Dưới đây là chia sẻ của chị Bùi Thùy Chi, 36 tuổi, hiện sống và làm việc tại TP HCM:
Cuối năm 2014, sau khi tích lũy được 500 triệu, vợ chồng tôi quyết định bán căn nhà mình đã mua từ hồi mới cưới ở khu vực quận 12 giáp Hóc Môn để chuyển về Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú cho tiện đường đi học của con và đi làm của hai vợ chồng.
Trước đây quãng đường từ nhà đến trường của con hay công ty của tôi vào khoảng 15km. Mua được nhà ở Tân Sơn Nhì thì quãng đường rút ngắn được khoảng 10km.
Nhà cũ của chúng tôi 2 tầng, rộng 67m2, bán được 900 triệu, chúng tôi phải bù hết số tiền tiết kiệm của mình mới mua được căn nhà cũng 2 tầng, diện tích đất rộng 55m2, trong một con hẻm nhỏ ô tô 4 chỗ có thể ra vào được. Vì ít tiền nên hai vợ chồng quyết định mua nhà cũ cho rẻ, xác định sau đó sẽ sửa chữa dần. Lúc đó, cùng hẻm có căn nhà diện tích đất và diện tích xây dựng tương tự nhưng mới hoàn thiện, đòi 1,7 tỷ.
Căn nhà chúng tôi mua được xây dựng từ năm 2005, tôi nghĩ có thể ở được cả chục năm nữa mà không cần sửa chữa. Tuy nhiên, thật không may cho chúng tôi là vừa về nhà mới ở được hai tháng thì khu phố góp tiền nâng nền hẻm lên 50cm, đồng nghĩa với nền nhà tôi sẽ ngang nền đường. Ngay trước cửa nhà tôi có một cái miệng cống thoát nước, nguy cơ bị nước tràn vào nhà trong mùa mưa và triều cường là rất lớn.
Gia đình chị Chi không tiết kiệm được vì chồng "nghiện sửa nhà" - Ảnh minh họa: chrisandjamiebuyhouses. |
Lúc đó, tiền để dành của hai vợ chồng chỉ có 10 triệu nên tôi bàn với chồng chỉ cần xây cái gờ chắn trước cửa nhà để chống lụt cho tiết kiệm. Tuy nhiên, chồng tôi (vốn từng làm trong ngành xây dựng trước khi đổi việc sang làm nhân viên kinh doanh như hiện nay) chê xây gờ xấu và không an toàn nên quyết đi vay tiền để nâng nền nhà. Vụ nâng nền kéo dài hơn 2 tuần và tiêu tốn của chúng tôi 70 triệu, chồng tôi cũng phải xin nghỉ phép để ở nhà trông thợ.
Sau một lần sửa nhà, chồng tôi vẫn chưa ưng ý. Bao nhiêu tiền thưởng Tết năm 2016, chúng tôi dồn hết vào để tháng 3 năm đó sửa lại cái bếp và phòng khách, phá bức tường ngăn cách giữa hai phòng để thành một phòng lớn thông nhau, lắp tủ bếp, lắp ống hút khói, thay chậu rửa, làm quầy bar, tổng thiệt hại hết 150 triệu. Chồng tôi lại nghỉ phép để sửa nhà, lương doanh số giảm hơn nửa.
Đầu năm nay, khi tôi chuẩn bị sinh con thứ ba, cả nhà đều cảm thấy một toilet cho 5 người là hơi ít nên chồng tôi quyết định làm thêm một toilet trong phòng ngủ trên lầu. Thêm toilet tầng trên đồng nghĩa với ống dẫn nước tầng trệt cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Việc sửa chữa này tiếp tục tiêu tốn của chúng tôi khoảng 80 triệu nữa.
Gần Tết 2018, chồng tôi đang nhăm nhe lấy tiền thưởng Tết quét lại sơn và sửa phần ngoại thất ngôi nhà. Tôi gạt ngay đi. Chỉ tính tiền sơn lại nhà cũng đã chục triệu rồi. Hôm trước, nhóc con bị ốm nằm viện mấy ngày, tôi còn phải vay tiền chị gái tạm ứng viện phí. Cứ sửa nhà liên miên, chúng tôi chẳng tiết kiệm được gì, mấy lần có những khoản tiêu hơi lớn, tôi lại phải muối mặt đi vay. Chưa kể mỗi lần sửa nhà vừa tốn tiền vừa ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình, dù bọn trẻ đã được sơ tán về nhà ông bà. Chồng nghe tôi phân tích cứ ậm ừ, không biết đã chấm dứt được "cơn nghiện" sửa nhà hay chưa.
Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền, khi sửa nhà, nếu không đủ tiền làm một lần mà chia ra thành nhiều phân kỳ đầu tư, cần có một kế hoạch chặt chẽ, nếu không sẽ rất tốn công sức và tiền của, nhất là việc đấu nối các hệ thống điện, nước... Việc phân chia các giai đoạn sửa nên dựa trên nguyên tắc cái nào có nhu cầu trước làm trước, cái nào chưa cần thì làm sau và nên làm từ tầng trên cao xuống dưới thấp thì sẽ thuận tiện hơn. Theo ông Truyền, việc sửa chữa nhà thường bao gồm 2 yếu tố: 1. Những công năng bắt buộc phải cải tạo sửa chữa và 2. Nhu cầu làm đẹp mà không tăng công năng sử dụng, như thay gạch, thay thiết bị hiện đại hơn, đẹp hơn.... Ông Truyền cho rằng, nếu là nhà để ở, không phải kinh doanh để bán, tất cả việc trang trí sửa nhà đều phải liệt kê vào dòng "tiêu sản", chúng sẽ không sinh lời cho bạn mà chỉ hao mòn đi trong quá trình sử dụng theo thời gian. Mỗi người đầu tư nhiều hay ít vào tiêu sản nên phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu cuộc sống của mình. "Giống như xài điện thoại vậy, bạn sẽ băn khoăn có nên đổi iphone X hay mua Note 8 hay không. Bạn sẽ phải phân tích điện thoại đó tính năng ra sao, phục vụ gì cho công việc của mình hay sắm chỉ để sang chảnh", kiến trúc sư Truyền so sánh. |
Hoàng Anh (ghi)
Post a Comment