình thành não và trí thông minh của mỗi người.
PGS Mai lo ngại thói quen không ăn mỡ động vật là điều không hợp lý trong việc hình thành và phát triển não. Đặc biệt, bà bầu đang mang thai rất ngại ăn cá và các chất béo. Tuy nhiên họ không biết rằng các axit béo cần thiết là omega 3 và omega 6 chỉ đến ở dầu cá.
Acid béo omega 3 và omega 6 là chất béo thiết yếu cho hoạt động của cơ thể, tuy nhiên, cơ thể lại không thể tự tổng hợp được nó. Do đó, việc đáp ứng nhu cầu cơ thể đối các loại chất béo này hoàn toàn phụ thuộc từ thức ăn cung cấp.
Ảnh minh họa. |
Omega3 trong cơ thể chuyển thành DHA quyết định trí thông minh của trẻ nhỏ ngay từ trong bào thai, Omega 3 có trong máu của mẹ truyền cho con qua nhau thai. Qua 180 ngày tuổi chúng ta phải bổ sung các thức ăn có chứa omega3 như dầu cá, mỡ cá. Vì thế phải ăn hết cả mỡ cá, gan cá để cơ thể tự tổng hợp omega3.
Ngoài ra, PGS Mai còn khuyến cáo thêm: Chúng ta bỏ qua mỡ cá nhưng lại sử dụng chất béo không tốt trong các thực phẩm khác ví dụ như chất béo trong các bánh gato. Loại bánh này có các phần kem như kem phun, tạo hoa, tạo kiểu trên bánh gato sử dụng chất béo dầu thực vật bị bẻ gẫy, gây biến đổi thành phần và tạo ra chất béo không có lợi cho sức khoẻ.
Theo PTS Mai, chất béo rất cần thiết cho cơ thể. Đối với mỡ động vật, chúng ta nên ăn đúng cách hơn là bỏ chúng đi một cách lãng phí.
Theo Trí Thức Trẻ
Post a Comment