Sau hơn 10 năm không có bệnh nhân bị viêm não mô cầu, mới đây, ngày 22/2 Hải Dương đã có một bệnh nhân mắc bệnh này và tử vong rất nhanh sau khi được phát hiện. Sự việc đã gây hoang mang trong dư luận.

Trước diễn biến bệnh Viêm màng não mô cầu gây ra, vào chiều ngày 25/2 PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đơn vị đã gửi văn bản khẩn đến Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh do não mô cầu.

  Sau cái chết của nữ sinh Bộ Y tế chỉ đạo khẩn chống viêm não mô cầu - Ảnh 1

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn Sở Y tế các tỉnh phòng chống viêm màng não mô cầu (Ảnh minh họa).

Theo đó, nội dung của văn bản được phát đi như sau:

Bệnh viêm màng não mô cầu - một loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng. Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện quanh năm, có thể xảy ra dịch vào thời tiết mùa thu, đông và xuân.

Theo Cục Y tế dự phòng, trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 ghi nhận các trường hợp mắc bệnh rải rác tại một số tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn và mới đây nhất là tỉnh Hải Dương. Để chủ động phòng, chống bệnh do não mô cầu, Cục Y tế dự phòng đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo triển khai một số nội dung:

Tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh do não mô cầu, các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm người lành mang trùng, điều trị dự phòng và triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng.

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tổ chức tốt việc chẩn đoán sớm, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế biến chứng và tử vong, thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch.

Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh, khi tiếp xúc nơi đông người, gần người bệnh, ở tại ổ dịch thì cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng muối sinh lý, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời; vận động người dân đi tiêm chủng phòng bệnh tại các cơ sở y tế dự phòng.

Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho cơ sở triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị (theo mẫu đính kèm), lập báo cáo gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và Cục Y tế dự phòng.

Trả lời thêm trên tờ Phapluat.vn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Cục Y tế Dự Phòng cũng khuyến cáo người dân nên đi tiêm phòng.

Lan Anh (T/h)

Post a Comment

 
Top