Thiếu máu hồng cầu nhỏ có nhiều nguyên nhân trong đó có thể do thiếu sắt hoặc cũng có thể do Thalassemia. Nếu trẻ bị Thalasssemia, bố mẹ tự ý bổ sung sắt sẽ khiến trẻ gặp phải biến chứng nguy hiểm.

Sức khỏe - Bố mẹ tự ý bổ sung sắt có thể khiến trẻ nguy hiểm

Trẻ bị Thalassemia có biến chứng lên gan do ứ sắt ở gan, da, xương... (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM cho hay đã có trường hợp trẻ bị Thalassemia nhưng phụ huynh không biết vẫn vô tư bổ sung sắt khiến trẻ bị biến chứng lên gan do ứ sắt ở gan, da, xương.

Bác sĩ Sang cho biết: "Tôi mới chẩn đoán cho một bé bị beta-Thalassemia và "té ngửa" ra rằng phụ huynh đã cho cả nhà uống sắt từ khi được xét nghiệm ở dưới quê. Vị phụ huynh này chia sẻ là tra trên mạng và hỏi thăm một chị cùng xóm có con bị tương tự nên lấy toa thuốc sắt đi mua về uống chung. Cả nhà đã uống sắt nửa năm nay. Việc làm của vị phụ huynh này cực kỳ nguy hiểm".

Bác sỹ Nguyễn Thanh Sang phân tích: "Thiếu máu hồng cầu nhỏ có nhiều nguyên nhân trong đó có thể do thiếu sắt hoặc cũng có thể do Thalassemia hoặc các bệnh lý nội khoa mạn tính tiềm ẩn khác chưa được tìm ra. Nếu thực sự là thiếu sắt thì việc sử dụng sắt sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng thiếu máu sau 30 - 60 ngày bổ sung sắt uống theo liều quy định, hoặc dạng siro.

Nếu là Thalassemia thì việc tự ý sử dụng sắt là cực kỳ nguy hiểm bởi vì một trong các biến chứng nặng nề và lâu dài của Thalassemia là phải truyền máu định kỳ, thậm chí hàng tháng.

Truyền máu hơn 20 lần phải có chỉ định thải sắt của bác sĩ để tránh biến chứng lên gan, thận, xương sọ... Nên chuyện bố, mẹ tự ý sử dụng sắt cho con khi thấy con xét nghiệm thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc là sai.

Một số bệnh lý nội khoa như viêm ruột, xuất huyết tiêu hoá tiềm ẩn, Helicobacter pylori... cũng gây ra tình trạng thiếu máu nhưng đây là nhóm nguyên nhân phân biệt khi loại được 2 nguyên nhân phổ biến trên và phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa, không thể tự ý bế bé ra mấy khu xét nghiệm ngoại trú làm là xong!

Thalassemia phải được làm xét nghiệm định lượng nồng độ sắt huyết thanh, TIBC và làm điện di hemoglobin... trước khi kết luận cuối cùng được đưa ra. Khi chắc chắn là bình thường thì bác sĩ sẽ bổ sung sắt cho con của bạn".

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang nhấn mạnh: "Là một bác sĩ, tôi khuyên các bạn đừng tự ý dùng 1 viên thuốc, dù là thuốc bổ".

Đỗ Thơm

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top