Bị bố đánh, mắng suốt thời thơ ấu, khi có con, anh Mạnh Đức 30 tuổi, quê ở Cần Thơ vô tình lại đặt gánh nặng bạo lực đó lên đứa con vài tháng tuổi. Anh chỉ nhận ra khi thấy con không hề chào đón mình như những người khác. Dưới đây là chia sẻ của anh:
Từ nhỏ tôi đã không thể gần gũi ba mình, ông hay đánh tôi, đánh nhiều vì những việc không đáng. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ là thương cho roi cho vọt, nên dù có bị đánh đau tôi vẫn không dám giận ba. Nhưng hai sự kiện trong đời xảy ra khiến tôi nhìn nhận lại động cơ những trận đòn ấy.
Việc thứ nhất là năm tôi học lớp 5, khi ông đã bỏ công việc để hùn vốn làm ăn với bạn và bị thua lỗ nặng, nợ nần. Mẹ tôi là giáo viên, cũng bị bạn chí cốt của ông cho ra khỏi ngành để nhận người mới vào lấy tiền lót tay. Nhà tôi lâm vào túng quẫn, ông thường cáu đánh tôi và mẹ. Mẹ nhiều lần định ẵm đứa em mới sinh ra đi nhưng vì tôi mà bà đành ở lại cắn răng chịu đựng.
Đỉnh điểm là lúc mẹ tôi đi cũng không đành ở cũng không được nên đã tự vẫn, may mà người nhà phát hiện kịp thời nên cứu sống mẹ trong gang tấc. Từ đó tôi đã biết hận ba mình.
Những cuộc tranh cãi, bạo hành trong gia đình ảnh hưởng lớn tới tâm lý phát triển của đứa trẻ. Ảnh mang tính chất minh họa. |
Việc thứ hai là mẹ tôi đã gồng gánh mọi chi tiêu trong nhà, trong khi ông buông xuôi gia đình, ăn nhậu, đập phá. Là trụ cột nhưng ông đã không làm gì, lại còn làm khổ vợ con. Tuổi trẻ của tôi không dám bước xa nhà 100m, vì nếu đi xa ba tôi gọi đến tiếng thứ 2 mà không thấy trả lời sẽ nhừ đòn.
Ông như mây đen bao phủ, khi vắng ông mẹ con tôi trò chuyện vui vẻ, nhưng khi có mặt ông là mọi thứ đều tự dưng im phắt. Ông là cai ngục trong chính ngôi nhà của mình.
Tôi cơ bản là một người hoạt bát, hướng ngoại, vui vẻ. Nhưng bao năm sống trong ám ảnh như vậy làm tôi trở nên bi quan, chán nản, không tin tưởng vào cuộc đời, không tin tưởng vào bản thân mình. Tôi tự tạo vỏ bọc bên ngoài để che đậy nội tâm đầy thương tích. Tôi tạo khoảng cách với mọi người để tránh bị tổn thương, tôi không tin vào hạnh phúc gia đình, cũng như không tin mình có thể mang hạnh phúc cho bất cứ ai.
Tôi hay cáu gắt, xu hướng bạo lực (tôi đã đánh em tôi rất nặng khi nó hỗn với mẹ), tính tình buồn vui thất thường. Đó chỉ là một phần tác động tiêu cực của bạo lực gia đình, tôi không thể kể hết được. May mắn là nhờ sự động viên và sức ép từ mẹ, hai anh em chúng tôi đều học hết đại học.
Tôi lập gia đình năm 2014, có con gái vào tháng 4/2017. Lúc sinh con ra tôi chẳng có tí cảm giác yêu thương nào, tôi không quan tâm lắm đến sự hiện diện của con. Làm việc ở Vĩnh Long, tôi thường xuyên đi công tác ở Trà Vinh và Đồng Tháp. Cuối tuần mới về thăm vợ con, đang sống với nhà ngoại tại Long Mỹ, Hậu Giang. Có khi công việc bận, 2 tuần tôi mới về thăm được.
Gần đây tôi chợt nhận ra mỗi khi tôi ẵm, con bé đều khóc, khi gọi video call, con cũng thấy mặt tôi là mếu máo, trong khi gần những người khác bé đều cười. Tôi chợt hiểu ra ngày xưa có thể ba tôi cũng vậy, không chú ý đến cảm giác của con, đã tạo ra khoảng cách ngay từ nhỏ nên mới dẫn đến bi kịch gia đình hiện tại.
Hiểu rõ chân tướng sự việc, tôi quyết tâm chấm dứt vòng luẩn quẩn của bạo lực gia đình có nguy cơ truyền đến đời con tôi. Tôi quyết thương con bằng tình thương chân thật. Tôi tự nhủ sẽ không bao giờ đánh vợ, đánh con, xem đây là câu thần chú để phá bỏ lời nguyền bạo lực gia đình.
Cho đến giờ, ba mẹ tôi vẫn sống cùng nhau, mẹ vì lớn tuổi không muốn gia đình nhiều thị phi nên mỗi ngày vẫn chịu đựng tính khí thất thường của ba. Đây là điều làm tôi ray rứt, trăn trở nhất, vì chưa tìm được hướng giải quyết. Em gái kém tôi 6 tuổi đã ra trường và đang kinh doanh ở Sài Gòn. Tính nó vẫn thất vui giận khó lường, giống y tính ba tôi. Tôi chỉ hy vọng nó lớn hơn sẽ nhận ra vấn đề, thay đổi tính tình để đừng ảnh hưởng đến gia đình nó sau nay.
Mạnh Đức
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương - Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, tính cách của anh Đức chịu tác động nhiều từ hoàn cảnh sống thời thơ bé. Rất may là anh đã nhận ra vấn đề của bản thân và từng bước tìm cách giải quyết. Theo chuyên gia, điều đáng tiếc là mẹ anh đã không dũng cảm chia tay để con cái phải chịu đựng những ám ảnh suốt cả tuổi thơ. Tuy nhiên, anh Đức nên học cách tha thứ cho cha đẻ của mình. Nếu không thể ở gần hãy nghĩ tới ông ấy với thái độ bao dung hơn, khi đó anh sẽ cảm thấy bản thân thoải mái hơn. Về cách sống với vợ con và những người xung quanh, việc đầu tiên anh nên làm là xây dựng tình cha con bền chặt với con gái. Anh hãy dành thời gian chơi với con nhiều hơn bởi trẻ con dễ cảm nhận tình yêu thương qua hành động. Từng trải qua quãng thời gian đau khổ, nên anh đã hiểu sự thiếu thốn tình thương của người thân ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển tâm lý thế nào. Và đặc biệt, hãy trân trọng vợ mình. Anh chắc chắn không muốn cô ấy phải tiều tụy, đau khổ như mẹ mình. Tình yêu thương, hạnh phúc trong gia đình là môi trường tốt nhất cho mỗi đứa trẻ. Thay vì oán trách những gì đã xảy ra, anh nên dành thời gian nhiều hơn cho chính bản thân mình để cân bằng mọi thứ trong tâm hồn. Anh có thể chơi thể thao, nghe nhạc, tận hưởng những thú vui bản thân... để giải tỏa bớt ức chế trong lòng. Và hãy khuyên cả em gái anh tất cả những điều trên. |
Post a Comment