Dưới đây là chia sẻ của anh Phan Văn Đức, sống ở Đống Đa, Hà Nội về việc gia đình bất hòa, hàng xóm kêu ca khi vợ anh nuôi gà trên sân thượng.

Trước đây, vợ chồng tôi và hai con sống với nhà nội ở vùng ven Hà Nội. Nhà rộng rãi, có nhiều đất nên vợ tôi cũng hăng hái cùng bố mẹ chồng trồng rau, nuôi gà.

Cách đây 2 năm, gia đình chuyển về nội thành để con cái có cơ hội học hành ở những trường chất lượng tốt hơn. Tôi mua căn nhà ống đã xây sẵn ở quận Đống Đa. Nhà mới chỉ có một khoảng sân nhỏ vừa đủ để hai chiếc xe máy, không còn vườn mênh mông như trước kia. Lúc nào tôi cũng thấy bí bức trong khối hộp bê tông. Tôi nhớ mỗi sớm mai đi ra vườn hít thở không khí trong lành, nhớ từng gốc cây ở nhà cũ.

Không thể chịu đựng hơn nữa, tôi quyết định dỡ toàn bộ tấm lợp fibro xi măng chống nắng trên sân thượng tầng 4 để làm vườn cây nhỏ. Sau đó, tôi đi mua ít chậu trồng những loại cây cảnh không cần chăm sóc nhiều như hoa giấy, làm giàn sử quân tử leo, thêm vài cây cảnh xanh quanh năm. Tôi cũng kê thêm bộ bàn ghế để rảnh rỗi lên uống trà.

Được một thời gian, vợ tôi gợi ý: "Đằng nào cũng trồng cây xanh, anh để em đặt vài chậu rau cho hai con có thức ăn tươi sạch hàng ngày". Ngay chủ nhật đó, từ quê nội ra, vợ tôi cầm theo lích kích hạt giống, cây con và cả một lồng đựng 6 con gà to hơn nắm tay một chút. Vợ hồ hởi bảo: "Vài tháng nữa, nhà mình tha hồ gà ta ăn, thịt chắc chứ không bở như ngoài chợ".

Vợ tôi gieo hạt, trồng cây con vào mấy thùng xốp xin được. Đàn gà để tạm trong lồng vì chưa kịp làm chuồng. Đợt đó là đầu xuân trời mưa dầm dề ẩm ướt, vợ tôi giữa buổi tối phải lên để che đậy vì sợ gà con bị ốm.

Chiều hôm sau, vợ bảo tôi tranh thủ về sớm đóng giúp chuồng gà. Tôi cũng không rành rẽ việc làm mộc nên chuồng trông xấu nhưng được cái chắc chắn. Vợ phải lấy bao tải để che chắn thêm.

Vợ tôi vốn là người chăm chỉ, chịu khó nên sáng nào cũng dậy sớm để chuẩn bị thức ăn cho gà. Ngoài cám, cô ấy còn tự thái rau muống cho gà ăn. Có tối, tôi ngửi thấy mùi hôi khó chịu thì vào bếp thấy vợ đang lúi húi đun cám gà (cơm thừa, đầu cá, cám, rau).

Dù che chắn nhưng điều kiện sân thượng lúc nóng gắt, khi mưa gió nên đàn gà chỉ còn lại 4 con. Sau đó, chúng lớn nhanh như thổi. Vợ luộc một con cho cả nhà ăn, hết sạch. Vợ phấn khởi khi thấy việc nuôi gà bắt đầu hiệu quả nên bảo tôi làm chuồng đủ cho cả chục con gà.

Nhưng kể từ đó, tôi hầu như không lên nổi sân thượng ngồi uống trà nữa, các con cũng không lên xem bố chăm cây. Bởi vừa bước chân ra sân, tôi và hai bé đã không thể nào chịu nổi mùi phân gà hôi khó tả, nhất là những hôm trời nóng bức hay nồm ẩm. Trước đây ở quê cũng nuôi gà nhưng không gian thoáng rộng nên không có cảm giác khó chịu như vậy.

Hàng xóm cũng kêu ca vì nhà tôi đặt chuồng gà ngay sát bức tường ngăn cách hai nhà trên sân thượng. Tường chỉ làm cao 1m, phía trên là lưới thép nên mùi hôi bay sang nhà họ dù ngày nào vợ tôi cũng tất bật dọn chuồng.

Đợi hôm cả nhà ăn cơm xong, ngồi xem tivi vui vẻ, tôi gợi ý: "Hay từ giờ nhà mình không nuôi gà nữa. Mãi mấy tháng mới được ăn mà em lại vất vả, quần áo dính mùi gà khó chịu lắm. Hàng xóm cũng kêu ca nhiều".

Vừa nghe tôi nói xong, vợ dằn dỗi, vợ vất vả cũng vì lo cho chồng con, muốn có gà ngon để ăn nhưng giờ lại bị chê hôi, bốc mùi. Tôi cũng không biết nói gì nên đành im lặng. Kể từ hôm đó, vợ giận nên dù cần bê vác gì trên vườn rau, chuồng gà cũng tự lụi hụi làm. Tôi có hỏi để giúp, cô ấy vẫn từ chối. Tới lúc vợ làm thịt gà nhà nuôi, tôi cũng thấy ngại, không dám gắp ăn. 

Tới một hôm, có nhóm bạn tới chơi, muốn lên sân thượng xem cây cảnh, vườn rau để về làm cho gia đình họ. Vừa đặt chân lên tới sân thượng, cô bạn đã kêu "Không biết mùi gì hôi quá!" khiến vợ tôi im lặng. Khi nhìn thấy mấy chuồng gà, mấy người bạn cũng khuyên vợ tôi đừng tốn công sức để làm việc không đem lại nhiều hiệu quả, lại khiến khoảng sân đẹp bị bốc mùi. Lời người bên ngoài hiệu quả hơn hẳn nên chỉ mấy bữa sau, đám gà đã đi vào tủ lạnh ăn dần, một phần được biếu sang ông bà.

Thấm đòn ngửi mùi phân gà gần 7 tháng, tôi chỉ hy vọng từ nay cô ấy không nổi hứng nuôi gà trên sân thượng nữa. 

Văn Đức

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top