Đang trải qua những ngày tháng lo âu căng thẳng vì chẳng thể kham nổi món nợ trả góp mua nhà, do chồng không hỗ trợ, chị Trần Kim Luyến (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ nỗi ân hận về quyết định nóng vội của mình:

Cả tháng nay tôi hầu như không làm được việc gì nên hồn. Ở cơ quan thì đầu óc vơ vẩn nghĩ về khoản nợ mỗi tháng hơn chục triệu chưa biết lấy đâu ra đóng, về nhà càng chán nản, mệt mỏi khi nhìn thấy chồng dửng dưng. 

Vợ chồng tôi cưới nhau được 5 năm, có con trai hơn 3 tuổi. Chúng tôi đang ở chung với bố mẹ chồng trong một căn hộ tập thể rộng hơn 40m2. Sau khi sinh con, tôi muốn ra ở riêng vì cuộc sống chung bí bách về không gian, mâu thuẫn về lối sống, cách nuôi dạy trẻ giữa tôi và bố mẹ chồng. Thấy nhiều đồng nghiệp mua nhà, tôi càng sốt ruột, giục chồng nhưng anh hờ hững với kế hoạch này. Anh nói hai vợ chồng chưa tích lũy được bao nhiêu, mua nhà sẽ nợ nần rất nhiều, hơn nữa ở chung thì ông bà vừa đỡ buồn, con cái có người chăm. 

Ảnh minh họa: Personalfinancialplanning.

Ảnh minh họa: Personalfinancialplanning.

Đầu năm 2016, có cô bạn thân rủ mua căn hộ ở một dự án rất tiện cho cả hai vợ chồng đi làm, của chủ đầu tư uy tín, giá lại vừa phải, tôi rất phấn chấn muốn mua. Thủ thỉ ngọt ngào hay dằn dỗi, chiến tranh lạnh với chồng thì anh vẫn đáp lại bằng điệp khúc cũ, tôi nói liều: "Anh không mua thì em sẽ tự lo việc này". Thấy tôi quyết tâm như vậy, chồng bảo: "Em muốn thì cứ mua nhưng anh nói trước là sẽ không hỗ trợ được gì đâu. Anh muốn dồn tiền mở cửa hàng kinh doanh với bạn chứ làm thuê bao giờ cho khá". 

Nghe cô bạn xúi "Có nhà riêng, chồng mày sẽ thích ngay. Cứ mua đi, đến lúc phải trả nợ, chẳng đời nào anh ấy bỏ mặc mày", tôi càng thêm động lực. Ngoài khoản 200 triệu tiết kiệm (thực ra vợ chồng tôi tích lũy được 400 triệu nhưng chồng chỉ đồng ý cho tôi dùng một nửa), tôi được bố mẹ đẻ cho thêm 150 triệu, mượn đồng nghiệp được thêm gần 200 triệu nữa. Còn lại, tôi vay ngân hàng 700 triệu mua căn hộ 70m2, giá tổng 1,3 tỷ đồng. 

Đặt cọc xong xuôi, chồng tôi vẫn giữ thái độ ậm ừ, nói rằng "cứ mua vậy chứ chắc gì ở mà lo". 

Đầu tôi thì ngày càng căng ra khi số tiền phải trả nợ ngân hàng ngày càng tăng cùng với tiến độ xây của chủ đầu tư và các khoản giải ngân bên ngân hàng. Tôi vẫn đinh ninh rằng chồng sẽ cùng mình trả khoản gốc và lãi nhưng lúc này anh nói tiền dồn vào làm ăn, không đưa cho tôi đồng nào. Với mức lương 9 triệu ở một công ty truyền thông sự kiện, trước nay tôi vốn chỉ lo được tiền ăn học cho con và bản thân, giờ lấy đâu ra trả nợ, nhất là đỉnh điểm mấy tháng gần đây số tiền phải trả lên tới gần chục triệu mỗi tháng? 

Tôi đứng ngồi không yên, chẳng biết xoay sở kiểu gì. Ba tháng liền, cứ đến gần ngày phải trả gốc và lãi, tôi lại quắn lên đi vay mượn bạn bè, anh trai. Nhưng việc như vậy không thể kéo dài. Rồi tháng sau nữa tôi biết vay ai? Tôi thẫn thờ như người mất hồn, việc sếp giao không hoàn thành, về nhà chẳng thiết ăn thiết ngủ, cũng không nói chuyện với ai. 

Tôi nghĩ tới giải pháp cho thuê nhưng không ổn vì nếu có khách đều đặn thì mỗi tháng cũng chỉ được 4 -5 triệu, không thấm vào đâu với khoản phải trả ngân hàng. Chỉ còn cách bán nhà đi nhưng khi tôi nhờ bên phân phối bất động sản thì mới thấy việc này không đơn giản chút nào. Nhà tôi giờ muốn bán thì phải tất toán hết cho bên ngân hàng, chịu khoản phạt trả trước. Tôi cũng không thể vay đâu ra số tiền lớn vậy để trả ngay. Vấn đề nữa là có cực ít người muốn mua căn hộ đang cắm ngân hàng kiểu của tôi vì họ có nhiều sự lựa chọn khác, đỡ phiền phức hơn. 

Tôi thực sự vô cùng mệt mỏi và cảm thấy bị cô lập trong gia đình. Tôi thất vọng về chồng bao nhiêu thì ân hận về quyết định liều lĩnh của mình bấy nhiêu. Quả thật tôi đã tự đem dây trói mình và giờ chẳng biết phải cởi ra sao.

Anh Đặng Văn Dũng, chuyên viên một công ty bất động sản tại Hà Nội cho biết, anh từng gặp không ít trường hợp khách hàng gặp phiền phức, hệ lụy khi phải bán gấp căn hộ chung cư mua trả góp chưa xong. Nhiều người, vì các lý do như biến cố người thân đổ bệnh nặng, tài chính mỏng mà chưa tính kỹ phương án trả nợ... chấp nhận bán lỗ để rút được chút ít tiền về nhưng cũng không xong.

Một trường hợp mới đây anh tiếp, khách sau khi đóng được 4 đợt tiền nhà (trong tổng số 5 đợt) thì tài chính cạn kiệt, không thể đóng đợt cuối cũng như trả nợ ngân hàng hằng tháng. Họ tới nhờ chủ đầu tư cho chấm dứt hợp đồng để được lấy lại phần tiền đã đóng nhưng không được giải quyết bởi hợp đồng nhà ký 3 bên. Chỉ khi khách hàng tất toán được khoản vay với ngân hàng thì chủ đầu tư mới chấm dứt được hợp đồng. Trong khi đó, việc này nằm ngoài khả năng của khách. 

Anh cho biết, với trường hợp này, khách sau này có thể bị phạt ít nhất 12% phí trả chậm tiền trả góp theo đợt. Nếu tìm được người mua, họ mất thêm phí 2% sang tên hợp đồng. Nếu không thể đóng tiếp, họ sẽ không được bàn giao căn hộ, mang nợ xấu với ngân hàng... và rất nhiều hệ lụy khác. Chuyện tìm được khách mua nhà cũng rất khó khăn. 

Bởi vậy, theo chuyên viên này, trước khi quyết định vay ngân hàng mua nhà trả góp, bạn cần phải tính toán kỹ, cân đối các khoản thu chi và có phương án, kế hoạch trả nợ cụ thể. 

Theo chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê, TP HCM, nếu người vợ trong bài viết trên đã chọn cách bán nhà thì có thể giải thích với chồng và nhờ chồng cùng tham gia giải quyết để tốt nhất về tài chính. Cụ thể cố gắng thuyết phục chồng cùng phụ trả nợ để có thời gian tìm người mua giá tốt vì dù sao thì căn nhà đó cũng đã có tên cả hai.

Bảo Ngọcghi

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top