Sau đám cưới con trai, gia đình ông Zhang Hu ở Cam Túc không chỉ hết sạch tiền tiết kiệm, họ còn phải gánh thêm một khoản nợ khổng lồ.

Ngay khi dứt tiếng pháo nổ, Zhang Hu và vợ trở về nhà với trái tim đè nặng. Cuộc hôn nhân của con trai họ tiêu tốn toàn bộ tiền tiết kiệm bấy lâu nay. Hơn thế, họ còn phải gánh thêm món nợ 150.000 nhân dân tệ (hơn 500 triệu đồng). Đó là một khoản tiền rất lớn với một gia đình xuất thân từ một ngôi làng miền núi nghèo ở tỉnh Cam Túc, phía Tây Bắc Trung Quốc.

"Làng chúng tôi rất nghèo và hầu như không có bất kỳ cô gái nào muốn kết hôn với thanh niên ở đây", Zhang Hu nói trên tờ Asiaone. Để cưới được vợ cho con, gia đình ông Zhang phải trả cho nhà gái số tiền hồi môn là 130.000 nhân dân tệ (khoảng 450 triệu đồng), ngoài ra còn chi phí tổ chức đám cưới ở khách sạn, thuê xe hoa...

trai-lang-trung-quoc-lam-20-nam-chua-du-cuoi-vo

Hồi môn cho nhà gái tăng cao, khiến đàn ông nông thôn Trung Quốc khó khăn để tìm vợ. Ảnh: Pulse.

"Tình yêu không còn là cảm xúc mà là vấn đề giá cả", Liu Yanwu, một giáo sư xã hội học tại Đại học Vũ Hán phát biểu.

Giáo sư Liu đã khảo sát những thay đổi trong chi phí kết hôn ở vùng nông thôn nhiều thập kỷ qua: từ năm 1970 đến 1980, hôn nhân là một gánh nặng trong các gia đình nông thôn. Đến những năm 1990, chi phí cho một cuộc hôn nhân bằng thu nhập trung bình của một lao động nông thôn tích góp trong 3 đến 4 năm. 

Nhưng kể từ năm 2000, chi phí đã tăng vọt: đến nay, một người phải làm việc 20 năm mới cưới được vợ. Chi phí này ngoài tổ chức đám cưới, một số lớn sẽ dành để mua nhà (ở nhiều vùng, chú rể phải có nhà mới cưới được vợ), thậm chí ở một số nơi là xe hơi. Thống kê gần đây cho thấy, một lễ cưới nông thôn sẽ tốn khoảng 100.000 nhân dân tệ, trong khi thu nhập trung bình hàng năm cho một người đàn ông Trung Quốc chỉ là 10.489 nhân dân tệ.

Tại các khu vực nông thôn của Cam Túc, giá của quà hồi môn đã tăng từ 10.000 nhân dân tệ vào năm 2004 lên đến 150.000 nhân dân tệ vào năm 2015. Cuộc hôn nhân của con trai Zhang gần như đã đẩy gia đình ông vào đói nghèo.

trai-lang-trung-quoc-lam-20-nam-chua-du-cuoi-vo-1

Rất ít các cô gái Trung Quốc muốn lấy chồng nông thôn hoặc nếu lấy, nhà trai cũng phải đáp ứng số lượng hồi môn khổng lồ cho nhà gái, thậm chí đó là một căn nhà ở thành phố, xe hơi đắt tiền. Ảnh: Pulse.

Một lý do khiến giá kết hôn tăng cao là do mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc. Cứ 100 bé gái sơ sinh thì có 115 bé trai sinh ra. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi con trai được xem là người thừa kế, tỷ lệ giữa nam và nữ trong độ tuổi kết hôn còn cao hơn, ở một số nơi gần như tỷ lệ này là 2:1. Hiện nay có 20 triệu nam giới vùng nông thôn ở độ tuổi từ 20 đến 45 không thể tìm thấy vợ và đàn ông phải cạnh tranh quyết liệt mới lấy được vợ.

Theo Zhang Yi, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc thì cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều gia đình nông thôn di cư ra thành phố để cải thiện cuộc sống, dẫn đến phụ nữ trong độ tuổi kết hôn ít đi và không đủ đáp ứng cho thanh niên nông thôn. 

Để kiềm chế chi phí kết hôn leo thang, năm ngoái chính quyền tỉnh Cam Túc đã ra luật nhằm giảm bớt những món quà đính ước "cắt cổ" và lễ cưới xa hoa nhưng động thái đó chỉ như muối bỏ bể.

Ông Hu Xuefeng, một nhà nghiên cứu về nông thôn tại Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong cho biết: "Để thu hút một người bạn đời tiềm năng, những người đàn ông từ các gia đình nghèo phải trả giá cao hơn cho những món quà đính hôn. Điều này làm tăng chi phí kết hôn và gia đình khác không có lựa chọn nào khác, ngoài làm theo. Vì vậy, một vòng tròn luẩn quẩn được hình thành".

Việc tăng chi phí kết hôn ở vùng nông thôn cũng dẫn đến các vấn đề xã hội khác. Vào năm 2015, ông Li Yanlin, ở tỉnh Giang Tây đã mua một cô dâu nước ngoài cho con trai của mình với giá 45.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên, con dâu của ông biến mất không lâu sau đó. Mất tiền, lại không có vợ cho con, hiện tại gia đình ông Li càng không đủ tiền để cưới cho con một cô dâu bản địa.

Trong những năm gần đây, đàn ông Trung Quốc tìm sang các nước như Myanmar, Việt Nam để kiếm vợ. Tuy nhiên những cuộc hôn nhân bất hợp pháp như vậy là thường mong manh. Có những cô dâu trốn thoát, có những người bị gia đình chồng bạo lực, sống không hạnh phúc.

Bảo Nhiên

Post a Comment

 
Top