Không được bày trí trên những đĩa thức ăn sang trọng, cầu kì; không tìm đến những nguyên liệu đắt đỏ, cao xa; cũng không hẳn là những trào lưu được mọi người tấp nập săn lùng; song những món ăn đặc trưng của các dân tộc ít người tại Việt Nam vẫn khiến thực khách khó quên vì chính sự dung dị nhưng rất độc đáo của mình.
Hoa ban là một đặc sản mang đậm phong cách của núi rừng Tây Bắc
Rêu đá nướng – Niềm tự hào trong ẩm thực của người Thái
Ghé lên Tây Bắc, trú nhờ vào ngôi nhà gỗ của người Thái, trải nghiệm thú vị nhất phải kể đến những buổi tối trên vùng cao tham gia múa sạp, múa quạt trong bộ trang phục nhiều màu sắc hay cùng người dân dệt vải, đan lát hoàn toàn thủ công từ những công cụ hết sức bình dị. Nhưng đã trò chuyện cùng người Thái, cùng sinh hoạt và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc mà chưa ăn qua rêu đá nướng thì quả là thiếu sót.
Rêu đá nướng – đúng như tên gọi của nó, chính là làm từ rêu đá và đem nướng. Làm được món ăn này thực cũng chẳng phải đơn giản. Rêu phải là rêu xanh bám trên đá ngoài bờ suối. Sau khi lấy rêu, người dân dùng những thanh củi lớn, sạch để đập dập và loại bỏ bụi bẩn, sau đó rửa sạch bằng nước suối, cứ như vậy từ 3 – 4 lần. Sau khi mang về, rêu đá được xé tơi, ướp với gừng đập dập, sả cây, ớt, một ít muối, bột ngọt và đặc biệt không thể thiếu được mắc khén. Rêu được ướp sau đó gói trong hai lớp lá dong và vùi trong bếp than nướng từ 5 – 8 phút. Mùi rêu nướng bén lửa thơm phức, chấm cùng chẩm chéo chút mặn, chút cay ăn cùng xôi nếp đồ thơm dẻo thực sự để lại một ấn tượng khó quên khi thưởng thức.
Rêu đá nướng không thể thiếu mắc khén khi ướp và chấm cùng chẳm chéo khi ăn
Bánh coóc mò – Món quà lạ của người Tày vùng núi Bắc Kạn
Người ta thường nói đến Bắc Kạn đi đâu thì đi nhất định phải ghé hồ Ba Bể, đến khu di tích Nà Tu, thử cảm giác “trèo đèo, lội suối” ở thác Đầu Đẳng trên sông Năng… và ăn bánh coóc mò.
Coóc mò có nghĩa là sừng bò, vì vậy nhìn khá giống với hình ảnh của chiếc sừng bò. Bánh được làm từ loại bột nếp ngon nhất và quý nhất, được gói trong những chiếc lá dong được chọn lọc kĩ lưỡng, lạt buộc phải là cây thân giang hoặc cây mỡ. Công đoạn gói coóc mò mới thực sự khó và đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo của người gói sao cho bánh đều các cạnh. Mở từng lớp lá ra, xắn một miếng bánh bên trong rồi thưởng thức mới thấy độ dẻo, ngọt thơm, bùi của bánh. Coóc mò còn là món quà mà gia đình đặt vào tay các bé trong ngày đầy năm, sinh nhật với mong muốn khỏe mạnh, nhiều niềm vui.
Bánh coóc mò – Món quà tuổi thơ của trẻ em Bắc Kạn
Măng nướng xào “vêch” bò – Lắng nghe hương vị Tây Nguyên
Người dân Êđê ở Tây Nguyên rất nổi tiếng với món măng nướng xào “vêch” bò. Đặc biệt, họ chỉ đãi món ăn này đối với những vị khách quý bởi quá trình tìm kiếm nguyên liệu cũng như chế biến thực sự không dễ dàng.
Măng được chọn là măng le, loại măng được đánh giá là ngon nhất cũng cũng đồng thời hiếm nhất so với các loại măng khác của núi rừng. Măng mang về được nướng trực tiếp trên bếp củi cho đến khi chín đều bên trong, người dân mới tách vỏ, lấy măng bên trong rửa sạch và vắt ráo nước chờ xào. “Vêch” bò khá xa lạ với đa số du khách chúng ta. Thực chất đây là lòng, phèo bò được làm rất kì công và cẩn thận để sạch sẽ và hết mùi hôi. Măng xào với “vêch” bò có vị hơi đăng đắng đầu lưỡi, nhưng nhai kĩ lại thấy cái giòn giòn của “vêch” lẫn với vị ngọt vô cùng đặc trưng của măng rừng khiến người ta thích thú. Nếu không phải là măng le nướng bằng bếp củi đỏ than thì khó mà ra được đúng hương vị của món ăn này.
Măng ngon nhất được chọn phải là loại măng le
Xôi Tú Lệ Mù Căng Chải
Đến Mù Căng Chải vào những ngày rét dưới 5 độ C, sương mù giăng khắp lối, quấn một lớp khăn giày sụ, ngồi bên căn nhà sàn xuýt xoa trong tay nắm xôi Tú Lệ, đó mới thực sự là cảm giác “đã” mà bất cứ ai mê du lịch bụi đều mong muốn được trải nghiệm.
Xôi Tú Lệ chẳng có gì ngoài cái tuyệt vời. Chỉ vừa nhìn qua đã thấy ngon vì xôi có đủ màu, trông thật thích mắt. Đến khi véo một miếng xôi ấm để thưởng thức mới thấy thực sự là “đổ gục”. Nếp đồ xôi là loại nếp ngon bậc nhất mà người Thái tại vùng Yên Bái thu hoạch được sau mùa màng. Từng hạt nếp chắc, căng mẩy, không hề bị vỡ hay lép, đồ được đến vậy thì quả là quá tài tình. Nếp đồ thành xôi dẻo mà không dính, thơm dịu dàng như mùi hoa ban, hoa trẩu. Ăn xôi Tú Lệ phải ăn bằng tay không mới cảm hết được độ dẻo, mùi thơm, cái đặc biệt của món ăn vùng núi.
Cứ mấy miếng xôi lại thêm một miếng thịt heo quay hay đặc biệt hơn nữa là măng ngọt xào. Được vậy thì thật “bõ công” lặn lội đến Yên Bái giữa những ngày mờ sương.
Nếp đồ xôi to hạt, căng bóng, chắc mẩy và đều hạt
Các dân tộc ít người ở nước ta thường tập trung sinh sống ở những vùng núi cao, phổ biến nhất là ở Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc. Những món ăn của dân tộc ít người thường dân dã và giản dị. Ấy thế mà cái giản dị lại làm nên những hương vị vô cùng đặc trưng mà không phải ở đâu, ở đất nước nào du khách cũng có cơ hội được trải nghiệm. Những món ăn mang hương của sông, của suối, mang vị của núi, của rừng. Còn rất nhiều món ăn đặc sắc khác mà chỉ khi chúng ta có cơ hội trải nghiệm, thưởng thức mới thực sự cảm nhận hết được cái tinh túy ẩn sau nét dung dị đó. Mỗi chuyến đi thực sự là một trải nghiệm. Và trải nghiệm về ẩm thực cũng là một cách nhìn thú vị về văn hóa để từ đó chúng ta hiểu hơn, yêu hơn dân tộc và đất nước của mình.
Post a Comment