Chị Phương Hảo, sinh năm 1979, đang sống cùng chồng là anh Andrea, người Italy, và 3 con tại nước Cộng hòa Uzbekistan theo dự án Bác sỹ không biên giới, nơi anh đang làm việc. Anh chị kết hôn 9 năm và đã bên nhau 14 năm.
Lựa chọn cuộc sống nay đây mai đó theo các dự án của chồng, chị Hảo phải từ bỏ công việc thiết kế ở Italy để lui về đứng sau gia đình, chăm sóc các con và làm dịch thuật. Con gái đầu lòng của anh chị sinh ra tại Thái Lan năm 2009, con trai thứ hai sinh tại Kenya hơn một năm sau đó và con trai út mới được 8 tháng tuổi. Hai bé con đầu của chị đều có thể nói từ 5 đến 6 thứ tiếng.
Dưới đây là chia sẻ của chị về hành trình học tiếng của con:
Chồng tôi làm ở tổ chức Bác sĩ không biên giới nên cứ khoảng vài năm, chúng tôi lại di chuyển sang một đất nước khác theo các dự án cứu trợ mới. Vì được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và đi đến nhiều quốc gia khác nhau nên các con tôi cũng có điều kiện học các ngôn ngữ mới.
Tôi vẫn luôn quan niệm dù con có thể nói được nhiều thứ tiếng nhưng trước hết, con phải biết tiếng Việt. Ngay từ khi bé đầu Bianca Diệu Minh sinh ra, tôi đã nói tiếng Việt với con rất nhiều. Tôi muốn con có thể nói chuyện được với ông bà ngoại và không gặp khó khăn gì khi trở về Việt Nam.
Tổ ấm hạnh phúc nhà chị Phương Hảo. |
Tôi hay trò chuyện tâm sự với con, khi con không biết từ gì thì tôi sẽ giải thích ngay và nhắc lại nhiều lần để bé nhớ. Khi đọc sách cho con bằng ngôn ngữ khác (như tiếng Anh hay tiếng Italy), tôi thường đọc bằng ngôn ngữ viết trong sách trước sau đó lặp lại hoặc đặt câu hỏi cho con bằng tiếng Việt.
Trong một năm rưỡi ở Bangkok sau khi sinh bé Bianca, gia đình tôi sống tại một khu nhà nơi có rất nhiều người nước ngoài đến ở. Ngoài thời gian tiếp xúc với mẹ bằng tiếng Việt và với bố bằng tiếng Italy, con thường xuyên gặp gỡ những người nước ngoài với những ngôn ngữ khác như Anh, Pháp, Đức… Tôi nghĩ có thể đây là chất xúc tác giúp khả năng tiếp thu ngôn ngữ của con phát triển mạnh ngay từ khi còn nhỏ. Lúc 3 tuổi Bianca đã có thể nói khá lưu loát bằng tiếng Việt với mẹ mặc dù đôi khi vẫn pha trộn các ngôn ngữ với nhau khi gặp phải từ mà con không biết.
Video bé Bianca nói 6 thứ tiếng
Sau thời gian ở Bangkok, chúng tôi chuyển sang Kenya và ở đó trong gần 5 năm. Tôi sinh bé thứ hai, con trai Carlo Tân Việt ở đây và cho con đi học mẫu giáo từ khi 18 tháng tuổi. Ngôn ngữ chính ở Kenya là tiếng Anh nên các bé dùng ngôn ngữ này hàng ngày, từ ở trường đến bạn bè, hàng xóm và người giúp việc. Vì vậy tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chính của Bianca và Carlo khi nói chuyện với nhau.
Sau Kenya, gia đình tôi chuyển sang Uzbekistan, nơi ngôn ngữ chính là tiếng Nga (và tiếng Uzbek) và đã ở đây được hơn 2 năm. Ở Uzbekistan, các bé bắt đầu đi học trường Pháp nên ngôn ngữ chính ở trường là Pháp và Nga. Các con học trường Pháp với các thầy cô giáo Pháp và được tiếp xúc với ngôn ngữ này ít nhất 7 giờ đồng hồ mỗi ngày nên chỉ trong vòng 6 tháng đầu khi mới nhập học, các con đã bắt đầu giao tiếp được.
Sau hai năm theo học ở trường, các con nghe nói đọc viết tốt. Bianca được coi là một trong những học sinh xuất sắc nhất trong lớp về tiếng Pháp mặc dù con chỉ bắt đầu học tiếng Pháp khi mới vào lớp 1 trong khi các bạn cùng lớp bắt đầu từ mẫu giáo. Giáo viên nhận xét rằng tiếng Pháp của con tốt ngang với các bạn người gốc Pháp.
Ngoài ra, tôi cho các con đi học ngoại khóa (karate, tennis, bơi, trượt băng, piano) bằng tiếng Nga nên các con có thể nghe hiểu và nói tiếng Nga bình thường. Những người Nga mà tôi quen ở Uzbekistan đều nhận xét rằng hai con (đặc biệt là con gái Bianca) có khả năng phát âm tiếng Nga không khác gì người bản địa.
Bianca 7 tuổi và Carlo 6 tuổi ở Uzbekistan. |
Có một giai đoạn hai con tôi định chuyển từ việc nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh qua tiếng Italy, vợ chồng tôi chỉnh ngay và yêu cầu các bé tiếp tục nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh để không bị quên ngôn ngữ này. Vì vậy hiện giờ các con vẫn sử dụng tiếng Anh bình thường với nhau và đã mặc định đây là ngôn ngữ chung của hai bé.
Ngoài ra, các con còn tự tạo một thứ tiếng của riêng hai con và gọi là "Burachana" (tôi không rõ các con nghe từ này ở đâu, có thể là từ tiếng Ấn Độ trong thời gian các con sống ở Kenya do có cộng đồng người Hindu rất lớn). Các con sử dụng những âm ngữ lạ lùng và rất lấy làm thích thú. Hai con có thể trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ này hàng giờ đồng hồ và cười rất thoải mái khi thấy bố mẹ không hiểu.
Dù hai con có thể nói 5 thứ tiếng nhưng tiếng Italy vẫn là ngôn ngữ chính trong gia đình tôi. Chồng tôi cũng thường chủ động giải thích cặn kẽ mọi việc cho các con bằng tiếng Italy nên ngôn ngữ này của hai con cũng rất tốt. Hàng năm gia đình tôi thường về quê chồng nghỉ hè khoảng một tháng nên khả năng tiếng Italy của các con phát triển rất nhanh.
Nhiều người hỏi tôi có sợ con bị loạn ngôn ngữ hay không, tôi thẳng thắn nói rằng tôi không sợ điều đó. Tôi đọc nhiều tài liệu nói trong 6 năm đầu đời, trẻ có khả năng tiếp thu ngôn ngữ tốt. Các nhà khoa học ví bộ não của trẻ như miếng mút có thể thấm các ngôn ngữ khác nhau như thấm nước, nên tôi không lo lắng gì.
Tôi không yêu cầu các con phải học thêm ngôn ngữ khác, nhưng con gái Bianca muốn học thêm hai thứ tiếng nữa là tiếng Trung và Tây Ban Nha. Nếu con muốn, tôi sẽ đáp ứng nhu cầu của con khi nào con sẵn sàng.
Ba bé đáng yêu nhà chị Phương Hảo. |
Sống ở nhiều đất nước, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, bản thân các con tôi đã tự coi mình là công dân đa quốc gia. Khi có ai hỏi con gái Bianca rằng con là người nước nào, con thường nói rằng mình là người Việt Nam và Italy, nhưng cũng là người Thái Lan (vì con sinh ra ở đây), trong khi đó con trai Carlo thường trả lời rằng con là người Kenya.
Có lần Bianca hỏi chồng tôi:
-Bố ơi, nhà của mình ở đâu vậy?
Chồng tôi trả lời:
-Ở nơi mà tất cả chúng ta sống cùng nhau.
Vì vậy các con tôi luôn thích ứng rất nhanh với môi trường mới mỗi khi gia đình mình chuyển qua một nước mới. Nơi nào cũng là nhà, điều quan trọng là vợ chồng tôi luôn cố gắng giữ những đồ vật thường ngày của các con để mang qua nơi ở mới như đồ chơi, thú bông, sách hay cốc chén của các con để các con có thể tìm thấy cảm giác "nhà" trong một không gian mới.
Phương Hảo
Post a Comment