Ngày Tết, tôi thấy trong đại gia đình mình, nếu các bà nấu ăn, bếp núc thì các ông dọn dẹp, quét nhà, lau kính, làm sạch mạng nhện...

Chia sẻ dưới đây là của Trang Pi, một cô gái trẻ chưa lập gia đình, đang sống tại Hà Nội, phản biện lại nhận định "Tết là dịp đàn ông vô tâm" trong bài viết gây xôn xao dư luận của nhà văn Trang Hạ.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một dòng họ toàn lính. Ông bà nội tôi sinh ra hơn chục bác chú. Hơn chục bác chú đó lại sinh ra vài chục các anh em. Họ nhà tôi ít cháu gái, trong đó có tôi và thú thực, tôi chẳng có tý ưu điểm gì của phụ nữ cả. Nhưng tôi vốn là người nhìn mọi mặt đều tìm hiểu cả 2: mặt trái và mặt phải.

Hồi trước khi tôi còn nhỏ nhỏ, tôi thấy các bà chị họ, dì cô... cứ Tết là cắm đầu vào làm, nấu nướng, ninh măng, nấu miến, ngâm mọc nhĩ, nấu nước rau mùi tàu rửa mặt. Tôi luôn hỏi tại sao mọi người lại làm nhiều thế mà lại thấy vui? Sau này tôi mới hiểu, có những người phụ nữ, niềm vui của họ đơn giản chỉ là... được vào bếp và nấu những món ngon cho cả gia đình hoặc khéo tay bày mâm ngũ quả, lo cho cả nhà chu đáo một cái Tết. Thậm chí, họ còn không cho chồng hay đàn ông giúp, cứ vào là bị họ đuổi ra ngoài... ngồi chơi, uống nước.

da-so-dan-ong-xung-quanh-toi-deu-dam-dip-tet

Nhiều nam giới đảm việc nhà và thích tự tay gói bánh vào dịp Tết. Ảnh minh họa: Kiều Minh Huyền.

Nhà tôi thờ điện, bố mẹ tôi duy tâm và khá tín. Cứ ngày rằm, mùng một, dù nhà có giúp việc nhưng cả bố mẹ tôi cùng nhau làm các việc như: sắp vàng mã, đi chở ông ngựa, bày cỗ cúng chúng sinh. Nhất là ngày Tết, tôi thấy đàn ông trong gia đình mình cùng làm việc với phụ nữ, nếu các bà nấu ăn, bếp núc thì các ông dọn dẹp, quét nhà, lau kính, làm sạch mạng nhện... Bản thân bố tôi còn tự lái xe chở một đống chăn màn từ mùa rét đi ra tiệm giặt, bố cũng tự tay thổi xôi làm đồ lễ cúng ông bà mà chẳng cần nhờ lính tráng nào...

Khoảng 8 năm trở lại đây, ngày Tết đến xuân về, bố mẹ tôi thường thống nhất làm đơn giản cho nhẹ nhàng, để đỡ vất vả cúng bái: sườn thì rim sẵn để tủ lạnh, ít hành mùi và rau sống cho vào bún là xong, không bày vẽ. Tôi cũng thấy nhiều gia đình bây giờ như thế, mọi thứ đơn giản hơn để cho người phụ nữ đỡ mệt.

Đàn ông bây giờ họ cũng bớt gia trưởng hơn xưa, các bạn trẻ thì luôn cố gắng để gia đình đi du lịch Tết. Nói chung cuộc sống có phần cải thiện hơn rất nhiều. Ngoại trừ những vùng nông thôn còn lạc hậu hoặc sống quá phong kiến chứ tôi thấy người phụ nữ bây giờ cũng đỡ mệt mỏi hơn rất nhiều.

Tôi rất tôn trọng chị Trang Hạ và từng đọc nhiều tác phẩm của chị. Tôi cho rằng, một nhà văn có thể cường điệu hoá chút nhưng nên có phần tôn trọng số đông. Ta có thể phát ngôn dựa trên cá tính và chính kiến của bản thân nhưng ta không có quyền (hoặc không thể) phủ nhận nhiều điều tốt đẹp của cuộc sống. 

Khi tôi viết những dòng này, bố tôi (tất nhiên là đàn ông) đang đi trực Tết nhưng vẫn nhắn tin cho mẹ tôi rằng: "Đừng bày vẽ ra nấu cho mệt! Năm nay đặt cỗ chay về nhàn hơn nhiều mà họ nấu ngon lắm". Các bác tôi (cũng là đàn ông) đang đi chọn đào, quất, hải đường cho gia đình. Khách đến cửa hàng nơi tôi làm việc (cũng là đàn ông) đang chọn quần áo, mỹ phẩm, túi cho vợ. Bất chợt khi lướt những dòng của Trang Hạ, tôi thấy thương thương họ. Họ không than vãn, không thể hiện, không có nghĩa là họ không làm gì. Người xấu, kẻ gia trưởng rất nhiều nhưng chúng ta không có quyền "phủ đầu" cho tất cả.

Trang Pi

Mời bạn gửi ý kiến, chia sẻ về vấn đề "đàn ông vô tâm dịp Tết" tại đây hoặc gửi về giadinh@vnexpress.net.

Post a Comment

 
Top