Đi làm về, thấy đống bát để trong bồn vẫn chưa rửa, Duyên viết giấy dán lại "bát chưa rửa thì không có cơm ăn đâu, tớ ra ngoài với bạn".
Duyên, 26 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội kể, cô và chồng đã phân công đều các việc nhà từ trước cưới: Nếu vợ nấu cơm thì chồng rửa bát, vợ lau nhà thì chồng đổ rác, vợ giặt thì chồng phơi... "Chỉ được một tháng đầu, chồng có vẻ rất chăm chỉ, thậm chí nhiều khi còn tiện tay làm giúp luôn việc của vợ. Thế nhưng, dịp này, hình như nghe bạn bè rỉ tai là chăm quá vợ sẽ lười, ông ấy đâm chây ì, bát không thèm rửa, rác chẳng chịu đổ", Duyên kể.
Để trị lại chồng, Duyên thực hiện phương châm "anh sao tôi vậy". Thế là, sau hai lần chồng không phơi đồ, cô chỉ cho quần áo của mình vào máy giặt, mặc kệ đồ của chồng. Anh không rửa bát, cô cũng chẳng nấu cơm. Chồng không đổ rác, vợ để nhà bẩn, đi dép trên sàn luôn... Thế nhưng các chiêu này có vẻ không hiệu quả. Chồng Duyên tỏ ra bất cần. Đi làm xong, anh không về nhà mà đi nhậu với bạn tới khuya. "Vừa mới cưới anh ta đã như thế này thì không hiểu khi có con cái vào rồi sẽ thế nào. Mình không muốn trở thành osin cho chồng suốt đời", Duyên thổ lộ và nói về lý do cô muốn đường ai nấy đi sau chưa đầy ba tháng cưới.
Ảnh minh họa: Theguardian. |
Vợ chồng chị Trà (Gia đình, Hà Nội) thì lục đục liên miên vì chuyện đối đãi với gia đình hai bên. Chị Trà kể, cưới nhau được 3 năm nhưng chồng chị hầu như chẳng bao giờ quan tâm đến nhà vợ, có tiền hay quà biếu chỉ chăm chăm cho bố mẹ đẻ. Thấy quá bất công, chị cũng đáp ngược lại: mua sắm đồ cho bố mẹ mình, nhà nội có công việc gì như giỗ, Tết, hiếu hỉ... chị cũng "chẳng tội gì chăm lo cho mệt".
Nhà tư vấn tâm lý Vũ Tuyết Anh, Trung tâm tư vấn tâm lý Linh Tâm, Hà Nội cho biết, việc phân chia việc nhà giữa vợ chồng từ trước khi kết hôn như trường hợp của Duyên là tốt vì nó khuyến khích nam giới tham gia các công việc nội trợ - những phần việc lâu nay vốn bị coi là của phụ nữ. Nhưng nếu phân công kiểu rạch ròi, cứng nhắc: Chồng làm cái này thì vợ làm cái kia, nếu chồng không làm thì vợ cũng thôi... là chị em đang đấu tranh theo hướng không tích cực. Khi đó, mọi việc trong nhà có sự phân công như một bộ máy chứ không có sự yêu thương chia sẻ tự nguyện. Trong khi đáng lẽ việc phân công nhau mỗi việc trong nhà là nhằm giúp bên này thấu hiểu được sự vất vả, trách nhiệm của bên kia chứ không phải nhằm để tính toán thiệt hơn: tôi làm 5 thì anh phải bằng thế.
Đặc biệt, trong cách đối xử với gia đình hai bên thì báo hiếu là việc nên làm, thể hiện trách nhiệm, tình cảm của con cái với cha mẹ. Nếu chồng không quan tâm đến nhà ngoại và vợ cũng đối đãi y như vậy với nhà nội thì vô tình chị em đã tự hạ thấp cách cư xử của mình xuống một bậc để so đo với chồng và rõ ràng cách này sẽ chẳng mang lại kết quả gì tốt.
Theo bà, thay vì hành xử theo kiểu "anh sao tôi vậy", vợ chồng cần có sự chia sẻ dựa trên hoàn cảnh riêng của gia đình mình và lôi kéo nửa kia vào việc nhà cũng như đối nội, đối ngoại dựa trên sự yêu thương và thông cảm cho nhau. Nếu chồng chưa hợp tác tốt, chị em cần có sự kết hợp linh hoạt giữa mềm dẻo khéo léo và cả cứng rắn khi cần thiết. Nên dùng lời nói hoặc hành động khuyến khích hơn là áp đặt và kể cả khi người ấy làm chưa tốt hoặc làm sai thì vợ/chồng cũng không nên chê bai hay dùng lời lẽ mỉa mai hoặc làm hộ.
Đồng quan điểm trên, nhà tâm lý Nguyễn Kim Ngân chia sẻ, bình đẳng trong gia đình không có nghĩa là chồng gọt bí thì vợ băm bầu, chồng giặt thì vợ phơi, chồng nấu thì vợ rửa bát... mà đó là việc cả hai đều có quyền, trách nhiệm và được hưởng thụ ngang nhau về mọi mặt cuộc sống, dựa trên mong muốn và sở trường của mỗi người. Như vậy, vợ kiếm tiền giỏi thì có thể cứ đi làm mà không bị đánh giá là "gà mái gáy". Còn chồng, nếu trông con khéo, cơm nước đảm thì có thể ở nhà nội trợ mà không bị nhận xét, dè bỉu là đụt và "không đáng mặt nam nhi".
"Từng làm công việc tư vấn lâu năm, tôi thấy thực sự tiếc khi gặp một số gia đình không thể hạnh phúc chỉ vì hai vợ chồng so bì lẫn nhau. Chẳng hạn, chị vợ có chí tiến thủ, kiếm được nhiều tiền trong khi anh chồng chỉ thích làm việc nhàn, hết giờ là làm vườn và chơi với con. Chị vợ cảm giác bức bối vì thấy đáng lẽ chồng là trụ cột thì phải kiếm tiền chính trong nhà. Còn anh chồng lại ngột ngạt vì vợ cứ bắt anh phải chứng tỏ bản lĩnh đàn ông trên thương trường trong khi anh không có khả năng và không mong muốn. Các con của anh chị mệt mỏi vì bố mẹ hay cãi nhau nên rất hay cãi mẹ và thiếu tôn trọng bố. Vậy đó, đáng nhẽ cả nhà nên hạnh phúc vì có nguồn thu nhập tốt và có người thích chăm sóc gia đình thì lại hóa ra đều đau khổ, bất hạnh vì theo họ 'người cần giỏi thì không giỏi, người không cần giỏi thì lại cứ giỏi'", bà Ngân chia sẻ.
Vương Linh
Post a Comment