"Những cơn ác mộng thấy cảnh vợ mất nhiều máu rồi kêu la gào thét cứ trở đi trở lại với tôi sau thời gian chứng kiến cô ấy sinh con", một người chồng chia sẻ.
Chương trình từ thiện Sport Relief của BBC đang phát động chiến dịch nâng cao nhận thức về chứng rối loạn lo âu sau sang chấn liên quan đến sinh nở ở nam giới.
Sang chấn sinh nở gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần lâu dài. Từ trầm cảm sau sinh đến lo âu về hình ảnh cơ thể, những vấn đề tiềm ẩn có thể còn gây ra do sinh khó cũng được ghi nhận - không chỉ ở các bà mẹ. Trong khi các sang chấn về thể chất chỉ có ở phụ nữ, đã có các bằng chứng cho thấy những ông bố trẻ cũng phải chật vật tìm cách vượt qua những gì họ đã trải nghiệm ở phòng sinh. Và, như một hệ quả, nhiều người trong số này cần được tư vấn tâm lý hay hỗ trợ bằng thuốc nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức.
Jason Duncan, một lính cứu hỏa và nhân viên hỗ trợ sự cố 26 tuổi, từng gặp những tình huống đau buồn trong công việc. Tuy nhiên, sau sang chấn sinh con gái, cả đời sống riêng tư lẫn công việc của anh đều tồi tệ hơn. Ducan được chẩn đoán bị rối loạn lo âu sau sang chấn.
"Chứng kiến cảnh vợ sinh đã gây ra tình trạng này cho tôi và tác dụng phụ không mong muốn này đã ảnh hưởng tới mọi mặt cuộc sống của tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên tiếng gào xé ruột của vợ khi ấy", anh chia sẻ.
Theo Telegraph, hai năm trước, anh Duncan chứng kiến vợ bị mất máu nhiều và phải chuyển tới phòng phẫu thuật. "Tôi nhận ra các nhân viên y tế cấp tập để cứu sống vợ và em bé. Nhưng tôi đã rời khỏi phòng khi không ai biết, trong gần một tiếng, không cập nhật thêm bất cứ tin tức gì về tình hình hai mẹ con cô ấy. Tôi đã nghĩ đến điều tệ nhất và tôi rời khỏi đó với cảm giác đau buồn và bất lực. Tôi không biết liệu con mình có ổn không", anh kể lại.
Anh cảm thấy chính vấn đề tinh thần này cũng là rào cản khiến anh khó tìm cơ hội thành công trong nghề nghiệp.
"Tôi biết mình có vấn đề sau ca sinh của vợ nhưng không rõ cụ thể là gì cho tới vài tháng sau đó, khi tôi phải đi điều trị vì lo âu. Tôi kể với bác sĩ mình hay gặp ác mộng và tâm trạng trở nên tiêu cực từ lần vợ đẻ. Nó khiến tôi cáu giận vô cớ. Tôi cũng thiếu ngủ và luôn lo sợ vợ sẽ lại mang thai nên chẳng thể làm 'chuyện ấy", anh bày tỏ.
Chứng kiến vợ vật vã, đau đớn khi sinh có thể là một trải nghiệm ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý nam giới. Ảnh: Alamy. |
Duncan chỉ là một trong số nhiều trường hợp nam giới bị rối loạn lo âu sau sang chấn sinh con của vợ và hy vọng chiến dịch của Sport Relief sẽ hỗ trợ giải quyết vấn đề mất cân bằng giới về chăm sóc sau sinh.
"Khi gặp vấn đề sau cú sốc vợ sinh, tôi không bao giờ yêu cầu sự trợ giúp. Trong khi đó, vợ tôi liên tục được hỏi han và hỗ trợ, được chẩn đoán sớm tình trạng lo âu. Tôi vẫn băn khoăn liệu có nên có thêm con bởi vẫn chưa giải quyết được các vấn đề của mình từ lần sinh con trước", anh Duncan bày tỏ.
Tiến sĩ Anna Machin, một nhà nghiên cứu tâm lý tại Đại học Oxford khuyên rằng bất cứ nam giới nào bị trầm cảm hay lo âu sau khi chứng kiến ca sinh khó của vợ hãy lên tiếng - vì chỉ khi vấn đề này được nhận thức rộng rãi thì mới có thể đưa ra các phương thức dự phòng và điều trị.
"Với một số ông bố, việc sinh nở có thể giống như ngồi ở hàng ghế phía trước xe hơi khi có cuộc va chạm - nhìn thấy đó mà không thể làm gì được", tiến sĩ Anna Machin nói.
Theo nhà tâm lý, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, tình trạng rối loạn lo âu sau sang chấn liên quan đến sinh nở có thể rất khó giải quyết, đặc biệt khi bạn cũng phải chăm sóc cho em bé mới sinh và thiếu ngủ. Tuy nhiên, nếu ông bố không đối mặt với vấn đề này của mình, nó có thể là điều bất lợi cho chính đứa con họ trong cuộc sống sau này - về các kỹ năng hành vi và lời nói.
Vậy điều gì gây ra rối loạn lo âu sau sang chấn ở nam giới sau khi họ chứng kiến ca sinh khó của vợ?
"Rối loạn lo âu sau sang chấn có thể do trải qua một chấn thương nặng nề và là cách não bạn cố gắng đo lường và đối phó với sang chấn đó", tiến sĩ Machin giải thích. "Vì thế, bất cứ tình huống sang chấn sâu sắc nào đều có thể gây ra tình trạng này - như trải qua chiến tranh, tai nạn xe hơi nghiêm trọng và cả chứng kiến một ca sinh nở.
Trong các ca sinh khó, người mẹ và em bé thường gặp nguy cơ cao và ông bố có thể chứng kiến sự mất máu nặng hay những khó khăn để cứu vợ và con mình. Việc sinh nở là một trải nghiệm đáng sợ với hầu hết nam giới khi họ cảm thấy hoàn toàn không thể kiểm soát và chẳng thể làm điều gì để giúp người mình yêu thương.
Brian Gent, một giảng viên đại học, từng đối mặt vấn đề này khi thấy con gái mình chào đời. "Cảm giác sợ hãi và vô dụng thật kinh khủng. Tôi hoàn toàn thấy suy sụp và không biết điều gì sắp diễn ra", anh kể lại.
"Tôi ôm một chân vợ, bên cạnh là một cô hộ sinh trẻ đang giữ chân kia. Bác sĩ lôi em bé ra một cách khó nhọc. Tôi sẽ không bao giờ quên âm thanh tiếng dao kéo chạm vào da vợ và tiếng gào thét của cô ấy. Tôi đứng đó, ôm chân vợ và nhìn mọi thứ diễn ra".
Tiến sĩ Machin công nhận cảm giác như "người thừa" trong phòng sinh có thể cũng thêm gánh nặng tâm lý cho người chồng. "Các y bác sĩ nhiều khi còn mải lo cho sản phụ nên chẳng còn thời gian mà thông báo cho ông bố những gì đang diễn ra. Và người đàn ông có thể thấy mình thật vô dụng khi thấy người thân yêu phải đau đớn, gặp nguy hiểm mà chẳng thể giúp gì", ông nói.
Gary chịu đựng rối loạn lo âu sau sang chấn sau khi con gái chào đời và bày tỏ với Hiệp hội sang chấn sau sinh rằng anh cảm thấy xa cách với đứa con mà vợ mình đã phải chịu quá nhiều đau đớn để sinh ra. "Bây giờ vợ tôi đã khá hơn. Tôi cũng bắt đầu dành thời gian để chăm sóc cho bản thân và tôi thấy những triệu chứng của mình cũng giống như chứng trầm cảm sau sinh của vợ", anh nói.
"Thỉnh thoảng tôi cảm thấy mình không gần gũi với con gái. Những giấc mơ hay đoạn hồi tưởng về ca sinh trở nên sống động hơn bao giờ hết. Chỉ mình tôi biết tôi cảm thấy gì và thực sự không thể chia sẻ những cảm xúc này vì vợ tôi cho rằng nó quá riêng tư nên tôi chỉ có thể nói với cô ấy. Tuy nhiên, vì không muốn vợ nghĩ rằng chính cô ấy làm cho tôi đau buồn, lo âu, tôi chẳng thể nói hết mọi điều. Đàn ông thường bị bỏ quên và gạt sang một bên, ngay cả khi có những tài liệu chứng minh các ông bố cũng chịu tác động của vấn đề này. Rõ ràng, nam giới cũng có nhu cầu cần được hỗ trợ", anh Gary bày tỏ thêm.
Tiến sĩ Machin, từng có các nghiên cứu về mối quan hệ giữa các ông bố và con mới sinh, cũng tin rằng tình trạng tâm lý của nam giới cần được chú ý hơn.
"Đây là một lĩnh vực cần được nghiên cứu cấp bách nhưng chúng tôi dường như cần phải thuyết phục mọi người rằng điều đó không chỉ quan trọng với các ông bố mà còn với cả vợ và con họ. Trong lúc này, khi còn thiếu kinh phí, việc khiến mọi người tập trung vào sức khỏe tâm thần của các ông bố khá khó bởi vì chúng ta vẫn ưu tiên các bà mẹ hơn. Nhưng chúng ta cần nhìn vào bức tranh lớn hơn khi không giải quyết các vấn đề về tinh thần ở bố mẹ và nhận ra rằng những điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thể chất và tinh thần của trẻ trong quá trình phát triển", chuyên gia nói.
Vương Linh
Post a Comment