Mới đây, bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp bệnh nhân Hoàng Thị H. (17 tuổi), dân tộc Tày, thường trú tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh mang thai tuần thứ 31 trong tình trạng huyết áp tăng, tiểu cầu giảm, men gan tăng, phù rau, phù thai, tổn thương chức năng thận.

Trước đó bệnh nhân không khám và quản lý thai nghén tại các cơ sở y tế và đã gặp phải sự cố đáng tiếc. Các bác sĩ phải phẫu thuật lấy thai nhi và bà mẹ trẻ sốc nặng khi con không khóc, dị dạng toàn thân, bụng phù cứng, không rõ giới tính…

Tư vấn - Để con không bị dị dạng toàn thân, bà bầu cần làm những xét nghiệm gì?

Bà bầu cần khám thai định kỳ để tầm soát bệnh cho mẹ và trẻ. (Ảnh minh họa).

Từ sự việc của sản phụ trên, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, sản phụ cần quản lý và theo dõi thai thường xuyên để tầm soát các bệnh cho mẹ và bé.

TS. Lê Thị Thu Hà, bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho hay, các bệnh lý thai kỳ ngày càng gia tăng và diễn biến sản khoa nhanh, phức tạp. Trong khi đó, nhiều chị em phụ nữ chưa tuân thủ nguyên tắc khám và quản lý thai định kỳ tại các cơ sở y tế. “Việc khám thai thường xuyên và định kỳ là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá rủi ro, phát hiện sớm các biến chứng thai kỳ thường gặp, cũng như chẩn đoán sớm và đầy đủ những dị tật bẩm sinh của thai nhi”, TS. Hà khuyến cáo..

Theo các bác sĩ chuyên khoa, khi mang thai, tất cả các mẹ bầu nên đi xét nghiệm để tầm soát nguy cơ cho con em mình. Đặc biệt, đối với những thai phụ có một hoặc nhiều hơn các yếu tố dưới đây thì làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh là bắt buộc: Tiền sử gia đình có người bị dị tật bẩm sinh; thai phụ đã trên 35 tuổi; đang sử dụng các chất có hóa chất gây hại cho thai nhi; thai phụ bị tiểu đường và sử dung insulin; thai phụ bị nhiễm virus trong quá trình mang thai; thai phụ đã từng tiếp xúc với chất phóng xạ liều lượng cao; thai phụ có tiền sử sinh non, sảy thai, thai lưu chưa rõ nguyên nhân; thai phụ hút thuốc lá; thai phụ có nghi ngờ hình ảnh dị tật trên kết quả siêu âm.

Dưới đây là những xét nghiệm sàng lọc trước sinh không thể bỏ qua:

1.Lần khám thai đầu tiên:

Sau khi trễ kinh và thử que lên hai vạch, mẹ bầu nên đi khám thai để kiểm tra thai nhi được bao nhiêu tuần tuổi. Bác sĩ sẽ căn cứ vào ngày đầu của chu kỳ kinh để xác định tuổi của thai nhi.

2.Đo độ mờ da gáy:

Kết hợp với tuổi mẹ và xét nghiệm Double test, các bác sĩ sẽ tính toán nguy cơ mắc hội chứng Down sớm trong thai kỳ. Đo độ mờ da gáy chính cho kết quả chính xác nhất khi thai kỳ ở tuần lễ 11-13.  Lưu ý, khi thai nhi sau 13 tuần thì chỉ số xác định độ mờ sau gáy không còn độ chính xác cao. Vì vậy, mẹ bầu cần nhớ thời điểm này để đi làm xét nghiệm.

3.Làm xét nghiệm Double test và Triple test

Các xét nghiệm sàng lọc trước sinh có rất nhiều, nhưng an toàn và độ tin cậy cao, phổ biến nhất hiện nay là Double test và Triple test qua cách lấy máu của mẹ bầu. Đây là bộ xét nghiệm giúp tầm soát nguy cơ bị hội chứng Down, nguy cơ dị tật ống thần kinh (cột sống đóng không kín) và thai không có não bộ.

Xét nghiệm Double test: Thực hiện vào 11 tuần 2 ngày đến 13 tuần 6 ngày.

Xét nghiệm Triple test: Thực hiện vào tuần thứ 14 đến tuần 22, tốt nhất vào tuần thứ 16 đến 18 tuần.

Nếu xét nghiệm tiến hành đúng lúc, kết hợp cả xét nghiệm máu và siêu âm, thì độ chính xác cho các hội chứng Down, Edwards và dị tật ống thần kinh đạt khoảng 94 - 96%.

4.Xét nghiệm máu

Đây là xét nghiệm mọi bà bầu buộc phải thực hiện trước khi sinh theo chỉ định của bác sĩ. Xét nghiệm này để lấy các chỉ số là hemoglobin, hematacrit và số lượng tiểu cầu của thai phụ. Hemoglobin là một loại protein trong máu cung cấp oxy cho các tế bào, hematacrit là dung tích hồng cầu trong cơ thể. Nếu hemoglobin hoặc hematacrit thấp là dấu hiệu mẹ bầu đang thiếu máu, thiếu sắt, cản trở sự phát triển của thai nhi. Cơ thể phụ nữ mang thai cần lượng sắt tăng gấp đôi người bình thường để mang oxy vào hồng cầu.

5.Xét nghiệm nước tiểu

Tương tự xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu là điều các bác sĩ yêu cầu mẹ bầu thực hiện trước khi sinh. Nó giúp phát hiện các dấu hiệu bệnh tiểu đường trong thai kỳ như dư lượng glucose trong nước tiểu. Bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, nhưng có thể điều chỉnh bằng chế độ dinh dưỡng, vận động thích hợp. Dư đạm trong nước tiểu có thể là dấu hiệu bị nhiễm trùng, đặc biệt nếu kèm theo các triệu chứng phù hoặc cao huyết áp, mẹ bầu có nguy cơ tiền sản giật cao.

Xét nghiệm này được thực hiện trong tuần thai thứ 22 – 24. Trong lần siêu âm này sẽ giúp bác sĩ phát hiện các bất thường về hình thái của nhai nhi như sứt môi, dị dạng ở cơ quan, đặc biệt là các bất thường về tim và hệ xương để từ đó có can thiệp kịp thời. Ngoài ra, giới tính của thai nhi cũng được nhận biết trong tuần thai này.

N.Giang

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top