Nếu bạn luôn đặt tiền lên trên hết, nếu vợ chồng bạn không trung thực với nhau về các khoản thu chi... thì rất có thể hôn nhân của bạn sẽ chấm dứt.
Tiền bạc là một công cụ tuyệt vời trong cuộc sống gia đình nhưng nó cũng có thể phá hỏng hôn nhân. Dưới đây là 5 cách tiền bạc có thể phá hỏng mối quan hệ vợ chồng, theo cảnh báo của asiaone, bạn cần lưu ý:
Ảnh: business.asiaone.com |
1. Coi tiền quan trọng hơn người bạn đời
Mọi người đều biết tiền rất quan trọng, không có tiền, chúng ta không thể sống nổi trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, nếu bạn luôn nghĩ về tiền trước người bạn đời, hôn nhân của bạn sẽ gặp khó khăn. Tiền bạc không thể thay thế tình yêu và những nhu cầu mà hai vợ chồng mong muốn ở nhau.
Tất nhiên có những trường hợp cả hai vợ chồng đều nghiện công việc với mục đích kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Thế nhưng, nếu họ quên chăm sóc yêu thương nhau thì cuộc hôn nhân của họ rõ ràng cũng không được trọn vẹn và khỏe mạnh.
2. Không trung thực về tình trạng tài chính của mình
Niềm tin là điều vô cùng quan trọng, trong bất kỳ khía cạnh nào của mối quan hệ, cả hai đều cần sự tin tưởng lẫn nhau. Nếu không hoàn toàn trung thực về tình trạng tài chính của mình, làm sao bạn lại đòi hỏi người kia trung thực với mình, làm sao cả hai cùng thảo luận về kế hoạch tổ chức đám cưới hoặc tham gia vào một dự án kinh doanh trong tương lai.
Phải chăng bạn đang tiêu nhiều hơn so với những gì bạn cho người bạn đời của mình biết? Bạn đang có một khoản nợ tín dụng bí mật? Bạn không muốn cho người bạn đời biết bạn thực sự kiếm được bao nhiêu tiền?
Mặc dù minh bạch tài chính không phải điều dễ làm nhưng phải làm để tránh bất kỳ khả năng tàn phá hôn nhân nào. Đừng giấu diếm để rồi sợ hãi, xấu hổ hay oán giận nhau.
3. Hai người không cùng nhau đưa ra các quyết định liên quan đến tiền
Tất nhiên, không ai yêu cầu bạn phải tham khảo ý kiến người khác khi mua một ly cà phê, một suất ăn trưa. Bạn có thể tự quyết định những chi tiêu nhỏ, nhưng với những khoản lớn (và thường là quan trọng) thì cần thiết phải bàn bạc với nhau: ví dụ các mục tiêu tài chính, khoản tiết kiệm và đầu tư, thời điểm mua nhà hoặc sinh con...
Nếu các bạn chưa sẵn sàng thảo luận và đồng lòng đưa ra những quyết định lớn về tài chính thì hãy hành động và bắt đầu ngay từ bây giờ. Hẳn chính bạn cũng không muốn im lặng và bỏ qua những gì đang xảy ra với khoản tiền bạn khó nhọc mới kiếm được trong tài khoản tiết kiệm chung của hai người?
4. Những lời nói dối nhỏ sẽ dẫn đến những lời nói dối lớn hơn
Điều này mở rộng nội dung thứ hai, khẳng định tầm quan trong của sự tin tưởng lẫn nhau. Lời nói dối dù lớn như thế nào (ví dụ bạn đang mắc nợ bao nhiêu) hoặc nhỏ thế nào (chi phí sửa móng tay móng chân) đều có thể dẫn đến sự dối trá nhiều hơn và do đó cả hai sẽ phải căng thẳng "chiến đấu" với nhau hơn.
Qua thời gian, khoảng cách giữa hai bên sẽ ngày càng kéo giãn ra. Khi không ai chịu làm gì để giảm bớt các vấn đề xấu, tình yêu sẽ ra đi. Nếu vợ chồng bạn liên tục nói dối nhau thì bạn đừng ngạc nhiên khi một ngày nào đó, cả hai buộc phải chia tay nhau.
5. Cãi vã vì chênh lệch thu nhập
Trong chuyện này có thể có hai kịch bản:
Một, bạn có thể là người kiếm ít tiền hơn, bạn thường xuyên phải nghe những lời chỉ trích rằng bạn đã chọn công việc hoặc nghề nghiệp không phù hợp.
Bạn có thể theo đuổi giấc mơ của mình, làm những gì bạn thích dù nó không mang lại cho bạn nguồn thu nhập tốt nhất nhưng nó khiến bạn hạnh phúc và hài lòng. Nếu người bạn đời tuyên bố rằng anh ấy (cô ấy) ủng hộ bạn trong những việc bạn làm để kiếm sống nhưng cuối tháng lại rên rỉ vì bạn chỉ làm ra ít tiền, thì chính anh ấy (cô ấy) đang làm hỏng mối quan hệ của hai người.
Hai, bạn có thể là người kiếm nhiều hơn và bạn cảm thấy người bạn đời đóng góp không đủ cho chi tiêu trong gia đình. Tốt nhất, cả hai hãy cố gắng thảo luận, đừng để mọi việc kết thúc trong một cuộc tranh cãi.
Kim Anh
Post a Comment