"Những ngày giáp Tết, lúc nào mình cũng như ngồi trên đống lửa vì nôn nao, nhớ nhà", chị Hoài, lấy chồng Thụy Điển tâm sự.

Chị Hoàng Phương Hoài, sống tại Thụy Điển: Chờ con khỏi ốm sẽ bay về Việt Nam ăn chè lam.

Chị Hoàng Phương Hoài (hiện đổi theo họ chồng là Hoai Hoang Bengtsson) đang sống cùng chồng và hai con tại Gothenburg, Thụy Điển. Chị cho biết, ở đây, cộng đồng người Việt không nhiều nhưng đến dịp Tết cũng có đủ thứ. Gạo nếp, đậu xanh, bánh trưng, giò chả đều mua được ở siêu thị châu Á. Những năm trước khi chưa có em bé thứ hai, vào dịp này, chị Hoài thường nấu các món Việt mời bạn bè Thụy Điển và họ hàng bên nội tới ăn. Mọi người thích nhất là món nem và dưa góp cà rốt, su hào. "Chồng mình rất thích Tết, năm nào cũng giúp vợ chuẩn bị. Anh ấy còn biết góp ý là 'nước chấm em pha mặn quá'", chị Hoài kể.

tet-cua-cac-nang-dau-viet-o-troi-tay

Chị Hoàng Phương Hoài cùng chồng và hai con. Ảnh: NVCC.

Anh xã và con gái chị đã về Việt Nam ăn Tết một lần và rất ấn tượng. Anh thích nhất là nấu bánh trưng, nhưng lại không biết ăn vì... dính quá. Còn cô con gái càng lớn càng thích tìm hiểu về quê mẹ nhiều hơn và còn đòi bà ngoại gửi áo dài để mặc dịp này. "Thực ra, hồi mới lấy nhau, anh ấy không hiểu sao lại phải đi thăm họ hàng. Sau này mình giải thích đấy là phong tục thì ông xã cũng thấy rất thú vị và tôn trọng. Giờ thì ông xã còn thích Tết hơn cả mình", chị Hoài chia sẻ.

Chị nói rằng, dịp giáp Tết này, chị lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa, người nôn nao, rạo rực, hễ nhớ ra một kỷ niệm nào đấy lại gọi về cho mẹ. "Nghe một bài hát, xem ảnh chia sẻ trên Facebook cũng thấy xốn xang, nhớ nhà. Mọi người ở nhà cứ kêu ca là Tết bận rộn, phải làm việc nọ kia. Nhưng mình thấy có đi xa mới nhớ, mới tiếc là giá mà mình có thể ở nhà mà làm được mọi việc", chị nói.

tet-cua-cac-nang-dau-viet-o-troi-tay-1

Hai con chị Hoài, bé Claudia 6 tuổi và Theodore-Hoàng 2 tuổi. Claudia rất thích mặc áo dài Việt Nam vào dịp Tết. Ảnh: NVCC.

Đáng lẽ năm nay chị Hoài về Việt Nam ăn Tết nhưng vì con ốm đột xuất nên lịch phải lùi lại. Chị hy vọng mình về không quá muộn để còn tận hưởng chút hương xuân. "Hôm nay mẹ gọi điện nói là nhà đang gói bánh, mình dặn thêm mẹ mua cho con món chè lam và lọ hoa violet vì có thể con sẽ về một ngày gần đây", chị bày tỏ.

Nhà văn Tâm Phan, sống cùng chồng và con gái nhỏ tại Geneva, Thụy Sĩ: "Thèm được đi chợ hoa ngày Tết, nhớ mùi lá bưởi, lá mùi..."

Từ khi theo chồng sang Thụy Sĩ sống, chị Tâm Phan thường dẫn con về Việt Nam vào dịp Tết vì chồng vẫn phải đi làm. Quê ngoại ở miền Bắc, Tết về chị thường tự tay gói bánh tày (bánh tét). "Cả anh xã chị và bé Jenna đều rất thích món bánh chưng rán", chị nói.

tet-cua-cac-nang-dau-viet-o-troi-tay-2

Chị Tâm Phan khi còn ở Hà Nội dịp Tết. Ảnh: NVCC.

Nữ nhà văn cho biết, trước khi sang Thụy Sĩ, chị và chồng từng sống ở Việt Nam 2 năm nên anh xã đã có dịp được đón Tết cùng gia đình vợ. Anh cũng đi chọn mua đào, quất rồi mang về biếu bố mẹ vợ y như những chàng rể Việt Nam. "Đối với gia đình tôi, anh như một người con trong nhà, không hề có sự khác biệt về văn hóa. Anh ngồi cùng bàn, dùng đũa thưởng thức những món ăn như các thành viên khác trong gia đình, chỉ có điều anh không dùng nước mắm thôi", chị chia sẻ.

Chị Tâm Phan cho biết, con gái chị, bé Jenna, đã đón 3 cái Tết ở Việt Nam nên cảm nhận khá rõ nét về lễ hội truyền thống này. Mới đây, chị nhận được lời mời của trường tiểu học Thụy Sĩ tới nói chuyện và giới thiệu về Tết cổ truyền ở Việt Nam và Jenna rất phấn khởi, tự hào về mẹ và quê mẹ.

Tết năm nay, đang mang bầu và sắp sinh bé thứ hai, chị không thể về quê. "Nhớ Hà Nội, nhớ không khí sum vầy với bố mẹ và các em, các cháu. Thèm được đi chợ hoa ngày Tết, ngắm đào quất. Nhớ hương bưởi, lá mùi tắm tất niên", chị thổ lộ. Tết này, bụng đã to không thể ngồi gói bánh Tét được, chị sẽ mua bánh và nấu các món ăn truyền thống để cả nhà quây quần bên nhau.

Chị Goislard Tú Anh, quê Vinh, Nghệ An, đang ở Paris, Pháp cùng chồng và 3 con: "Mình đã mua đào, bánh chưng và sẽ kể cho các con nghe thật nhiều chuyện về Tết xưa của mẹ". 

Từng 4 năm làm ở đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, chồng chị Tú Anh rất hiểu Tết là  dịp quây quần của gia đình nên luôn cố gắng cho vợ con về Việt Nam dịp này. Những năm trước, anh công tác tại các nước châu Á thì Tết nào gia đình cũng về Việt Nam. Hai năm nay, anh chuyển về quê nhà ở Pháp và cả gia đình sang đó sống nên Tết không về được vì anh vẫn đi làm và các bé vẫn đi học.

tet-cua-cac-nang-dau-viet-o-troi-tay-3

Chị Tú Anh và 3 con Nicolas Tuấn Anh 9 tuổi, Elisa Tú Anh 11 tuổi và Emma Hải Anh 4 tuổi. Ảnh: NVCC.

Chị Tú Anh cho biết, dịp giáp Tết này, chị qua quận 13, nơi người Việt tập trung đông, để mua đào, quất, bánh chưng. Để nguôi nỗi nhớ nhà và nhắc các con nhớ về quê hương, chị hay kể cho các con nghe về những Tết trước mình đã làm gì, đi đâu như năm ngoái bà mừng tuổi con, mẹ gói bánh...

"Mình muốn để các con thấy Tết luôn hiện hữu trong tâm mẹ, nhắc tới Tết là nhớ đến quê hương, nguồn cội. Cũng vì điều này, ngày thường, khi ở nhà, mình còn thường xuyên nói chuyện với các con bằng tiếng Nghệ An và dạy con nói tiếng địa phương", chị kể. 

tet-cua-cac-nang-dau-viet-o-troi-tay-4

Chị Tú Anh đã sắm đủ đào, bánh chưng để bày biện trong nhà ở Pháp. Ảnh: NVCC.

Chị cho biết, mình sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ, Tết mới được ăn no, mặc ấm nên tới khi có cuộc sống đủ đầy, những kỷ niệm thời thơ ấu luôn hằn sâu trong tâm chị. "Nhà có mỗi mình là con gái, được bố cưng lắm, Tết không về là ông mong ngóng. Đêm 30 Tết năm ngoái, các con đi ngủ rồi, mình ngồi khóc tức tưởi vì nhớ nhà quá, bao nhiêu kỷ niệm ùa về", chị thổ lộ. Tết này, chị lại làm nem, nấu thịt bò kho tàu và các món các con thích rồi hôm 29, cả nhà sẽ ăn cơm muộn hơn chút và cùng trò chuyện, rồi chụp ảnh với cành đào.

Thanh Vy, lấy chồng người Pháp: "Đây là cái Tết đầu tiên Vy xa nhà và mừng khôn tả với món quà của nhà chồng".

Cưới tháng 8/2015 và sang Pháp cùng chồng tháng 10/2015, đây là cái Tết đầu tiên Vy đón Xuân ở quê chồng. "Khu em người Việt ở ít nên cũng không có hoạt động gì mấy. Mỗi lần nghe bài 'Mùa xuân ơi' là em thấy trong lòng rộn ràng, náo nức", Vy chia sẻ.

tet-cua-cac-nang-dau-viet-o-troi-tay-5

Thanh Vy và chồng tại Pháp. Ảnh: NVCC.

Vy cho biết, bất ngờ lớn ngờ cô nhận được dịp này chính là món quà từ ba chồng: Ông là phi công của hãng hàng công Pháp và đã âm thầm đăng ký lịch bay từ tháng 10 cho con dâu về nước đúng dịp Tết. "Vì lý do riêng, em chỉ về được từ 27 Tết rồi 29 phải quay lại Pháp, ngay trước giao thừa nên cũng hơi buồn nhưng thực sự được về đã quá hạnh phúc. Lúc nghe ba chồng nói, em mừng đến phát khóc vì lúc trước tưởng sẽ không được về Tết", Vy nói. 

Vy kể, năm ngoái, chồng cô ăn Tết tại Việt Nam, hai người đã cùng chiên chả giò, bào củ cải cà rốt làm nộm rồi tự nấu cỗ, cúng ông Táo về trời. "Em luôn dành thời gian giải thích cho chồng hiểu Tết Việt Nam là gì, những phong tục cổ truyền ra sao, giảng giải từng điều, có khi liên quan tới lịch sử cả ngàn năm", cô gái sinh năm 1994 cho biết. 

Vợ chồng cô đã hẹn nhau cùng hai đôi khác, người Việt Nam, và Trung Quốc, đến mừng năm mới tại một nhà hàng châu Á vào mùng 3 Tết, sau khi cô từ Việt Nam sang. 

Vương Linh

Post a Comment

 
Top