Ngày 17/2, bệnh nhân Nguyễn Hữu Tr. (3 tuổi) trú ở phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) nhập viện tại Khoa Nhi trong tình trạng ho, khó thở. Sau một tuần điều trị tại đây, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện TƯ Huế.

Kết quả siêu âm cho thấy, nguyên nhân bệnh nhân Nguyễn Hữu Tr. khó thở là do một dị vật nằm trong phế quản, các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng đã quyết định mổ nội soi để lấy dị vật.

Chiều 23 /2, BS Nguyễn Văn Thái, Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện TƯ. Huế cho biết, sau 30 phút tiến hành mổ nội soi, đã lấy thành công dị vật là một hạt dưa nằm trong phế quản bên phải của cháu Tr. Hiện tại, sức khỏe của cháu Tr. Đang phục hồi tích cực.

  Bệnh viện Huế mổ nội soi lấy thành công dị vật nằm trong phế quản - Ảnh 1

Dị vật hạt dưa lấy ra từ phế quản bệnh nhân Tr.

Có thể thấy, sự việc trên là một bài học kinh nghiệm cho các bậc cha mẹ về việc cẩn thận hơn khi cho trẻ tiếp xúc những dị vật như: thức ăn, hạt trái cây, đồ vật nhỏ…

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái chia sẻ, việc để dị vật rơi sâu xuống phế quản, nếu để lâu sẽ gây viêm mủ nặng, xẹp phổi, viêm phổi kéo dài, áp xe phổi, tràn khí màng phổi ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ và rất khó chữa trị.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị hóc sặc dị vật là trẻ trong khi ăn uống hay chơi đồ vật đột ngột ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, mặt tím tái. Tình trạng hít sặc có thể chỉ thoáng qua như trẻ ho vài tiếng, tím nhẹ rồi tự hết nhưng có những trường hợp trẻ tím tái nặng, ngưng thở và tử vong.

Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng xử trí không để trẻ ngạt thở. Nếu trẻ nói được, khóc được thì phải nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám. Trong lúc đi, để trẻ ở tư thế ngồi hoặc mẹ bồng. Không can thiệp vì di chuyển, dị vật có thể làm trẻ ngưng thở đột ngột.

Nếu trẻ ngưng thở hoặc khó thở nặng, thực hiện ngay thao tác vỗ lưng, ấn ngực để trẻ không bị ngạt thở, sau đó đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.

Kông Thành

Post a Comment

 
Top