Theo tờ Channel News Asia (Singapore), Brazil vừa thả hơn một triệu muỗi vằn Aedes đã bị nhiễm một loại vi khuẩn có khả năng chống virus gây bệnh sốt xuất huyết và nhiều loại virus khác như virus gây bệnh Zika hay bệnh sốt chikungunya.
Hôm 29/8, tại thành phố Rio de Janeiro, các nhà khoa học Brazil thuộc viện nghiên cứu Fiocruz bắt đầu thả hơn một triệu muỗi vằn Aedes (trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết) đã bị cho nhiễm Wolbachia – loại vi khuẩn có khả năng ngăn chặn loài muỗi này lan truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết sang người.
Muỗi vằn Aedes bị nhiễm Wolbachia có khả năng chống virus gây bệnh sốt xuất huyết. |
Các nhà khoa học hy vọng, số muỗi này sẽ sinh sôi nảy nở và lây lan Wolbachia trong loài muỗi vằn Aedes để làm giảm khả năng lây sốt xuất huyết và các virut khác như Zika và chikungunya sang người.
Viện Frocruz dự định sẽ thả 1,6 triệu muỗi vằn đã cho nhiễm Wolbachia trong một tuần, đợt tiếp theo sẽ thả 3 triệu con.
Ông Luciano Moreiro, người đứng đầu dự án cho hay: “Chúng tôi nhận thấy muỗi vằn Aedes đã bị nhiễm Wolbachia có khả năng ngăn chặn và giảm khả năng truyền các loại virus như virus gây sốt xuất huyết, virus Zika và virus gây bệnh sốt chikungunya. Khi số muỗi này được thả ra, chúng sẽ lan truyền Wolbachia sang các con muỗi vằn chưa bị nhiễm khác”.
Brazil bắt đầu dự án từ năm ngoái. Tuy nhiên, sáng kiến này bắt nguồn từ Australia. Australia đã sử dụng phương pháp thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia trong Chương trình Hướng tới loại trừ Sốt xuất huyết tại Townsville, Australia từ năm 2016.
Vi khuẩn Wolbachia sống trong 60% các loài côn trùng. Nó hoạt động như một loại vắc xin cho muỗi vằn mang bệnh sốt xuất huyết, giúp ngăn chặn virus gây bệnh sốt xuất huyết sinh sôi trong cơ thể muỗi.
Wolbachia cũng có ảnh hưởng đến sinh sản. Nếu một muỗi đực mang vi khuẩn thụ tinh cho một con cái không mang vi khuẩn, các trứng không biến thành ấu trùng.
Nếu cả con đực và con cái cùng mang vi khuẩn Wolbachia hoặc chỉ cần muỗi cái mang vi khuẩn, lứa muỗi tiếp theo sinh ra sẽ mang vi khuẩn Wolbachia.
Theo Infonet
Post a Comment