Mới đây, ông Phạm Văn Đồng, 53 tuổi, sống tại Long An đã kiện con gái thứ của mình ra tòa để đòi lại số tiền trúng xổ số đã bị con lấy mất. Hồi tháng 5/2016, người đàn ông nghèo trúng số được 4,6 tỷ đồng. Sau đó, các con ông lấy vé mang đi lĩnh thưởng rồi chia nhau, mua nhà, mua xe tiêu dùng, và gửi tiết kiệm... Họ chỉ mua cho ông một ngôi nhà và ít đồ dùng. Ông Đồng và vợ vốn ly hôn cách đây 10 năm, sau đó ở với cậu út có vấn đề về nhận thức. Tòa án nhân dân huyện Tân Thạnh (Long An) vừa xử sơ thẩm vụ án hồi tháng 8 vừa qua. Tòa nhận định người con gái không chứng minh được việc ông Đồng cho, tặng tiền trúng số nên tuyên buộc phải trả lại cho cha mình một tỷ đồng. 

Sau phiên tòa, dù nhà ông Đồng và nhà con gái chỉ cách hơn một cây số, nhưng cha con ít qua lại. Ông Đồng cũng không tự mình ra tòa kiện tụng mà nhờ người khác vì cảm thấy buồn lòng khi phải đối đầu với đứa con ruột của mình.

gia-dinh-tan-dan-xe-nghe-vi-trung-xo-so

Ông Phạm Văn Đồng: "Nếu quay ngược được thời gian, tôi ước mình không trúng số". Ảnh: Hoàng Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên những người thân trong gia đình dẫn nhau ra tòa vì tranh chấp tiền thưởng khi trúng xổ số.

Năm 2014, tòa án nhân dân quận 9 TP HCM từng xét xử vụ chú vợ (76 tuổi) tố cháu rể (66 tuổi) chiếm đoạt 4 tờ vé số trúng giải nhất trị giá 120 triệu đồng. Sau đó, người cháu kiện chú đòi bồi thường danh dự nhân phẩm. Trước khi có vụ việc, hai người thường tới quán cà phê gần nhà cùng những người bạn hàn huyên. Chiều 4/11/2011, ông chú mua 4 tờ vé số đài Vĩnh Long từ người bán vé số dạo. Ông giữ lại 2 tờ, còn lại đưa cho cháu. Ông cháu cho rằng chú đã cho mình vé, còn ông chú bảo chỉ nhờ cháu dò kết quả giúp dẫn đến mâu thuẫn kiện tụng nhau.

Trúng xổ số nhiều khi không mang lại hạnh phúc cho người nghèo mà lại mang bi kịch đến cho họ. Bà Thu và ông Tiến là cặp vợ chồng nghèo khó cùng nhau đi bán vé số sống qua ngày ở thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn, An Giang. Năm 2009, ông Tiến trúng thưởng hơn 2,5 tỷ đồng. Cho rằng toàn bộ số tiền trúng thưởng là của riêng mình, ông Tiến tự quyết định cách tiêu xài. Ông cho 5 anh chị em ruột và mẹ vợ mỗi người một vé trúng thưởng đặc biệt. Vì thế vợ chồng ông thường xuyên lục đục. Do bị chồng hắt hủi, bà Thu về ở với cha mẹ ruột và làm đơn xin ly hôn, đòi chia tài sản là 1,4 tỷ đồng - số tiền còn lại sau khi trúng số.

Có lẽ câu chuyện đau lòng nhất sau khi gia đình có người trúng xổ số là vụ án vợ giết chồng ở Long An. Năm 2010, người vợ sau khi trúng số độc đắc gần 2 tỷ đã đem tiền gửi chị gái. Người chồng vô cùng tức giận khi phát hiện ra điều này, nên thường xuyên gây gổ với vợ. Ngày 24/5/2014, trong lúc xô xát, người vợ lấy cây kéo đâm nhiều nhát khiến chồng gục tại chỗ. Hàng xóm đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng anh đã tử vong. Hậu quả đau lòng từ việc trúng xổ số của gia đình này là chồng chết, vợ đi tù và hai đứa con bơ vơ.

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thu Hà, Bộ Tư pháp cho biết: Số tiền vợ hoặc chồng trúng vé số được coi là tài sản chung của hai vợ chồng chứ không phải của riêng một người trúng. Do vậy, việc một người tự ý sử dụng mà không thông báo cho người kia hoặc coi là của riêng đều là phạm pháp.

Hoàng Anh

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top