Cả hai người vợ đó, anh đều không đăng ký kết hôn nhưng đã tổ chức đám cưới.
Tôi 22 tuổi, mới tốt nghiệp đại học, quen anh qua một trang web kết bạn. Anh 37 tuổi, ngoại hình ưa nhìn, có sự nghiệp, có nhà cửa và gia đình khá giả. Anh đối với tôi rất tốt, đàng hoàng, lịch sự. Chúng tôi nói chuyện rất hợp.
Khi hẹn hò, anh hay đưa tôi về thăm gia đình. Anh kể chưa kết hôn nhưng có một con riêng, bé nay 4 tuổi. Khi anh cầu hôn, tôi rất hạnh phúc. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho lễ cưới vào cuối tháng tới.
Mấy ngày nay, tôi được biết vài thông tin khác về anh. Thực tế, anh và mẹ đứa bé chưa đăng ký kết hôn nhưng đã tổ chức đám cưới. Sau vài tháng, người vợ có thai thì hai người lục đục. Khi con được một tuổi, họ chia tay. Sau đó, anh yêu người khác và gia đình lại hỏi cưới. Vài tháng sau, họ lại chia tay. Cả hai lần anh đều chưa đăng ký kết hôn.
Khi tôi hỏi lại, anh xác nhận điều đó. Người thứ nhất quá hung dữ suốt ngày ghen tuông, không chịu chăm sóc mẹ chồng. Người thứ hai tham lam, ích kỷ, không biết điều với nhà chồng, lấy anh vì chỉ muốn lợi dụng danh tiếng gia đình anh để làm ăn. Ba mẹ anh cũng nói chỉ xem tôi là dâu chứ họ không công nhận hai người kia. Tôi biết về luật, tôi và anh đến với nhau là không sai. Về tình, tất cả là quá khứ rồi, nếu yêu nhau thì cùng chăm lo tương lai, xây dựng hạnh phúc. Lễ cưới đã chuẩn bị và thông báo hết rồi. Tôi có nên suy nghĩ lại, dừng cưới hay cứ tiếp tục? (Dung)
Ảnh: wikimedia |
Trả lời
Chuyện tình cảm có nhiều điều không như ý chí của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà đạo Phật gọi là Duyên, còn đạo Kitô thì gọi là ý Chúa. Về mặt tâm lý (chỉ ở phạm vi các quy luật thông thường của hệ thần kinh con người và sự tác động kinh nghiệm của cá thể), không ai có thể chắc chắn rằng những người từng ly dị vợ là người xấu, còn những người sống với vợ suốt đời là người tốt. Chuyện tình cảm đôi lứa và trách nhiệm gia đình nhiều khi lại khác nhau.
Chồng sắp cưới của bạn đã tổ chức đám cưới 2 lần thì 2 lần đều chia tay trong thời gian rất ngắn. Lý do anh đã nói với bạn. Nếu đúng hai người kia có tính cách như anh nói thì bạn cần xem lại mình có tính cách như 2 người kia không; nếu có phần nào đó giống thì nên dừng lại, vì đó cũng là những điều anh đặt ra với bạn và bạn sẽ đi vào vết xe đổ.
Nếu bạn không giống hai người kia thì bạn nên hỏi lại anh ấy rằng: Theo anh, để anh không bị rơi vào lần thứ 3 thì khi lấy anh, em phải làm gì? Câu hỏi này với mục đích để anh ấy nói ra và nói thật yêu cầu của mình. Bạn nên tập trung lắng nghe và xem sức mình có thể làm được như thế không. Nếu thấy làm được thì tiếp tục, nếu thấy không làm được thì dừng lại.
Ngoài ra cần hỏi anh ấy về tâm lý mẹ anh ấy, người thân của anh ấy. Bạn cũng nên hỏi ngay nếu bạn không đạt được như anh mong muốn trong việc đối xử với mọi người thì lúc đó anh nghĩ gì về bạn. Bạn nói hết tính cách và tâm lý của bạn để anh ấy đo lường và biết trước cách ứng xử của anh khi nếu không may việc đấy xảy ra. Đây là vấn đề rất quan trọng vì bạn mới 22 tuổi, có thể mắc nhiều sơ xuất khi ứng xử và chưa có kinh nghiệm sống.
Tất cả những đo lường trên nếu có sự trợ giúp tích cực từ anh ấy thì tốt, nhưng nếu không có sự giúp đỡ tích cực từ anh ấy thì bạn có tự giải quyết được không? Từ đó, bạn đưa ra quyết định cuối cùng.
Chúc bạn sự sáng suốt.
GS.TS. Vũ Gia Hiền
Post a Comment