Có hai con trai nhưng hầu như năm nào bố mẹ anh Khánh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng ăn Tết một mình vì các con về quê vợ hết.
"Vợ mình là con gái một, quê ở Vinh (Nghệ An), không về thì bố mẹ vợ buồn vì đã lủi thủi cả năm rồi. Anh trai thì lấy vợ quê Yên Bái, trong năm cũng ít về nhà ngoại, nên Tết cả hai anh em mỗi người một ngả, về nhà ngoại hết", anh Khánh, 30 tuổi, Hà Nội, cho biết.
Anh Khánh kể, bố mẹ anh đều là những người rất tốt bụng, đối xử với con dâu không khác gì con gái. Vì vậy, khi các con trai ngỏ lời muốn đưa vợ về nhà ngoại dịp này, ông bà đồng ý ngay. "Tết ở nhà mình cũng đơn giản. Bố mẹ tuy vắng các con nhưng chưa bao giờ tỏ ra phiền hay buồn lòng. Các cụ luôn nhắc phải đối xử tốt với gia đình vợ", anh Khánh chia sẻ.
Anh cho biết, nhiều người từng góp ý với bố mẹ anh là không nên quá "dễ tính" như vậy, ít nhất cũng bắt hai cậu con trai thay phiên ở nhà, chẳng hạn năm nay anh cả ăn Tết nhà vợ thì gia đình cậu em phải đón xuân cùng nhà nội. "Thế nhưng hai cụ lắc đầu bảo, cả năm có kỳ nghỉ dài nhất, các con thích đi đâu cũng được, cốt vui. Tết là để vui chứ không phải dịp bắt nẹt nhau. Có những năm, từ 27 Tết là cả hai anh em đã sang nhà bố mẹ ăn tất niên để hôm sau về nhà ngoại hoặc đi du lịch", anh kể.
Anh Duy Tuấn nhiều năm tự tay gói bánh trưng và thường chuẩn bị Tết tại gia đình mình chu đáo rồi mùng 2 đưa vợ con về quê ngoại ăn Tết. Ảnh: NVCC. |
Suốt 10 năm nay, cũng cứ mùng hai là anh Nguyễn Duy Tuấn, Tổng cục Công nghiệp Quốc Phòng, lái xe đưa cả nhà từ thủ đô về quê vợ ở Thái Bình đón Tết. "Ngày về thì cố định vậy rồi, còn ngày trở lại Hà Nội thì tùy ý vợ, nếu lịch nghỉ Tết dài và chưa có hẹn hò gì với bạn bè đồng nghiệp ngoài thủ đô thì có khi mùng 5-6 mới đi", anh Tuấn cho biết.
Vợ chồng anh Tuấn cùng hai con hiện sống với mẹ anh tại Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Từ ngày lập gia đình, anh đã đề xuất Tết sẽ cùng vợ về quê ngoại và được cả gia đình tán thành. "Thực ra, mình còn háo hức hơn vợ ấy chứ. Nhà ngoại sống rất vui vẻ, đoàn kết, đầm ấm lại quý người nên mình rất thích về đó. Hơn nữa, vợ đã ở nhà mình suốt cả năm, mình cũng được gần bạn bè đồng nghiệp cả năm, vậy thì vài ngày tết đưa vợ về quê là hợp lý", anh nói.
Anh cho biết, bố mẹ hai bên vợ chồng anh luôn ủng hộ con cái và rất quý mến nhau nên "ngay cả chuyện bố vợ lên nhà mình hay bố mẹ đẻ mình về quê vợ đều thấy rất thoải mái, vui vẻ". Suốt 10 năm nay, chỉ có năm 2013 là Tết vợ chồng anh không về nhà ngoại, khi bố anh mới mất.
Vợ anh là con gái út trong gia đình đã có 5 anh trai, đều uống rượu rất khỏe. Bởi thế, năm đầu sau cưới, biết Tết thể nào chồng về quê cũng có màn ăn nhậu, vợ anh đã chủ động mua rượu và làm đồ nhắm cho chồng tập uống mấy tháng trước đó. "Mình tập uống cả tháng trời quần quật mà chai rượu chỉ vơi có một nửa, còn mình thì béo lên vì ... mồi nhậu. Vợ thấy không thể 'cải tạo' được nên đành bỏ cuộc", anh Tuấn vui vẻ kể lại.
Tết năm đó, anh đã chủ động thưa chuyện với các anh bên vợ là mình không thể uống được rượu và muốn được tỉnh táo hoàn toàn trong những ngày ở quê để được làm quen với toàn thể gia đình, họ hàng, được đi thăm những nơi có phong cảnh đẹp ở quê hương. "Thật vui là các anh đều vui vẻ ủng hộ, vậy là ai uống được bao nhiêu thì uống, chỉ cần nâng cốc rồi nhấp môi cũng được và điều đó vẫn kéo dài đến tận bây giờ", anh Tuấn hồ hơi chia sẻ.
Theo anh, cả năm ở phố xá đông đúc, dịp Tết, các con anh cũng rất háo hức khi về quê ngoại vì được anh anh chị em dẫn đi chơi, sau đó thăm đồng ruộng, xem người dân đi nhổ mạ, cấy lúa (có khi từ mùng 3, mùng 4 Tết) và biết được người nông dân vất vả thế nào để làm ra hạt lúa.
Tất nhiên, trước khi về quê ngoại, vợ chồng anh đã lo mọi việc trong Tết và ngày mồng một như tảo mộ, thăm hỏi họ hàng, thậm chí nhiều năm anh còn gói bánh chưng, chị chuẩn bị đồ ăn đầy đủ cho bà nội ở nhà và cho khách tới. "Nhà mình còn em gái ở liền bên cạnh, các cậu, các dì cũng ở quanh thủ đô nên mỗi khi mình đi vắng vẫn bảo đảm có nhiều người ở nhà cùng bà nên cũng yên tâm", anh bày tỏ.
Anh Thành (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, 5 năm nay, hầu như cứ 28-29 Tết là anh và vợ lại khăn gói lên đường về nhà ngoại. "Đây là đề xuất của bố mẹ tôi. Tôi nhớ mãi, năm đầu tiên, khi nghe bố tôi bảo 'Cả năm cái Nhàn ở nhà mình rồi, Tết con đưa vợ về với ông bà ngoại cho vui', vợ suýt khóc", anh Thành kể.
Anh cho biết, anh là con trai út trong gia đình có hai anh em. Anh trai lấy vợ Hà Nội, đã ở riêng, Tết thường qua lại giữa hai nhà nội ngoại. Vợ anh quê Quảng Bình nên hầu như năm chỉ về một lần.
"Từ ngày cưới tới giờ, chỉ có một năm hai vợ chồng không về ngoại, là lần vợ mới sinh em bé. Hồi đó, ra Tết là ông bà ngoại bay ra thăm cháu rồi", anh chia sẻ.
Anh Thành cho rằng, Tết đến ai cũng muốn sum họp với gia đình mình. Bản thân bố anh, trước đây, Tết năm nào cũng đưa các con về nhà vợ (ở ngoại thành Hà Nội). Sau này, khi các con lớn hơn thì gia đình anh về nội và ngoại mỗi nơi một ngày, còn lại thì các con đi với bạn bè, bố mẹ cũng đi chơi riêng. "Mình thấy rằng, khi mình và gia đình mình đối xử tôn trọng và cởi mở với nhà vợ, thì vợ cũng rất nể và luôn sống chân thành, hết mình với nhà chồng", anh nói.
Vương Linh
Post a Comment