Đang làm thẩm mỹ cho khách, nghe tiếng ầu ơ của bà, tiếng ọ ẹ của hai con sinh đôi, chị Nguyễn Thị Thúy, 32 tuổi lại tủm tỉm cười. Chị từng nghĩ cả đời này chắc mình không được làm mẹ, nhưng cuối cùng ông trời đã không phụ người có lòng. Sau 12 năm ngược xuôi chữa chạy, cuối cùng, vợ chồng chị đã sinh được cặp song sinh một trai một gái vào 4 tháng trước. "Giờ nhiều lúc tôi vẫn thấy như trên mây vì sung sướng. Tôi thấy cuộc đời mình ý nghĩa và đáng sống hơn biết bao", chị thổ lộ.
Chị Thúy kể, sau khi kết hôn nửa năm, chưa thấy tin vui, lại bị nhiều người hỏi chuyện con cái, vợ chồng chị đi khám. Nhận kết quả bình thường nhưng vì mong có con nên anh chị đã bắt đầu đi chữa vô sinh bằng thuốc nam, thuốc bắc ở nhiều nơi. Hết chữa bằng thuốc lá tới theo bác sĩ tây y cũng không có kết quả, cặp vợ chồng trẻ nhiều lần thất vọng và gặp không ít sóng gió tưởng chừng chẳng thể vượt qua.
Vợ chồng chị Thúy cùng hai bé sinh đôi 4 tháng tuổi và cô con gái nuôi hơn 3 tuổi. Ảnh: NVCC. |
"Nhiều người gặp tôi nói bóng gió 'gái không con như bồ hòn không rễ', có người bảo thẳng 'chắc tại mày thế nào nên mới vậy'. Bao nhiêu nước mắt đã rơi", chị Thúy nhớ lại.
Mệt mỏi và chán nản, muốn giải thoát cho chồng và chính mình, chị đã nhiều lần viết đơn ly hôn để chồng đi lấy người khác. "Tôi không dám gặp mặt anh để nói những lời ấy nên viết ra, nhưng lần nào anh cũng lẳng lặng giấu những tờ đơn, lá thư ấy đi. Khi tôi hỏi 'đơn của em đâu', anh bảo: 'Em đừng làm vậy nữa. Chúng mình đã thế này rồi, phải dựa vào nhau, cùng nhau cố gắng chứ", chị Thúy kể.
Trong mắt chị Thúy, chồng chị, một thợ điện nước, là người đàn ông chân chất, ít khi bày tỏ tình cảm hay động viên bằng lời nói ngọt. Anh luôn thể hiện bằng hành động hằng ngày, cách sống chân tình bao năm. Dù chịu bao sức ép, nghe đủ lời khích bác, anh vẫn luôn vững tâm cùng vợ chữa trị. "Đó là bờ vai vững chãi giúp tôi có thêm động lực để cố gắng", chị Thúy nói.
Hai bé Minh Phúc, Minh Tuệ chào đời đầu năm 2017, mang lại niềm hạnh phúc vô bờ cho bố mẹ. Ảnh: NVCC. |
Sau nhiều năm chữa bằng thuốc không hiệu quả, năm 2015, vợ chồng chị quyết tâm đi làm thụ tinh nhân tạo tại Bệnh viện 103.
Lần đó, chị Thúy có 5 trứng nhưng chỉ chọn được 3 phôi, cấy hết một lần. "Hy vọng nhiều lắm, thấp thỏm từng ngày. Không biết bao lần mơ 'bắt được' con, đến khi tỉnh dậy thẫn thờ như người mất hồn vì biết đó chỉ là mơ", chị nói. Nhưng hy vọng mau chóng biến thành tuyệt vọng khi đến ngày thứ 8, chị lại thấy mình có kinh nguyệt. "Tôi thấy mình như mất trắng, nghĩ chắc cả đời này mình không được làm mẹ rồi. Tôi khóc như mưa. Anh xã không nói một lời, chỉ vắt tay lên trán, thở dài, nhìn thương lắm", chị Thúy hồi tưởng.
Sau lần thất bại đó, chị rơi vào trầm cảm, luôn cố lảng tránh mọi người vì sợ nhắc chuyện con cái, thậm chí có lúc nghĩ tới cái chết.
Năm 2013, mất hy vọng sinh được con, chị nhận một bé gái mời chào đời làm con nuôi. Trải qua bao nhọc nhằn chăm con nuôi vì bé hay đau ốm, 10 ngày tuổi đã phải đi cấp cứu vì viêm phổi, trong tim chị vẫn âm ỉ khát vọng được một lần sinh nở.
Đầu năm 2016, anh chị quyết định vào Sài Gòn làm thụ tinh ống nghiệm lần chót. Khi khám, bác sĩ phát hiện trứng của chị bị dị dạng nên nếu thụ tinh lần này không thành công thì cần xin trứng. Chị lại một lần nữa đứng ở bờ tuyệt vọng.
Lần chuyển phôi đó thất bại. Vẫn còn phôi đông lạnh, chị bảo chồng và con gái trở lại Hà Nội trước, mình ở lại chuyển nốt phôi lần cuối, với tâm thế không còn gì để mất và chẳng hy vọng nhiều. Cấy phôi xong, chị ra sân bay trở về luôn, chẳng nằm đợi chờ, giữ gìn nhẹ nhàng như hai lần trước.
Minh Phúc và Minh Tuệ 4 tháng tuổi đều được hơn 6kg. Ảnh: NVCC. |
Vậy nhưng ngày thứ 8 sau chuyển phôi, chị nôn khan, thấy người khang khác. "Niềm hạnh phúc len vào lòng. Tôi mừng run, thủ thỉ với chồng về niềm hy vọng, anh ấy không nói gì, miệng tủm tỉm, mắt ánh lên", người mẹ trẻ kể lại.
Ngày thứ 13, chị thấp thỏm cả đêm không ngủ được, chưa sáng đã lôi ra que thử thai. Hai vạch. Chị báo cho chồng biết, anh cười, mắt lấp lánh nước. Hạnh phúc trào dâng, dù trời còn mờ sương, chị đã gọi điện cho những người thân thiết để báo tin. "Ai cũng hồ hởi, mọi người còn dặn mình 'vui thì vui, đừng có nhẩy cẫng lên đó''', chị nhớ như in buổi sáng ấy. Hôm sau nữa, chị lại gọi người tới tận nhà để thử máu xác nhận: Chị đã thực sự có thai.
Ông trời tiếp tục thử lòng người khi những tháng thai kỳ diễn ra không dễ dàng. Chị nghén nặng, ăn hay uống gì vào cũng nôn ra, ba tháng đầu sụt gần 6 kg, sau đó còn bị ra máu 3 lần và phải điều trị an thai dài ngày tại bệnh viện.
"Có thai mừng lắm nhưng vẫn lo. Như hội chị em hiếm muộn vẫn hay bảo nhau, phải lúc nào ôm được con trong tay mới chắc", chị Thúy thổ lộ.
Từ khi vợ có bầu, chồng chị không cho vợ đụng vào việc gì. Anh đi làm về lại tất tả nấu nướng, chăm vợ.
Thai 8 tháng, chị Thúy đến Bệnh viện phụ sản Trung ương khám phụ khoa thì bác sĩ phát hiện tử cung đã mở hai phân nên quyết định mổ luôn.
"Lơ mơ trên bàn mổ, nghe tiếng con khóc, tôi cũng giàn giụa nước mắt vì sung sướng. Tôi giỏi quá, vậy là tôi đã... biết đẻ rồi. Cuối cùng tôi cũng được làm mẹ. Nghe bác sĩ nhắc 'chị ơi, đang mổ, chị đừng khóc nữa, không tốt cho sức khỏe', tôi biết đây không phải giấc mơ", chị Thúy nhớ lại giây phút hạnh phúc nhất.
Chồng chị cũng kể lại rằng, khi được bác sĩ gọi vào bế con, anh đờ đẫn vì hạnh phúc, đến nỗi quên cả việc cảm ơn thầy thuốc.
Dù sinh non tháng, cặp song sinh của anh chị khá khỏe mạnh, cậu anh Minh Phúc nặng 2,5kg, em gái Minh Tuệ nặng 2,3kg. Ông bố hăng hái nhận ngay nhiệm vụ "ấp" con theo phương pháp kanguru. "Giờ quen rồi, đêm nào một bạn cũng nằm ngủ trên bụng bố luôn", chị Thúy kể.
Sau khi chị sinh, hai bà nội ngoại trợ giúp, anh xã chị đi làm cả ngày, về đến nhà là nựng nịu con, đêm cũng không ngại thức trông hai bé.
"Vợ chồng tôi như có được liều thuốc thần, thấy cuộc đời tươi mới, tràn đầy sức sống, ý nghĩa. Tôi cũng mong trái ngọt của mình có thể làm động lực cho những người đang chật vật trên con đường tìm con. Hãy khám và chữa sớm, vợ chồng cùng yêu thương và làm chỗ dựa cho nhau trên hành trình gian nan ấy", chị Thúy chia sẻ.
Vương Linh
Post a Comment