Rạn, nứt xương là gì?
Rạn, nứt xương thực chất là một dạng của gãy xương, tức là gãy xương kín, không có di lệch (xương chưa bị tách ra khỏi chiều dọc, chiều ngang hoặc chưa bị thòi ra ngoài da). Nứt xương có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào của cơ thể khi có lực tác động mạnh từ bên ngoài vào xương. Theo chuyên gia sơ cứu xương người Australia - Tony Coffey, xương được bọc kiên cố với các tế bào canxi và có phần lõi tủy mềm, nơi các tế bào máu được sản sinh. Một thanh xương bị nứt - rạn khi có lực mạnh tác động quá sức chịu đựng của xương và đi kèm với xương là các bó cơ, gân, dây chằng, dây thần kinh và các mạch máu đều bị ảnh hưởng khi một đoạn xương gặp tai nạn rạn, nứt.
Nguyên nhân gây rạn, nứt xương
Tai nạn (tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, ví dụ công nhân vận hành máy và tai nạn do chơi thể thao (bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, trượt pa tanh…) là những nguyên nhân hay gặp nhất. Ngoài ra, do ngã bị trơn trượt, lên xuống cầu thang hoặc do bị đánh, chém bằng vật cứng (dao, mác, gươm, gậy…). Một số bệnh lý về xương có thể gây nứt, rạn xương như loãng xương (thường hay gặp nhất là phụ nữ mãn kinh, thiếu hormon sinh dục nữ) hoặc do viêm xương (hay gặp nhất là viêm xương do đóng đinh nội tủy không tuyệt đối vô khuẩn bởi dụng cụ y tế hoặc do không khí buồng mổ hoặc do bàn tay cán bộ y tế lúc tiến hành phẫu thuật không tuyệt đối vô trùng), u xương, viêm khớp dạng thấp, xương thủy tinh...
Hình ảnh phim chụp Xquang xương bình thường và xương bị gãy. |
Biểu hiện của rạn xương, nứt xương
Đau là triệu chứng gặp đầu tiên và hầu hết đều có. Tuy nhiên, một số trường hợp nứt xương kín đáo, có thể không đau, chỉ đau khi vận động hoặc khi sờ, nắn.
Thông thường, khi bị rạn, nứt xương có hạn chế vận động, thậm chí mất hoàn toàn vận động chỗ bị nứt xương nếu xương bị nứt nhiều, phức tạp. Trường hợp nứt, rạn xương lớn (như xương đùi, xương chậu, xương sọ não…) hay kết hợp với đa chấn thương, bệnh nhân có thể bị sốc. Tại vị trí xương nứt, rạn tổ chức cơ, gân, dây chằng, da có thể thấy sưng nề, bầm tím, biến dạng...
Để chẩn đoán chính xác rạn, nứt xương, cần chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính (CT), tốt hơn là chụp cộng hưởng từ (MRI), nhất là xương chậu, xương sọ, xương đá...
Biến chứng có thể xảy ra khi rạn, nứt xương
Tùy theo vị trí rạn nứt xương, nếu ở các vị trí không nguy hiểm (cẳng tay, chân…) thì chỉ cần xử trí tốt (bó bột, bất động…) là bệnh dần dần ổn định nhưng ở các vị trí như chấn thương sọ não kín nếu không cẩn thận, xử trí kịp thời có thể xảy ra nguy hiểm, thậm chí tử vong. Hoặc chấn thương kín xương đá. Xương đá là một cấu trúc giải phẫu xương sọ trực thuộc hệ thống xương ở nền sọ, nơi chịu trách nhiệm nâng đỡ 2 bán cầu đại não và cho phép các dây thần kinh sọ đi qua. Trong xương đá có dây thần kinh số VII đi qua. Dây thần kinh này chịu trách nhiệm chi phối cho vận động của các cơ mặt cùng bên nên khi xương đá bị vỡ sẽ có nguy cơ chèn ép và làm tổn thương dây thần kinh này gây nên tình trạng liệt VII ngoại biên, biểu hiện mắt nhắm không kín, nếp nhăn trán bên liệt mờ, nhân trung lệch về một bên, rãnh mũi má bên liệt mờ. Hoặc rạn, nứt xương chậu, nếu không được cấp cứu, xử trí đúng có thể để lại di chứng nặng nề (sốc), phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu gặp phải sẽ không ít bị phiền muộn khi sinh nở.
Xử trí thế nào?
Sau tai nạn, nếu đau nhức, rất khó chịu vùng xương nào đó, nên nhanh chóng đến bệnh viện ngay không nên chủ quan để đề phòng biến chứng có thể xảy ra. Ở bệnh viện, tùy theo mức độ tổn thương, vị trí của xương, các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp cho từng trường hợp trên nguyên tắc cố định (bó bột, nẹp…) và bất động kết hợp với giảm đau, chống phù nề và dinh dưỡng tốt để chóng liền xương.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Post a Comment