Tay chân bị teo, co quắp lại, chị Hồng ép bút vào má hoặc môi để tập viết và cho ra nhiều bài thơ mượt mà.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, có 5 anh chị em tại Tam Dương (Vĩnh Phúc), từ nhỏ chị Hồng đã không được may mắn như bao đứa trẻ khác. Trong khi các bạn tung tăng chạy nhảy và tham gia các trò chơi ngoài trời thì chị chỉ biết nằm một chỗ ngước mắt nhìn theo.
"Lúc sinh ra mình vẫn là một đứa trẻ bình thường, nhưng từ khi gần 2 tuổi thì tay, chân đột nhiên ngày càng teo lại, rồi sau đó không thể cử động được nữa", chị Hồng mắt ngấn nước chia sẻ.
Thương con, cha mẹ chị bán hết những thứ có giá trị trong nhà và vay mượn khắp nơi để đưa con đi các bệnh viện ở Hà Nội chạy chữa. Sau khi được chẩn đoán mắc phải căn bệnh hiếm gặp, mặc dù được bệnh viện hỗ trợ chi phí chữa trị nhưng sau một thời gian phải liên tục di chuyển từ Vĩnh lên Hà Nội, không còn khả năng chi trả các khoản phí khác, gia đình đành phải để con ở nhà.
Số phận tiếp tục thử thách chị Hồng, khi sau đó chị phải chịu thêm một trận sốt cao và bị ghẻ lở khiến tay, chân lở loét và co quắp lại, toàn thân gần như bị liệt hoàn toàn. Không còn cử động được, mẹ trở thành đôi tay, bàn chân và là hộ lý đặc biệt của chị Hồng.
Tay chân không thể giữ cầm nắm, chị phải dùng má để ép chặt bút vào mặt viết từng dòng chữ. |
Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ khó khăn, người phụ nữ này cho biết, khi các bạn cùng trang lứa cắp sách tới trường thì chị còn liên tục đi về giữa các bệnh viện. Lớn hơn chút nữa, hàng ngày phải ngồi một chỗ trong nhà khiến nỗi thèm khát con chữ dấy lên. Thế là mẹ có thêm vai trò mới - đó là cô giáo.
"Ê a tập đọc đã khó, với một người chân tay co quắp không thể cầm bút thì viết còn khó hơn gấp nghìn lần. Đã không ít lần tôi nghĩ tới việc bỏ cuộc", Hồng chia sẻ.
Sau nhiều lần thử tập cầm bút bằng tay và chân không được, chị nghĩ ra cách dùng môi hoặc má ép vào, giữ chặt bút vào tay. "Thời gian đầu cứ ép vào nó lại rớt ra, việc điều chỉnh bút theo ý mình cũng rất khó khăn, nhiều lúc tôi đã bật khóc tức tưởi trước sự bất lực của bản thân", Hồng nhớ lại.
Tuy nhiên cứ mỗi lần thấy bạn bè trong xóm lấy sách vở ra đọc ngon lành chị lại có thêm động lực để tiếp tục tập đọc, tập viết. Sau một thời gian dài vật lộn, cuối cùng chị cũng làm bạn được với bảng chữ cái, sau đó là những dòng chữ nghệch ngoạc đầu tiên trong đời.
Chị Nguyễn Thị Hồng và mẹ của chị - bà Trần Thị Mấm (áo vàng, đứng phía sau) tại lễ trao giải “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước” . |
Cũng từ lúc biết viết, chị bắt đầu tập vẽ, làm thơ để có thể bày tỏ cảm nhận, suy nghĩ của mình. Tường nhà, giấy loại hay vỏ bao bao thuốc lá đều được Hồng tận dụng làm bảng vẽ, viết thơ để thỏa niềm đam mê của mình. Bọn trẻ trong xóm yêu thích tranh của Hồng, cô thường vẽ hộ để đổi lại bằng những tờ giấy trắng hay cây bút. Nhiều bài thơ "con cóc" do cô sáng tác cũng được các bạn ê a xin đọc.
Nhưng cũng có những lúc tuyệt vọng với bản thân, Hồng đã thốt lên “Thời gian sao quá phũ phàng/ Bắt tôi ở mãi thế gian làm gì”. Những lúc đó chính mẹ là người giúp cô con gái tật nguyền của mình lấy lại niềm tin vào cuộc sống, cũng chính vì thế hình ảnh người phụ này thường phảng phất trong tranh và thơ của cô.
“Ngoài mẹ, thơ là người bạn thân thiết nhất luôn đồng hành chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn của tôi. Không thể đi lại, tôi hy vọng những vần thơ của mình có thể mang hình ảnh gia đình, bạn bè và vùng trời nơi mình đang sống đến với mọi người ở phương xa”, cô chia sẻ.
Thơ của chị Hồng luôn chất chứa nững khát vọng, vươn lên mạnh mẽ để cười hạnh phúc với cuộc sống. Bạn đọc có thể liên hệ và kết bạn với chị Hồng qua Facebook để xem thơ của chị. |
Những vần thơ do Hồng sáng tác và chép vào vở sau đó được Nhà xuất bản Đông Tây chọn lọc và in ra thành Tập thơ “Vần thơ không cháy hết” vào năm 2012. Tập “Tình đời mãi xanh” cũng được Nhà xuất bản Văn học xuất bản với bút danh Lệ Hồng, vừa ra mắt vào tháng 8/2015.
Tình yêu gia đình, bạn bè và quê hương thanh bình trong thơ của chị đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng nhưng lại khơi lên khát vọng sống mãnh liệt, đó chính là nghị lực phi thường luôn biết vươn lên dù số phận kém may mắn. Dù hoàn cảnh khó khăn, chị vẫn luôn cho rằng cuộc đời còn ước mơ và phấn đấu để đạt những ước mơ đó. Tấm gương sáng về một người “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước” của chị Nguyễn Thị Hồng vẫn luôn thôi thúc, tạo thêm nghị lực sống cho những người khuyết tật.
“Tôi tự hào là phụ nữ Việt Nam
Sống vô tư hiền lành và tốt bụng
Dù tôi không được như bao người khác
Nhưng lúc nào cũng cố gắng vươn lên
Để vượt qua trước bao nhiêu gian khó
Mà cuộc đời vẫn chờ đón chúng ta
Hãy vững vàng dù bão táp phong ba
Chị em ta vẫn tự tin bước tới
Để chúng ta đón chào những ngày mới
Với nắng hồng và tất cả thành công”
(Lệ Hồng)
Bảo Ngọc
Post a Comment