Ăn thịt nhiễm kháng sinh trong thời gian dài sẽ gây tử vong

Hiện nay, ngành chăn nuôi nước ta đang sử dụng một lượng kháng sinh khá lớn. Điều đáng nói là phần lớn lượng kháng sinh này không phải để điều trị bệnh cho vật nuôi mà là để phòng bệnh. Tức là trộn vào thức ăn chăn nuôi với mục đích phòng bệnh cho vật nuôi.

Khi sử dụng kháng sinh như thế này sẽ hoàn toàn sai lầm vì kháng sinh là thuốc để điều trị bệnh chứ không phải là thuốc để phòng bệnh. Vì thế, việc trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh cho gia súc, gia cầm là không đúng.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), thuốc kháng sinh là thuốc để chữa bệnh nhưng nông dân trong nước đang lạm dụng nó một cách thái quá.

“Đáng lẽ khi lợn, gà,... bị bệnh thì mới cho uống kháng sinh cho đỡ ốm đau. Nhưng người chăn nuôi lại lầm tưởng nó là thuốc tăng trưởng, hoặc chí ít coi nó là một loại vắc xin "thần dược" phòng bệnh cho vật nuôi. Điều này rất nguy hiểm. Đặc biệt là khi người chăn nuôi trộn kháng sinh vào thức ăn, việc làm đó bị cấm tuyệt đối”.

  Ăn thịt lợn nhiễm kháng sinh: Người Việt đang 'ĐẦU ĐỘC' chính mình! - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Việc sử dụng kháng sinh thường xuyên trong thức ăn để phòng bệnh sẽ làm tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa. Qua đó sẽ có ảnh hưởng cực xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Một số kháng sinh có thể gây dị ứng với những người quá mẫn với kháng sinh. Một số kháng sinh nhiễm thường xuyên trong thức ăn có thể gây ung thư. Sử dụng kháng sinh thường xuyên trong thức ăn sẽ làm giảm hiệu quả điều trị của kháng sinh do liều kháng sinh thấp, không giết hết vi khuẩn. Từ đó tạo ra nhiều dòng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, ảnh hưởng rất xấu đến công tác điều trị bệnh sau này của các bác sỹ thú y và nhân y.

Những vi khuẩn kháng kháng sinh có độc lực cao như Salmonella, E.Coli, C.perfringens, Klebsiella, Shigella, Proteus, Campylobacter, có thể lây truyền giữa động vật với động vật, giữa động vật và người và sau cùng giữa người với người.

“Khi con lợn, con gà hấp thụ kháng sinh, nó sẽ không đào thải mà sẽ ngấm vào trong thịt. Và khi giết mổ, con người ăn phải những con lợn, con gà nhiễm kháng sinh như thế chẳng khác gì dung nạp độc tố vào người”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh: “Nếu con người ăn những con lợn bị nhiễm kháng sinh trong thời gian dài sẽ có nguy cơ tử vong. Và nguy hiểm nhất là sinh ra một loại siêu vi khuẩn có thể nhờn thuốc kháng sinh”.

Tuy nhiên, một thực trạng đáng báo động rằng, rất nhiều hộ chăn nuôi trong nước đang lạm dụng kháng sinh. Trên thực tế, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là thịt nhiễm kháng sinh và đâu là thịt “sạch”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết: “Người tiêu dùng bình thường không thể phân biệt được thịt nhiễm kháng sinh. Bởi vì nó không mầu, không mùi, không vị và nó chẳng khác gì một miếng thịt bình thường”.

Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, PGS.TS Lê Đình Roanh - Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát hiện ung thư Việt Nam, cho biết: “Hiện nay, chưa có bất kì nghiên cứu nào về việc người tiêu dùng ăn thịt nhiễm kháng sinh gây ung thư. Tuy nhiên, dù sao việc ăn phải những loại thịt như thế cũng rất nguy hiểm.

Đến bao giờ người Việt mới được đảm bảo sức khỏe?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan quốc tế đã chỉ ra kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng, trở thành thách thức đối với việc điều trị bệnh tật trong tương lai.

Trên thế giới, Đan Mạch là quốc gia tiên phong cho lệnh cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vào năm 1999. Đây là thành quả nghiên cứu của Frank Aarestrup - bác sỹ thú y, Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, nhờ sớm nhận ra liên hệ giữa kháng sinh và sự phát tán rộng của vi khuẩn kháng thuốc.

  Ăn thịt lợn nhiễm kháng sinh: Người Việt đang 'ĐẦU ĐỘC' chính mình! - Ảnh 2
Đến bao giờ người Việt mới được ăn thực phẩm an toàn? Ảnh minh họa.

Trong khi đó, ở châu Âu đã cấm từ năm 2006 (vẫn dùng kháng sinh phòng và trị bệnh, theo đơn do bác sĩ thú y). Tương tự, ở Nhật cũng bỏ từ năm 2009, Hàn Quốc năm 2010, Thái Lan từ tháng 7/2015… Ở Mỹ, dự kiến đến năm 2017 mới ngừng, trong khi Trung Quốc vẫn đang dùng và chưa thấy khuyến cáo gì.

Tại Việt Nam, dự kiến năm 2020 sẽ cấm sử dụng kháng sinh trong chăm nuôi. Còn ngay trong năm nay, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường kiểm tra tình trạng sử dụng kháng sinh.

“Năm 2016 xử lý triệt để chất cấm, tăng cường kiểm tra tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả”, ông Cao Đức Phát -Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định: “Tất cả các cơ quan chức năng phải kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Các vị đừng ngồi phòng lạnh mà ngồi viết chỉ thị qua mail nữa. Vì việc sử dụng kháng sinh đang ở mức cấp bách lắm rồi, các vị nên thương người dân một chút đi”.

Tiểu Lâm

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top