Chị Tuyết (Hà Nội) vừa phải đưa cậu con trai 8 tuổi đi khám tâm lý vì cậu thường quậy phá, đánh và thậm chí bóp cổ em trai kém mình 4 tuổi.
Bé Hải con trai chị Tuyết ở Từ Liêm, Hà Nội, đang học lớp 3, có em trai gần 4 tuổi. Theo lời mẹ bé, từ nhỏ, Hải đã tỏ ra không quấn quít với em, càng lớn thì lại càng hay tranh giành, đánh, thậm chí có hôm bóp cổ khiến em bị ngạt. Thời gian gần đây, Hải còn hay cãi lại ông bà, bố mẹ, thậm chí có hôm còn quay ra chống trả khi bị bố đánh. Thấy con "không ổn", chị Tuyết dụ bé đến gặp nhà tâm lý. Điều đáng ngạc nhiên là, khi đến nơi, Hải yêu cầu mẹ phải ra ngoài để "con nói chuyện một mình với bác".
Khi nhà tâm lý hỏi chuyện học hành, việc ở trường lớp, Hải nói mọi thứ đều ổn. Tới lúc nói về chuyện ở nhà, Hải bảo "cả nhà hắt hủi cháu". Theo lời cậu bé thì tất cả gia đình đều chỉ thương và nghe lời cậu em trai, còn Hải thì làm hay nói gì cũng bị cho là sai. Bố mẹ hễ thấy cậu em khóc là đổ tội do anh trêu, thậm chí còn đánh anh. Ông bà thì luôn chiều em, lúc nào cũng bảo Hải phải nhường nhịn em. Đồ chơi, bánh kẹo, sữa... em bé luôn được nhiều hơn.
Khi chuyên gia hỏi cậu nhóc 8 tuổi là bây giờ cháu muốn thế nào thì Hải liệt kê ra ngay 3 "giải pháp" của mình: Một là, từ nay mẹ phải bớt ngủ với em bé. "Trước, ngày nào mẹ cũng ngủ cùng em, bắt cháu ngủ với ông bà. Giờ một là mẹ ngủ cùng anh 3 buổi, em 4 buổi hoặc cho cả hai anh em ngủ riêng", cậu nhóc nói. Hai là, mẹ không đưa em đi học nữa mà để ông đưa. Cậu nhóc cho biết, trường hai anh em ở gần nhau nhưng hôm nào mẹ cũng đưa em bé đến lớp, còn anh phải đi cùng ông. Ba là, bố mẹ phải mua đồ chơi cho hai anh em bằng nhau và bố không được đánh Hải nữa.
"Nghe một cậu bé lớp 3 nói mà chính tôi cũng thấy bất ngờ. Có lẽ cậu bé đã nghiền ngẫm trong đầu những điều này lâu lắm rồi", thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý NT (Hà Nội), người tham vấn cho Hải chia sẻ.
Ảnh minh họa: Anthonyrao. |
Nhà tâm lý cho biết, trong mười mấy năm trong nghề, anh thường xuyên tiếp nhận trẻ được bố mẹ đưa đến vì "có vấn đề tâm lý" sau khi có em. Với trường hợp của mẹ bé Hải, cũng như 90% các bố mẹ đưa con đến gặp chuyên gia về vấn đề tương tự, ban đầu chị cũng khẳng định vợ chồng mình đối xử với hai con rất công bằng, không hề thiên vị bé em. Tuy nhiên, khi nghe nhà tư vấn chia sẻ lại những điều con trai kể, chị thừa nhận đúng là từ khi sinh bé thứ hai, chị ít thể hiện tình cảm với con lớn, không cho bé ngủ cùng, không đưa con đi học, ít mua đồ chơi cho... so với trước.
"Em vẫn nói yêu con và nghĩ em bé hơn thì cần được chăm sóc hơn thôi, không ngờ cháu lại nghĩ vậy và đặc biệt là con chưa bao giờ nói ra điều đó", chị chia sẻ. Sau khi nghe "3 đề xuất" của con, chị đã đồng ý thực hiện nhưng cậu nhóc còn đưa thêm yêu cầu "sau 3 tháng phải quay lại gặp bác (nhà tâm lý), nhỡ đâu mẹ nói rồi về nhà không làm".
Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn chia sẻ, hầu như bố mẹ nào khi có hai con trở lên cũng nghĩ rằng mình không đối xử thiên vị với con nào. Tuy nhiên, điều đó lại không thể hiện trong hành vi, cách ứng xử hằng ngày của họ với trẻ. Thông thường, khi có em bé, người lớn thường yêu cầu trẻ lớn luôn phải yêu em, nhường nhịn em mà đôi khi không để ý đến tâm trạng, thái độ của trẻ. Nhiều khi, có thể do em bé hơn hay ốm hoặc có vấn đề cần quan tâm đặc biệt mà cha mẹ cũng thường xuyên thể hiện sự nựng nịu, chú ý hơn hẳn mà không giải thích với bé lớn khiến bé tưởng nhầm mình bị ra rìa.
Có những trẻ phản ứng với việc này bằng cách phá phách, hay trêu em, thậm chí đánh em nhưng cũng có những bé thu mình lại. Trường hợp một gia đình mới đến gặp chuyên gia ngày hôm qua là ví dụ. Người mẹ kể, con lớn của chị hơn 4 tuổi, bé em vừa tròn 18 tháng. Từ lúc có em, anh lớn ngày càng ít nói và tới bây giờ hầu như không nói gì nữa.
Nhà tâm lý chia sẻ, thực tế, sự ganh tỵ giữa anh chị em hầu như nhà nào cũng có nhưng mức độ ra sao thì thường chủ yếu do cách ứng xử của người lớn trong gia đình với các trẻ. Thông thường, quá trình này không diễn ra ngày một ngày hai mà là cả thời gian dài. Trẻ không có khả năng diễn đạt như người lớn, và đôi khi, trẻ cũng không tìm thấy ai để lắng nghe những ấm ức bé muốn thổ lộ. Khi đó, trẻ có thể biểu hiện bằng các hành động tiêu cực, thậm chí tích tụ thành những ý nghĩ đáng sợ.
"Tôi từng làm các thực nghiệm như đưa cho trẻ chơi búp bê thì bé xé, cào cấu, bóp cổ, khi cho ăn thì chọc thìa vào miệng đồ chơi. Hay một lần khác, khi được hỏi 'nếu một gia đình nhà chim, chim bố và mẹ bay đi kiếm ăn, chỉ có chim anh và chim em ở nhà thì anh sẽ làm gì', trẻ trả lời ngay 'xô cho chim em ra khỏi tổ để bố mẹ về chỉ quan tâm chim anh thôi", anh Chuẩn kể lại.
Nhà tâm lý cho hay, trẻ em không nghĩ logic như người lớn là em bé là phải được yêu, chiều hơn, hay "trước con bé cũng được cả nhà chiều chuộng như thế rồi". Trẻ chỉ thích mình là trung tâm nhưng nay thì ngày ngày chứng kiến mọi người trong gia đình nựng nịu em, "bỏ rơi" mình, bé cho rằng chính em đã "cướp" hết mọi quyền lợi của mình.
Theo nhà tâm lý, việc đối xử thiên vị làm hỏng cả anh lớn và em bé: Khiến trẻ lớn mất đi cái tôi khi phải hy sinh mọi thứ còn em bé trở thành ích kỷ. Dù vậy, dù bố mẹ có cố gắng công bằng đến đâu cũng khó tránh xảy ra sự ghen tỵ giữa anh chị em nên người lớn chỉ có thể cố gắng giảm thiểu ở mức tối đa cảm xúc thù địch của con bằng những cách như:
- Không nên sinh con quá gần nhau: Trẻ còn nhỏ đang được ấp ủ, giờ đột nhiên bị tách ra thì cảm giác "thù địch" thường tăng lên. Nếu sinh con cách nhau 4-5 tuổi thì trẻ đã có một thời gian dài được cảm nhận tình yêu thương đùm bọc của cha mẹ, đồng thời đã có khả năng phục vụ bản thân, có nhận thức tốt hơn.
- Hãy thể hiện tình yêu với con bằng hành động cụ thể, đừng chỉ nói. Trẻ cảm nhận tốt bằng trực giác. Với bé, nếu mẹ yêu con nghĩa là mẹ phải ôm con, trò chuyện với con, mua cho con sữa hay đồ chơi nhiều như em, đưa con đi học... Thực ra, chính trẻ mới không dễ bị lừa bởi "những lời đầu môi như người lớn". Trẻ cảm nhận mọi thứ qua hành động hơn là lời nói. Cũng vì lý do này, trong gia đình, nếu con đã luôn thấy được bố mẹ yêu thương, tin tưởng thì những lời nói của người ngoài sẽ không ảnh hưởng nhiều. Nhưng nếu chính trẻ đã đang cảm thấy bị bỏ rơi trong nhà mình, thì chỉ một câu đùa của người lớn có thể như "giọt nước tràn ly" củng cố thêm cảm xúc và hành động của trẻ.
- Chớ tước hết các quyền lợi của trẻ khi bé có em: Được mẹ ôm, ngủ với mẹ, được cả gia đình yêu thương, chăm sóc... là những thứ trẻ có khi chưa có em. Tất nhiên, khi có thêm thành viên cần phải chăm sóc, những đặc quyền này của anh/chị sẽ bị giảm bớt nhưng đừng tước đi hết của con và cần tập cho bé thích nghi dần dần chứ không thực hiện một cách đột ngột.
- Chuẩn bị tâm lý cho anh/chị trước khi em chào đời. Hãy để bé hiểu, em rất nhỏ bé, rất cần được anh/chị yêu thương và bảo vệ. Giao cho con lớn nhiệm vụ chia đồ ăn cho em và quyền "khuyên bảo" khi em sai. Hãy cho trẻ thấy có em là trẻ thêm quyền lợi và trách nhiệm.
- Nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện tỵ nạnh với em, hãy gần gũi hỏi trẻ cảm thấy thế nào để con chia sẻ cảm xúc và không phán xét bé là "hư", "không yêu em"... từ đó bố mẹ tự điều chỉnh lại cách ứng xử trong gia đình.
Vương Linh
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi
Post a Comment