Ảnh: imgur |
Theo chuyên gia giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, tiến sĩ Vũ Thu Hương, ngoài tập lẫy, tập bò, tập ngồi tập đi - có nghĩa là tập để chuyển biến từ một sinh vật người thành một người thật sự, các bé còn phải học nhiều thói quen rất người khác.
1. Phải biết khóc chính xác
Khóc phải là một tín hiệu rõ ràng để cha mẹ biết mà giúp đỡ. Cha mẹ đừng dỗ dành ngay khi trẻ vừa khóc ré lên, bởi nếu làm thế, trẻ sẽ dễ sinh tính mè nheo, nhõng nhẽo, khóc lóc vô tội vạ.
2. Đi đứng, ngồi và chơi sao đừng ngã
Nên để trẻ ngã vài lần để trẻ rút kinh nghiệm. Cha mẹ cứ giữ cho trẻ không ngã nhiều quá, trẻ chẳng rút được kinh nghiệm nào, và nguy cơ sẽ ngã nhiều và ngã đau hơn khi cha mẹ sơ ý lơ là.
3. Bốc ăn
Việc tập bốc có giá trị vô cùng to lớn với sự phát triển của trẻ. Vì thế, khi trẻ biết ngồi rồi, hãy cho trẻ tập bốc nhé. Nhờ thế, sau này trẻ cũng dễ biết tự xúc ăn hơn.
4. Nhận biết bố mẹ, ông bà
Các bố mẹ ông bà hãy xưng hô cho chuẩn. Mẹ là mẹ, bố là bố, đừng lúc nọ lúc kia, kẻo trẻ sẽ gặp khó khăn khi học.
5. Tránh xa các ổ điện và các vật nguy hiểm
Khi trẻ đủ lớn để tò mò tọc mạch, một hôm nào đó đang chơi với trẻ, cha mẹ có thể cầm tay trẻ thử lao về phía ổ điện rồi hét thật to. Trẻ sẽ giật thót mình và… sợ cái ổ điện lắm. Từ đó, trẻ sẽ tránh xa nó hết mức có thể. Nếu bố mẹ không làm vậy, trẻ không tránh đâu, sẽ khám phá đến tận cùng cái ổ điện. Việc giải thích rằng ổ điện nguy hiểm với trẻ là vô nghĩa vì trẻ dưới một tuổi chưa có khả năng tư duy logic.
6. Chuẩn bị bỏ bỉm
Mỗi ngày vào một giờ nhất định (tốt nhất là trước khi đi ngủ và lúc vừa tỉnh dậy), bố mẹ tháo bỉm và đặt trẻ ngồi vào bô một xíu. Nếu bố mẹ kiên nhẫn, trẻ sẽ hình thành được phong cách đi vệ sinh vào lúc chuẩn bị đi ngủ và lúc vừa tỉnh dậy. Sau độ vài tuần, bố mẹ tăng giờ ngồi bô cho trẻ, đến khi trẻ đi tốt rồi, trẻ sẽ biết là lúc nào cần tè thì ra lấy bô ngồi, trẻ không tè bậy nữa, bỉm không bẩn nữa. Lúc đó, bố mẹ có thể bỏ bỉm cho trẻ thoáng.
7. Tập chơi
Trẻ có thể cho đồ chơi vào miệng để khám phá xem nó làm bằng chất gì nên rất dễ hóc. Hãy mua cho trẻ đồ chơi to và thật sự sạch sẽ để trẻ khám phá bằng nước bọt nhé. Cứ cho trẻ chơi nhiều vào và đừng làm phiền trẻ. Trẻ cũng không thích bố mẹ lúc nào cũng vật trẻ ra hôn hít.
8. Ăn ngủ đúng giờ và nghiêm túc
Bố mẹ đừng quá lo lắng cho sức khỏe của trẻ đến mức cả ngày chỉ ăn với ngủ. Không đói thì trẻ không có hứng thú ăn. Hãy cho trẻ nghỉ ngơi ít nhất là 3 tiếng giữa các bữa ăn. Đừng bày trò cổ vũ rồi đợi lúc trẻ bận cười thì nhét một miếng vào miệng, rất nguy hiểm, có thể khiến trẻ sặc. Hành động này cũng hoàn toàn không kích thích được việc thèm ăn của trẻ. Hãy để trẻ ngồi yên một chỗ và tập trung khi ăn. Trẻ không ăn nghĩa là chưa đói hoặc thức ăn không ngon. Lần đầu trẻ có thể vừa ăn vừa khóc vì chưa quen bị tống vào miệng những thứ không phải là ti mẹ. Bình thường thôi, cha mẹ hãy kiên nhẫn.
Khi chán, trẻ sẽ tự ngưng ăn, đừng cố nhồi thêm. Ăn là phải ăn lúc đói và ăn thật nhanh, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
9. Tập thưa gửi
Trẻ chưa biết nói nhưng biết quay lại nhìn. Mỗi ngày, bố mẹ gọi trẻ độ chục lần cho trẻ quen phản xạ quay lại. Nên gọi trẻ bằng một tên để trẻ hiểu đó là bố mẹ đang gọi mình, gọi nhiều tên quá trẻ sẽ không hiểu gì cả.
10. Chuẩn bị tập nói
Trẻ sẽ không thể học nói nếu bố mẹ ít lời quá. Nói chuyện với trẻ nhiều vào, bỏ máy tính bảng, điện thoại xuống vì những thiết bị này có sóng điện từ không tốt cho não của trẻ. Bố mẹ lưu ý nói chuyện nhiều với trẻ cho trẻ bắt chước và… đừng nói ngọng, như thế trẻ mới nói chuẩn được.
11. Đi chơi
Trẻ thích đi chơi và đó cũng là cách để trẻ khám phá thế giới. Có thể đi về, trẻ cũng mệt nhưng bố mẹ đừng lười, đừng ngại, cứ cho trẻ đi trẻ sẽ học được rất nhiều.
Kim Kim
Post a Comment